Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Người đàn ông rơi vào hôn mê chỉ vì hành động này sau khi bị rắn cắn, bác sĩ cảnh báo hậu quả chết người

Sau khi bị rắn hổ mang chúa cắn, người đàn ông ở Lào Cai không đến bệnh viện mà tìm thầy lang để đắp thuốc lá. Chỉ vài giờ sau, ông rơi vào hôn mê sâu, ngừng tuần hoàn và hiện đang nguy kịch.

Tin thầy lang, mất “giờ vàng” cấp cứu

Mới đây, Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một bệnh nhân nam 50 tuổi ở Lào Cai trong tình trạng ngừng tuần hoàn, hôn mê sâu do rắn độc cắn. Theo lời người nhà, nạn nhân bị rắn hổ mang chúa cắn lúc 12h30 trưa, nhưng không đến viện ngay mà đi đắp thuốc lá tại nhà thầy lang.

Khoảng 2 tiếng sau, bệnh nhân bắt đầu nói khó, được đưa đến bệnh viện huyện. Tuy nhiên, trên đường đi, ông bắt đầu co cứng người, tím tái, suy hô hấp, ngừng tim.

May mắn là các bác sĩ tại bệnh viện tuyến huyện đã kịp thời hồi sức tim phổi, đặt nội khí quản, sau đó chuyển gấp về Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Hiện bệnh nhân vẫn hôn mê, tụt huyết áp, tổn thương tim, được hồi sức tích cực và điều trị giải độc.

1-1752805837.jpg
Tin thầy lang, mất “giờ vàng” cấp cứu. (Ảnh: BS. Nguyễn Anh Tuấn, Trung tâm Chống độc)

Theo TS. BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai: “Với các loại rắn độc, thời gian vàng để cứu sống bệnh nhân có thể chỉ trong vòng vài giờ sau khi bị cắn. Nếu không đưa đến cơ sở y tế kịp thời để sử dụng huyết thanh kháng độc đặc hiệu, thì hậu quả thường là hoại tử và mất một phần cơ thể, liệt cơ hô hấp, ngừng tim, tổn thương não và thậm chí là tử vong”.

TS. Nguyên nhấn mạnh, tuyệt đối không sử dụng các bài thuốc dân gian hay y học cổ truyền trong điều trị rắn độc cắn như đắp lá, uống thuốc gia truyền, dùng sừng tê giác hay “đá chữa rắn cắn”. Những biện pháp này không có tác dụng trung hòa nọc độc, ngược lại làm mất thời gian vàng cứu sống bệnh nhân.

Một trường hợp đau lòng từng xảy ra là con trai một thầy lang nổi tiếng chuyên chữa rắn cắn ở Hà Nội đã tử vong sau khi bị rắn hổ mang chúa cắn mà không đến viện điều trị.

Bác sĩ Nguyên cho biết, trong một số trường hợp, rắn độc cắn nhưng không bơm hoặc bơm rất ít nọc, gọi là vết cắn khô. Khi đó, người bệnh không bị nhiễm độc và dễ bị nhầm tưởng là đã được chữa khỏi nhờ phương pháp dân gian. Tuy nhiên, ông cảnh báo: “Trông chờ vào một vết cắn khô hay rắn không độc cắn là điều rất rủi ro và có thể phải đánh đổi bằng tính mạng”.

Hiện nay, Việt Nam đã phát hiện khoảng 70 loài rắn độc, còn rắn không độc lên đến hàng trăm loài. Do đó, không thể chủ quan phán đoán bằng mắt thường.

Khi bị rắn cắn, cần làm gì?

TS. Nguyên cho biết, hiện nay nhiều bệnh viện đã có khả năng chẩn đoán, điều trị rắn cắn hiệu quả, phối hợp với các chuyên gia về chống độc và nhận diện loài rắn để đưa ra phác đồ điều trị tối ưu. Ông khuyến cáo: “Chúng tôi biết rõ bệnh nhân bị đến đâu, kể cả độc hay không độc, nhận biết loài rắn đã cắn bệnh nhân và đưa phác đồ điều trị tốt nhất. Chính vì thế với các trường hợp bị rắn cắn vẫn là đưa nạn nhân đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt”.

Các bước sơ cứu ban đầu khi bị rắn cắn gồm:

  • Bình tĩnh, hạn chế vận động chỗ bị cắn.

  • Băng ép chi bị cắn, dùng nẹp cố định nếu cần.

  • Nếu bị cắn vào đầu, cổ, thân mình, ấn trực tiếp lên vết thương bằng vải hoặc bìa dày.

  • Nhanh chóng đưa người bệnh tới bệnh viện, giữ chi bị cắn thấp hơn tim.

  • Tuyệt đối không rạch, không đắp lá, không ga rô sai cách, không tìm thầy lang.

Theo các bác sĩ, một số loài rắn như hổ mang chúa, cạp nia, cạp nong, rắn lục đầu bạc… có khả năng gây liệt hô hấp rất nhanh, thậm chí trong vòng 30 phút sau cắn. Chính vì vậy, bất kỳ sự chậm trễ nào trong xử lý đều đe dọa tính mạng bệnh nhân.

Các chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bao gồm các nước có nền y học cổ truyền như Trung Quốc, Ấn Độ, đều thống nhất khuyến cáo không dùng thuốc cổ truyền trong điều trị rắn độc cắn.

NB (T/h)