Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Nhiều người chóng mặt khi nhận hóa đơn tiền điện tháng 6, có uẩn khúc gì sau những con số "nhảy múa"?

Nhiều người phản ánh tiền điện tháng 6 cao hơn gần bằng 2 tháng trước cộng lại.
cat-dien-24-1751643903.jpg
Thời điểm chuyển mùa, đặc biệt là bước vào cao điểm nắng nóng, luôn là giai đoạn ghi nhận mức tiêu thụ điện, hóa đơn tiền điện tăng cao tại Thủ đô Hà Nội. Ảnh: EVN

Chia sẻ với Người Lao Động, anh N.V.T, ở phường Đông Ngạc, Hà Nội cảm thán nói: "Tiền điện tháng này cao hơn gần bằng 2 tháng trước cộng lại". Anh cho biết tháng này dùng hết 1,084 triệu đồng tiền điện, trong khi tháng 4 và tháng 5 cộng lại hết 1,386 triệu đồng.

Do phải mua điện qua chủ nhà, chị Hoa Mai ở phường Long Biên, Hà Nội phản ánh tiền điện tháng trước dùng 200 kWh hết hơn 400 ngàn đồng, tháng này 300 kWh hết gần 1 triệu, như vậy tính trung bình gần 3.500 đồng/kWh.

Trên khắp các diễn đàn mạng xã hội những ngày gần đây, hóa đơn tiền điện tăng cao là chủ đề mà nhiều người dùng tranh luận. Số tiền điện tháng 6 phải thanh toán gấp đôi so với tháng trước được nhắc tới rất nhiều.

"Hoa mắt chóng mặt vì hóa đơn tiền điện tháng trước 1,84 triệu giờ lên hẳn 3,6 triệu đồng" - một tài khoản mạng xã hội than phiền, khi tháng này "ngày mưa tới gần 20 ngày theo thống kê của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia", ít dùng điều hòa hơn mà tiền điện lại tăng vọt.

Chị Nguyễn Hạnh, ở phường Kim Liên, băn khoăn nhà dùng 1 điều hòa bật từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng, trưa bật từ 11 giờ đến 14 giờ chiều, các thiết bị điện tháng nào gia đình cũng dùng như vậy. Tuy nhiên, tháng trước gia đình chị chỉ tốn 1,05 triệu tiền điện, tháng này tăng lên 1,2 triệu đồng. Nguyên nhân chắc có lẽ là do giá điện tăng 4,8%, cộng thêm công thức tính giá bậc thang, dùng càng nhiều giá càng đắt.

Thông tin từ báo Lao Động, trước diễn biến này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đã có văn bản yêu cầu các tổng công ty điện lực chỉ đạo các công ty điện lực nghiêm túc rà soát các trường hợp khách hàng có sản lượng điện năng hoặc số tiền thanh toán tăng bất thường trong kỳ hóa đơn tháng 6.2025.

Phải kịp thời cung cấp thông tin, giải thích rõ ràng cho khách hàng. Đồng thời, tuyên truyền rõ cách tính toán hóa đơn tháng 6.2025; các thay đổi trong việc phát hành hóa đơn, quản lý hợp đồng và thu tiền điện của các công ty điện lực trước và sau sáp nhập.

Cung cấp thông tin về các giải pháp giám sát chỉ số điện năng hàng ngày/hàng tháng qua App/Web CSKH và hướng dẫn sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả...

Trách nhiệm xử lý thông tin, EVN giao lãnh đạo tổng công ty điện lực, giám đốc công ty điện lực trực tiếp chỉ đạo, trao đổi với khách hàng hoặc cử cán bộ có đầy đủ kiến thức, kỹ năng giải đáp các kiến nghị của khách hàng khi tiếp nhận phản ánh về hóa đơn tăng bất thường.

Giám đốc các công ty điện lực chịu trách nhiệm về kết quả giải quyết kiến nghị của khách hàng.

Trong bối cảnh thời tiết nắng nóng còn kéo dài, EVN cũng mong tiếp tục nhận được sự chia sẻ và hành động tích cực phối hợp của người dân, các khách hàng sử dụng điện thông qua việc triệt để sử dụng điện tiết kiệm, nhất là vào các giờ cao điểm trưa (từ 11h00 - 15h00), tối (từ 19h00- 23h00).

Trong đó, đặc biệt chú ý sử dụng hợp lý điều hòa nhiệt độ, chỉ bật điều hòa khi thực sự cần thiết, đặt nhiệt độ ở mức 26 - 27 độ trở lên.

Thực tế, mức tiêu thụ điện của điều hòa có thể chiếm từ 28 - 64%, thậm chí lên tới 80% tổng lượng điện sinh hoạt của một hộ gia đình, tùy vào tần suất và điều kiện sử dụng.

Nhiệt độ ngoài trời cũng ảnh hưởng trực tiếp đến lượng điện tiêu thụ của điều hòa. Cụ thể, cứ mỗi khi nhiệt độ môi trường tăng thêm 1°C, mức tiêu thụ điện của điều hòa tăng khoảng 2 - 3%. Nếu nền nhiệt tăng 5°C, lượng điện tiêu thụ có thể tăng tương đương khoảng 10%. Do vậy, điều hòa sẽ tiêu tốn điện nhiều hơn khi vận hành trong những ngày có nền nhiệt cao (35 - 40°C) so với những ngày thời tiết dịu hơn (30 - 35°C).

EVN cũng lưu ý việc sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn trong giờ cao điểm.

"Việc triệt để sử dụng điện tiết kiệm cũng giảm thiểu nguy cơ sự cố về điện và hạn chế tình trạng hóa đơn tiền điện tăng cao", EVN lưu ý.

Theo Dân trí, Quyết định quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29/5 và được áp dụng kể từ ngày thực hiện điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân gần nhất sau ngày quyết định này có hiệu lực thi hành.

Theo đó, biểu giá bán lẻ điện rút ngắn từ 6 xuống còn 5 bậc, giá điện thấp nhất (bậc 1) khoảng 1.984 đồng/kWh và cao nhất (bậc 5) là 3.967 đồng/kWh, chưa bao gồm thuế VAT.

Nhật Hạ (t/h)