Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang (HoSE: DHG) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2024 với doanh thu thuần đạt hơn 1.105,8 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, giá vốn hàng bán lại tăng 2% lên 608 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp của công ty giảm 11% về 497,6 tỷ đồng. Dược Hậu Giang cho hay, giá thành sản phẩm tăng do công ty chủ động điều tiết sản lượng sản xuất để đưa dự trữ tồn kho về mức hợp lý.
Doanh thu tài chính cũng giảm 40% xuống 35 tỷ đồng, chủ yếu do lãi tiền gửi giảm. Trong kỳ, công ty đã thực hiện tiết giảm 4% chi phí bán hàng và chi phí quản lý xuống gần 295 tỷ đồng.
Kết quả, Dược Hậu Giang báo lãi sau thuế đạt 192,5 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu thuần 2.365 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 414,7 tỷ đồng, lần lượt giảm 1% và 32% so với cùng kỳ.
Giải trình về biến động này, Ban lãnh đạo Dược Hậu Giang cho biết đã được dự báo trước và nằm trong kế hoạch. Lý do là sức mua giảm, người dân thắt chặt chi tiêu do tình hình kinh tế chung khó khăn.
Đồng thời, Nhà máy Betalactam mới đi vào hoạt động từ tháng 5/2024 làm tăng các chi phí ghi nhận ngay. Song, Dược Hậu Giang cũng ghi nhận khoản chi phí đầu tư cho nhà máy Nonbetalactam và Betalactam để đẩy nhanh tiến độ nâng cấp nhà máy lên tiêu chuẩn EU-GMP.
Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Dược Hậu Giang tăng 45 tỷ đồng so với đầu năm lên 6.155 tỷ đồng. Khoản tiền và tương đương tiền ghi nhận ở mức 2.712 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm và chiếm 44% tổng tài sản. Trong đó, tiền mặt công ty nắm giữ là 61,6 tỷ đồng và gần 2.650 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn.
Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả đến hết quý II của công ty ở mức 1.901,6 tỷ đồng, tăng tới 51% so với hồi đầu năm. Biến động chủ yếu từ khoản phải trả ngắn hạn khác khi công ty phát sinh hơn 457,6 tỷ đồng trả cổ tức, trong khi cùng kỳ không ghi nhận.
Dư nợ vay tài chính cũng tăng 41% so với đầu năm lên gần 811 tỷ đồng; toàn bộ là các khoản vay ngân hàng với lãi suất từ 0,23 - 0,38%/tháng.
Triển vọng nào cho những quý cuối năm
Theo SSI, các chính sách sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp dược phẩm sản xuất trong nước trong năm 2024. Một chính sách quan trọng dự kiến được thông qua trong năm 2024 là việc sửa đổi Luật Dược, nhằm giúp giảm bớt thách thức và tạo thêm động lực cho các doanh nghiệp trong nước theo đuổi các tiêu chuẩn cao (như EU-GMP hoặc tương đương).
SSI kỳ vọng những chính sách này sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất trong nước cải thiện thị phần so với sản phẩm nhập khẩu ở kênh bệnh viện. Tuy nhiên, tác động của những chính sách này sẽ được thấy rõ hơn vào những năm tiếp theo (2025 - 2026).
Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) cũng cho rằng việc khơi thông pháp lý sẽ thúc đẩy tăng trưởng ngành dược phẩm. Theo đó, từ đầu năm 2023, nhiều văn bản pháp lý mới giúp khơi thông những khó khăn của ngành dược đã được ban hành như Nghị quyết 80, Nghị định 07, Nghị quyết số 30, Thông tư 06. Trong đó, Quyết định số 1165 ban hành hồi tháng 10/2023 đặt mục tiêu tự chủ các dòng thuốc generics nội địa, hạn chế nhập khẩu thuốc từ nước ngoài.
Mirae Asset dự báo, giá trị ngành dược phẩm năm 2024 dự báo sẽ đạt 7,89 tỷ USD (tăng 9,1% so với cùng kỳ). Trong đó, kênh ETC tăng trưởng mạnh hơn OTC nhờ sự bao phủ bảo hiểm toàn dân đã đạt 93%. Dự phóng giá trị mảng ETC năm 2024 sẽ đạt 6 tỷ USD, tăng 9,4%.
Đồng thời, nếu hoàn tất cơ chế về tự chủ tài chính, bệnh viện công lập sẽ tăng cường chọn các dòng thuốc ưu tiên nội địa có chất lượng cao, thúc đẩy nhu cầu kênh thuốc.