Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Ông Trump ra "tối hậu thư" 50 ngày để Nga ký thỏa thuận hòa bình với Ukraine: Phản ứng của các bên ra sao?

"Nếu sau 50 ngày mà chưa có thỏa thuận, chúng tôi sẽ áp thuế rất nặng", lời ông Trump từ Nhà trắng.
trumpafp01211zon-crop-1746416751262-1752540558.webp
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: AFP).

Thông tin trên PLO, ngày 14-7, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ áp thuế mạnh tay nếu Nga không ký thỏa thuận hòa bình với Ukraine trong vòng 50 ngày tới, đồng thời công bố một kế hoạch mới nhằm duy trì dòng viện trợ vũ khí cho Kiev thông qua các đồng minh châu Âu, theo đài CNN.

“Nếu sau 50 ngày mà chưa có thỏa thuận, chúng tôi sẽ áp thuế rất nặng. Thuế suất khoảng 100%, gọi là thuế phụ. Các ông biết điều đó nghĩa là gì" - ông Trump nói trong cuộc gặp Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte ngày 14-7 tại Nhà Trắng.

Một quan chức Nhà Trắng sau đó nói rõ với CNN rằng “thuế phụ” mà ông Trump nhắc đến bao gồm mức thuế 100% đối với hàng hóa xuất xứ từ Nga và các lệnh trừng phạt thứ cấp với những quốc gia vẫn mua dầu Nga.

Theo Lao động, tuyên bố được đưa ra trong cuộc gặp với Tổng Thư ký NATO Mark Rutte tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng. “Chúng tôi - và cá nhân tôi - rất không hài lòng với Nga. Nếu không có một thỏa thuận trong vòng 50 ngày, các biện pháp thuế quan sẽ được triển khai, ở mức rất cao, có thể gọi là thuế trừng phạt thứ cấp” - ông Trump nói.

Tổng thống Mỹ nhấn mạnh ông sẽ tận dụng chính sách thương mại như một công cụ để gây sức ép và thúc đẩy hòa bình. “Tôi dùng thương mại cho nhiều việc. Nhưng đây là công cụ tuyệt vời để kết thúc các cuộc chiến” - ông nói.

Theo một quan chức Nhà Trắng, “thuế thứ cấp” mà ông Trump đề cập không chỉ nhằm vào Nga mà còn nhắm tới các nước đang mua dầu của Nga, như Trung Quốc, Ấn Độ, với mục tiêu siết chặt vòng vây kinh tế và cô lập Mátxcơva.

Ông Trump lưu ý rằng các mức thuế trừng phạt không cần đến sự phê chuẩn của Quốc hội Mỹ. Trong khi đó, một dự luật siết trừng phạt Nga đang chờ được Thượng viện bỏ phiếu trong tuần tới. Tuy nhiên, ông Trump cho biết: “Tôi không chắc là cần, nhưng họ làm như vậy cũng tốt. Có thể sẽ rất hữu ích”.

Ngay sau tuyên bố của ông Trump, chỉ số chứng khoán chính trên sàn Mátxcơva tăng gần 3%, cho thấy thị trường đặt kỳ vọng vào khả năng đạt được một thỏa thuận hòa bình - hoặc tin rằng biện pháp áp thuế có thể không quá nghiêm khắc như lời đe dọa.

Thông tin trên Dân trí, phản ứng về "tối hậu thư" của ông Trump dành cho Nga, Cao ủy về Chính sách Đối ngoại và An ninh của EU Kaja Kallas cho rằng 50 ngày để sắp xếp một thỏa thuận hòa bình là quá dài.

“Theo tôi, 50 ngày là một khoảng thời gian rất dài khi chúng ta chứng kiến nhiều người vô tội mất mạng, mà điều đó lại xảy ra hàng ngày”, bà Kallas nói.

Mặc dù vậy, nhà ngoại giao cấp cao của EU nhấn mạnh rằng việc ông Trump “thể hiện lập trường cứng rắn với Nga đã là một tín hiệu rất tích cực”.

Bộ Ngoại giao Nga chưa bình luận về cảnh báo của nhà lãnh đạo Mỹ, song một nghị sĩ cấp cao của Nga cho rằng ông Trump lẽ ra phải hướng các cảnh báo nhằm vào Ukraine nếu thực sự muốn chấm dứt xung đột ở Ukraine.

 “Nếu ông Trump thực sự muốn đạt tiến triển trong việc giải quyết vấn đề Ukraine, ông ấy nên chĩa mũi dùi về phía Ukraine, thay vì đe dọa Nga bằng các lệnh trừng phạt thứ cấp”,  ông Leonid Slutsky, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) và lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do Nga, nói.

Ông nhắc lại, Nga đã nhiều lần bày tỏ thiện chí sẵn sàng chấm dứt xung đột. “Tất cả các đề xuất của Moscow vẫn đang trên bàn đàm phán. Chúng tôi đang chờ phía Ukraine nhất trí về thời điểm tiến hành vòng ba của các cuộc đàm phán Istanbul”, ông nhấn mạnh.

Nikolay Novik, chuyên gia phân tích tại Viện Kinh tế Quân sự và Chiến lược Thế giới thuộc Đại học Kinh tế Cao cấp Quốc gia Nga, nhận định những tuyên bố của ông Trump chỉ là một phần trong chiến lược đàm phán rộng hơn và Washington chưa hề khép lại cánh cửa đối thoại với Nga.

“Về triển vọng tiếp tục tiến trình đàm phán giữa Mỹ và Nga liên quan đến Ukraine cũng như các vấn đề khác, ông Trump sẽ không đóng kênh này. Việc liên lạc sẽ không bị cắt đứt hoàn toàn như dưới thời chính quyền Joe Biden”, ông nói.

Ông lập luận thêm: “Việc cung cấp vũ khí, gây sức ép bằng các lệnh trừng phạt, thảo luận về việc trưng dụng tài sản bị đóng băng của Nga, các phát biểu gay gắt về mặt cảm xúc, tất cả những điều này là một phần không thể tách rời trong chiến lược đàm phán mà chúng ta đã chứng kiến ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump”.

Theo chuyên gia này, bất kỳ điều gì ông Trump phát biểu trong thời gian tới cũng sẽ không mang tính quyết định đối với xung đột.

Về phía Mỹ, Đại diện thường trực của Mỹ tại NATO, ông Matthew Whitaker, cho rằng những tuyên bố của Tổng thống Trump về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine và áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Nga sẽ khiến Moscow phản ứng mạnh.

“Hiển nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ phản ứng không chỉ với việc Mỹ chuyển vũ khí cho Ukraine bằng chi phí của châu Âu. Ông ấy cũng chắc chắn sẽ đáp trả đối với thuế quan này”, ông Whitaker nói với Fox News. Ông chỉ ra Trung Quốc và Ấn Độ, những khách hàng chủ chốt mua dầu Nga, cùng với nhiều quốc gia khác sẽ bị ảnh hưởng bởi các mức thuế này.

Nhật Hạ (t/h)