Vụ việc một nữ sinh lớp 6 bị nhóm học sinh đánh, lột quần áo và ép hút thuốc lá xôn xao dư luận gần đây được Công an huyện Chương Mỹ, Hà Nội xác nhận và cho biết đã làm rõ 7 trường hợp liên quan.
Nạn nhân trong vụ việc này là N.T.T. (14 tuổi, trú tại xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ). Ông N.V.H., bố T. chia sẻ, gia đình chỉ biết chuyện khi hàng xóm đưa xem clip trên mạng xã hội.
Hiện, Công an huyện Chương Mỹ đã hướng dẫn nhà trường phối hợp gia đình các học sinh quản lý, giáo dục con em, phòng ngừa hành vi vi phạm tái diễn; đồng thời, tiếp tục điều tra, xử lý vụ việc theo quy định. Danh tính của nhóm học sinh này chưa được tiết lộ.
Ngày 10/6, UBND huyện Chương Mỹ đã có báo cáo gửi Sở GD&ĐT Hà Nội về vụ việc trên. Theo báo cáo, nữ sinh T. bị sốc tâm lý, đang phải điều trị tại bệnh viện.
Ở góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Sương, Đoàn Luật sư TP.Đà Nẵng nêu quan điểm: “Luật Trẻ em năm 2016 nghiêm cấm mọi hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em, nghiêm cấm các hành vi mua chuộc, dụ dỗ, ép buộc trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá và các chất gây nghiện khác. Và Điều 9 Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012 cũng nghiêm cấm “Người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá” hoặc “Vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá””.
“Do đó, hành vi của nhóm học sinh trong vụ việc này là hành vi trái với quy định của pháp luật, trái với đạo đức xã hội, đáng lên án. Cơ quan chức năng cần sớm làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Nếu thuốc lá không chứa chất ma túy thì nhóm học sinh này có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Khoản 2 Điều 29 Nghị định 117/2020/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vi phạm hành chính thì không áp dụng hình thức phạt tiền. Mức tiền phạt của người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi không quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng với người thành niên, trường hợp người chưa thành niên không có tiền nộp phạt thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải thực hiện thay.
Nếu thuốc lá có chứa chất ma túy thì cá nhân có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người khác để buộc họ phải sử dụng trái phép chất ma túy trái với ý muốn của họ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về “Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy” quy định tại Điều 257 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với khung hình phạt thấp nhất là phạt tù từ 02 năm đến 07 năm và khung hình phạt cao nhất là phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Tuy nhiên, tội danh này chỉ xem xét đối với cá nhân từ đủ 16 tuổi trở lên”, luật sư Sương phân tích.