Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Nhận diện chiêu thức mời chào “thượng đế” của loạt cơ sở làm đẹp

Thị trường làm đẹp tại Việt Nam hiện nay đã phát triển mạnh mẽ, thu hút nhiều người tìm đến để cải thiện ngoại hình. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ sở uy tín và chuyên nghiệp, vẫn còn không ít những "cơ sở làm đẹp dởm" lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng để trục lợi.

Lời tòa soạn:

Ngành nghề thẩm mỹ và dịch vụ thẩm mỹ, làm đẹp hiện nay đã trở thành nhu cầu không chỉ của chị em mà còn của các đấng mày râu. Các cơ sở thẩm mỹ, spa mọc lên “như nấm” đã khiến không ít người tiêu dùng “mếu dở khóc dở” vì tin vào những lời quảng cáo, hứa hẹn chắc nịch của những cơ sở làm đẹp “làm là đẹp”, “trị chắc chắn không tái lại…” và muôn vàn lời hứa khác.

Thậm chí, không ít người đã lầm tưởng về “miếng bánh béo bở” mà ngành thẩm mỹ mang lại, cứ cho rằng bỏ chút học phí ra đi học là về làm được ngay cho khách, không ít người đã trót trao cơ thể của mình cho những “bác sĩ dỏm” để rồi gặp không ít biến chứng, thậm chí tử vong.

Nhưng, quy luật tự nhiên “có cung ắt có cầu”, hàng ngày, hàng giờ thông qua các website, mạng xã hội các cơ sở thẩm mỹ vẫn ồ ạt “chiêu sinh” học viên học đào tạo thẩm mỹ, đào tạo tiêm filler, botox… Vậy thực hư của những mánh khóe này ra sao? Kính mời quý độc giả đón đọc loạt bài: “Ngã ngửa với những chiêu trò "hút khách”, “đào tạo học viên” của các cơ sở thẩm mỹ” trên Người Đưa Tin.

Ẩn danh trên mạng xã hội

Trong vai người có nhu cầu làm đẹp, khám chữa bệnh, PV đã tìm hiểu một số cơ sở làm đẹp trên địa bàn Hà Nội và phát hiện ra những thủ đoạn "quen thuộc" mà các cơ sở này thường sử dụng.

Theo đó, những cơ sở thẩm mỹ, spa thường quảng cáo rầm rộ trên các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, Tiktok... Tuy nhiên, họ cố tình không để lại địa chỉ cụ thể hoặc số điện thoại liên hệ. Thay vào đó, họ yêu cầu khách hàng liên lạc và trò chuyện trực tiếp trên mạng xã hội. Điều này khiến người tiêu dùng khó có thể xác minh thông tin và danh tính thực sự của cơ sở.

Khi đã kết nối được với khách hàng và hẹn qua cơ sở để tư vấn những nhân viên "dởm" này lại yêu cầu khách hàng cung cấp quá nhiều thông tin cá nhân khi đến thăm khám và điều trị.

Nhận diện chiêu thức mời chào “thượng đế” của loạt cơ sở làm đẹp- Ảnh 1.

Nhiều cơ sở thẩm mỹ yêu cầu khách hàng liên lạc và trò chuyện trực tiếp trên mạng xã hội.

Thay vì chỉ lấy những thông tin cơ bản như họ tên, địa chỉ, mong muốn làm dịch vụ,... họ còn đòi hỏi biết khách hàng được giới thiệu từ đâu, số điện thoại của người giới thiệu… v.v. Những thông tin này hoàn toàn không liên quan đến việc khám chữa bệnh, mà chỉ nhằm mục đích theo dõi, kiểm soát khách hàng.

Một chiêu trò khác mà những cơ sở "dởm" thường sử dụng là yêu cầu khách hàng kết bạn Zalo trước khi đến tư vấn trực tiếp. Điều này nhằm mục đích thu thập thông tin cá nhân của khách hàng, để từ đó có thể liên lạc và ép buộc họ sử dụng các dịch vụ.

