Làm giàu nơi cù lao nhiễm mặn
Là huyện cù lao nhiễm mặn nằm ở hạ lưu sông Tiền, điều kiện thiên nhiên ở Tân Phú Đông, Tiền Giang phải chịu từ 6 đến 9 tháng nhiễm mặn. Sau nhiều năm tìm hiểu, ông Lê Thành Tăng đã tiên phong trong chuyển đổi sản xuất tại địa phương.
Hưởng ứng chủ chương của nhà nước về phát triển nuôi trồng thủy sản xuất khẩu trên nền đất lúa kém hiệu quả thích ứng biến đổi khí hậu, năm 2006, ông Tăng chuyển 1 ha đất trồng lúa sang nuôi tôm thẻ.
Ông Tăng chia sẻ với Dân Việt, tôm thẻ phù hợp với mô hình nuôi thủy sản nước mặn, lợ tại địa phương. Ông chọn mô hình nuôi tôm thẻ thâm canh bởi đem lại năng suất vượt trội so với trồng trọt và chăn nuôi truyền thống. Mỗi năm có 2 vụ nuôi tôm, mỗi vụ kéo dài khoảng 4 tháng. Tôm thẻ nuôi theo mô hình thâm canh đạt năng suất bình quân từ 5 tấn đến 6 tấn/ha/vụ.
Ông Tăng cho biết: “Muốn thành công, người nuôi tôm cần am hiểu về quy trình kỹ thuật nuôi, chọn giống tôm tốt, xử lý ao nuôi kỹ lưỡng. Ngoài ra, mật độ thả tôm vừa phải, chăm sóc và cho ăn theo quy định được hướng dẫn. Đặc biệt quan tâm chủ động phòng, chống bệnh cho tôm trong suốt mùa vụ”.
Sau gần 20 năm gắn bó với tôm thẻ, ông có khoảng 3 ha tôm nuôi trên huyện cù lao Tân Phú Đông. Sản lượng mỗi năm từ 27 tấn đến 30 tấn tôm, thu lãi ròng trên 1 tỷ đồng.
Từ lợi nhuận nuôi tôm, ông Lê Thành Tăng đầu tư thêm 5 nhà nuôi yến, mở thêm cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y thủy sản theo mô hình tổng hợp. Ước tính, gia đình ông thu lợi nhuận trên 2 tỷ đồng mỗi năm.
Việc kinh doanh, sản xuất của ông Tăng còn góp phần tạo thu nhập ổn định cho người lao động tại địa phương. Ngoài ra, ông cũng thường xuyên làm công tác từ thiện, giúp đỡ hộ nghèo tại huyện Tân Phú Đông với mức 300.000 đồng/hộ/tháng.
Thu nhập tiền tỷ nhờ nuôi tôm ở Giao Thủy
Cũng như ông Thành, nuôi tôm thẻ đã giúp ông Cao Văn Ba ở xã Giao Phong, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định thu nhập 6 tỷ đồng/ năm.
Từ một hộ nuôi nhỏ lẻ thu nhập thấp, đến nay, ông Ba đã sở hữu tới 5 ha tôm ứng dụng công nghệ cao. Trên tổng diện tích 5 ha thì có đến 3 ha được ông Ba sử dụng thành 50 ao nuôi tôm với diện tích từ 300 – 1.000 m². 2 ha còn lại là diện tích của 5 ao lắng và 1 ao chứa được ông Ba dùng để xử lý nước biển trước khi đưa vào các ao nuôi tôm.
Ông Ba chia sẻ: “Nuôi tôm công nghệ cao đòi hỏi người nuôi phải đầu tư thiết bị bài bản như quạt và sủi. Đồng thời, người nuôi cần có hiểu biết tốt về tôm thì mới nuôi được”.
Bên trên các ao nuôi được ông Ba dựng thêm khung mái. Mùa hè ông dùng lưới đen che toàn bộ ao để giảm cường độ ánh sáng còn mùa đông đông dùng ni lông phủ kín đến chân ao để giữ ấm cho tôm. Nhờ đó môi trường ao nuôi ít biến động, nhiệt độ ổn định giúp ông Ba nuôi tôm được quanh năm kể cả trong mùa Đông.
Theo Người đưa tin, để thu được lợi nhuận cao, ông Ba thường chọn thả nuôi tôm từ tháng 6 (âm lịch) rải rác cho đến tháng 9 (âm lịch), tôm sẽ cho thu hoạch từ tháng 10 (âm lịch) đến dịp lễ 30/4 và 1/5. Đây là nuôi tôm trái vụ đồng thời cũng là thời điểm giá tôm cao nhất trong năm.
Chính nhờ đầu tư và áp dụng vào mô hình nuôi tôm công nghệ cao, ông Ba đã thu về hàng tỷ đồng một năm. Từ năm 2018 – 2022 đạt doanh thu 6 tỷ đồng/ năm. Riêng 6 tháng đầu năm 2023 thu hoạch 60 tấn tôm thẻ đạt 14 tỷ đồng, trừ chi phí còn thực lãi 6 tỷ đồng.