Một số trường hợp, khi khách hàng đến tư vấn trực tiếp tại cơ sở, nhân viên sẽ mời chào khách hàng thực hiện ngay các dịch vụ, thậm chí là ép buộc đặt cọc ngay lập tức. Họ lợi dụng tâm lý nóng vội và thiếu kiến thức của khách hàng để cưỡng ép họ sử dụng các dịch vụ, bất chấp giá cả và chất lượng.

Quảng cáo một đằng đến làm lại một nẻo

Phản ánh tới Người Đưa Tin, Huyền Trang (32 tuổi, Vĩnh Phúc) cho biết cô biết đến trang Facebook có tên "PGS.TS Bác Sĩ Phạm Hoàng Khâm (Chuyên khoa Da liễu)" và được một số điện thoại 0896164XXX gọi điện tư vấn đặt lịch điều trị nám.

Nhận diện chiêu thức mời chào “thượng đế” của loạt cơ sở làm đẹp- Ảnh 2.

Các bài quảng cáo chỉ có số điện thoại liên hệ chứ không công khai địa chỉ cụ thể. Sau đó người tư vấn mới kết nối Zalo để gửi thông tin cho khách hàng.

“Tôi được số điện thoại xưng danh là trợ lý của PGS.TS Bác Sĩ Phạm Hoàng Khâm tư vấn điều trị nám chủ yếu bằng meso extra (phương pháp tiêm chất dưỡng vào da - PV). Khi tư vấn với tôi thì nhân viên nói sẽ điều trị meso extra và sử dụng máy cao cấp Dicoway nhưng khi tôi ở Vĩnh Phúc xuống cơ sở ở số 42 Liễu Giai thì được một nhân viên khác tư vấn”, Huyền Trang cho biết.

Theo lời của Huyền Trang, ngày 20/7/2024, tại cơ sở 42 Liễu Giai Huyền Trang được nhân viên tư vấn trị nám với các gói khác nhau, gói 8 triệu và 15 triệu, cô chọn gói 8 triệu (3 buổi điều trị).

Và nhân viên tại đây khẳng định chắc nịch: “Chị sẽ thấy hiệu quả da mặt căng bóng hơn ngay từ buổi đầu tiên, cam kết sau khi kết thúc liệu trình sẽ bay nám trên bề mặt”.

Sau tư vấn, nhân viên chăm sóc tại cơ sở này giới thiệu sản phẩm đến Huyền Trang. Vì cũng là người làm trong ngành Spa nên Huyền Trang nhận thấy các sản phẩm đó không liên quan đến meso và thành phần là peel da, không gây bong tróc.

Nhận diện chiêu thức mời chào “thượng đế” của loạt cơ sở làm đẹp- Ảnh 3.

Trên phiếu thu hay tất cả các giấy cam kết cho khách hàng đều không để tên cơ sở cụ thể mà chỉ ghi "cơ sở 42 Liễu Giai".

Thắc mắc trị nám theo phương pháp laser mà không có bắn laser (Dicoway) thì sao lại tư vấn là trị nám bằng phương pháp laser và meso extra? Huyền Trang được nhân viên nói là có thực hiện bằng phương pháp này. Nhưng cô cho biết cả quá trình làm chỉ khoảng 7 phút là xong.

Nhân viên tại đây khẳng định với Huyền Trang làm 5 buổi là sạch được cả bên trong, 70-80% sạch nám cả trong lẫn ngoài. Còn tái lại thì do bản thân chăm sóc da.

“Khi tôi đến cơ sở 42 Liễu Giai thì có ghi biển hiệu Spa Daily, nhưng điều tôi băn khoăn là khi tôi đặt lịch để điều trị thì có một người tư vấn, còn xuống làm thực tế lại có người khác tư vấn để làm cho mình nên những gì trao đổi ban đầu không được đồng nhất với nhau”, Huyền Trang chia sẻ.

Nhận diện chiêu thức mời chào “thượng đế” của loạt cơ sở làm đẹp- Ảnh 4.

Cơ sở thẩm mỹ 42 phố Liễu Giai, quận Ba Đình.

Sau làm buổi đầu tiên, Huyền Trang nhận thấy da trên mặt của cô vẫn bình thường, không cải thiện. Trong khi đó, khi tư vấn người tư vấn có nói là nếu không làm 3-5 buổi thì chỉ cần làm một buổi đã thấy khác với ban đầu.

Chia sẻ trường hợp của mình, Huyền Trang nói: “Hiện tôi không muốn làm liệu trình đó nữa và yêu cầu spa trả lại cho tôi số tiền còn lại là 5 triệu đồng vì tôi đã dùng 1 buổi là 3 triệu đồng”.

Đồng thời cho biết với yêu cầu như vậy, nhưng nơi cô làm đẹp không đồng ý hoàn lại số buổi cô chưa làm mà đang yêu cầu quy đổi sản phẩm của spa.

Thông qua câu chuyện của mình, Huyền Trang cũng mong muốn cảnh báo tới các chị em mê làm đẹp cần phải tìm hiểu kỹ cơ sở, tránh quảng cáo, tư vấn một đằng đến lại làm một kiểu, cẩn thận “tiền mất tật mang”.

Đóng giả khách hàng để quảng cáo

Một trong những chiêu trò phổ biến mà theo ghi nhận của PV là các cơ sở làm đẹp thường sử dụng diễn viên, ca sĩ nổi tiếng để quảng cáo dịch vụ làm đẹp. Những người nổi tiếng này thường được các cơ sở mời đến làm "khách hàng" và ca ngợi về hiệu quả “kỳ diệu” của các dịch vụ.

Tuy nhiên, sự thật là những người này chỉ đóng vai và không hề sử dụng các dịch vụ đó. Điều này đã bị phanh phui nhiều lần, gây bức xúc cho khách hàng.

Đơn cử, hồi tháng 6/2024 ca sĩ Hồ Quang Hiếu đã nhận về những ý kiến trái chiều của cư dân mạng khi đăng tải clip quảng cáo cho một đơn vị phẫu thuật thẩm mỹ.

Nhận diện chiêu thức mời chào “thượng đế” của loạt cơ sở làm đẹp- Ảnh 5.

Các cơ sở làm đẹp thường sử dụng diễn viên, ca sĩ nổi tiếng để quảng cáo dịch vụ làm đẹp, tuy nhiên sự thật là những người này chỉ đóng vai và không hề sử dụng các dịch vụ đó.

Trong video này, nam ca sĩ được giới thiệu là thực hiện biện pháp sửa cung chân mày, phun môi theo dáng phong thủy.

Trước Hồ Quang Hiếu, nhiều nghệ sĩ Việt cũng từng gây xôn xao khi quảng bá cho các đơn vị thẩm mỹ như: đạo diễn Lê Hoàng, MC Thanh Bạch và còn nhiều nghệ sĩ khác.

Sau khi bị phanh phui các cơ sở thẩm mỹ lại tung ra chiêu trò mới, đó là sử dụng những diễn viên, người thường có tài ăn nói để tiếp tục đóng giả là khách hàng. Họ được trang điểm và quay phim, chụp ảnh để quảng cáo về quy trình về các phương pháp làm đẹp, chữa trị.

Một điều đáng chú ý là, trong các quảng cáo, người ta thường thấy một số người người đang quảng cáo ở cơ sở này lại xuất hiện ở cơ sở khác với vai trò là bệnh nhân.

Trong trường hợp khách hàng gặp biến chứng, thương tích do các cơ sở thẩm mỹ không có trình độ chuyên môn thực hiện, người tiêu dùng có thể khởi kiện và yêu cầu bồi thường thiệt hại hay không? Đây cũng là thắc mắc của nhiều người mê làm đẹp.

Trả lời thắc mắc này, trao đổi với Người Đưa Tin, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng văn phòng Luật sư Kết nối (đoàn luật sư Tp.Hà Nội) cho biết, trường hợp có dấu hiệu vi phạm, gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác theo quy định tại Điều 315 Bộ luật Hình sự với mức phạt lên đến 15 năm tù tuỳ từng mức độ thiệt hại, hậu quả của hành vi.

Ngoài ra, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

“Như vậy, trường hợp khách hàng gặp biến chứng khi sử dụng dịch vụ tại các cơ sở thẩm mỹ trái phép thì có thể trình báo ra cơ quan công an yêu cầu xử lý và bồi thường những thiệt hại phát sinh do hành vi vi phạm gây ra”, Luật sư Hùng nói rõ.

(Còn tiếp)