Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính đối với doanh nghiệp, doanh nhân

"Tuân thủ nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự; giữa pháp nhân và cá nhân trong xử lý vi phạm" là một trong những điểm mới của Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Bên hành lang Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, GS.TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã làm rõ một số nội dung về điểm mới này.
Chú thích ảnh GS.TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội.

Có ý kiến cho rằng, trong trường hợp một vụ việc đang ở ranh giới giữa hình sự và dân sự thì tuyệt đối không xử lý hình sự. Vậy, quy định đột phá này sẽ tháo gỡ như thế nào về mặt tâm lý và hành động cho khối doanh nghiệp tư nhân, thưa ông? 

Sứ mệnh của doanh nhân là tìm mọi phương thức để làm ra tiền và thu lợi nhuận. Đương nhiên trong quá trình đó sẽ luôn luôn đối mặt với những yếu tố rủi ro, càng có lợi nhuận cao, độ rủi ro càng lớn. Rủi ro có thể về kinh tế và pháp lý. 

Vì vậy, nên khi vướng phải những sai phạm, cần nhìn rõ động cơ của những doanh nghiệp, doanh nhân. Rõ ràng, doanh nghiệp, doanh nhân đang muốn tìm cách tạo ra được tiềm lực kinh tế, nên cần giải quyết những sai phạm bằng công cụ kinh tế, tạo cơ hội cho họ phát triển kinh tế để người ta khắc phục.

Tinh thần của Nghị quyết 68 là phải ưu tiên phát triển kinh tế tư nhân, không nên hình sự hóa vụ việc dân sự. Bản chất của Nghị quyết là khuyến khích kinh tế tư nhân hoạt động, nhưng không phải là nương nhẹ. Những vụ việc nằm trong ranh giới cần lựa chọn phương án tích cực, tốt hơn.

Nếu xử lý hình sự thì doanh nhân phải chịu tội, như vậy họ hết cơ hội để sửa sai. Bản chất của doanh nhân là phải tìm cách để tạo ra nguồn lực kinh tế, không chỉ làm ra tiền cho bản thân, mà còn tạo công ăn việc làm cho xã hội, tạo ra sản phẩm cho xã hội. Nếu khép vào tội hình sự sẽ làm mất đi cơ hội để làm lại sự nghiệp và không có khả năng tạo ra tương lai cho xã hội, không có điều kiện để bù đắp lại những thiệt hại về kinh tế đã mất.

Là người làm công tác lập pháp, đặc biệt dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, ông có đánh giá như thế nào về những thay đổi, những chính sách đột phá Bộ Chính trị ban hành liên tiếp gần đây, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% năm 2025 và 2 con số trong giai đoạn tiếp theo?

Những Nghị quyết của Trung ương mới ban hành gần đây đã tạo ra một sự thay đổi lớn, cách nhìn nhận căn bản về tư duy quản lý, thay đổi quan điểm về luật pháp. Không phải cái gì của luật cũng phải chi tiết, cụ thể, không nên can thiệp sâu vào câu chuyện "cầm tay chỉ việc", nên để những người thực thi pháp luật có quyền, có tư duy để năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.

Rõ ràng đó là thay đổi căn bản. Về vấn đề kinh tế tư nhân, hiện nay, Nhà nước khẳng định vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân, thay đổi hoàn toàn về cách nhìn nhận. Song, cần phải thay đổi về quan điểm, về quản lý, mới có cơ sở để thay đổi tiếp theo.

Thưa ông, trong Nghị quyết 68, Bộ Chính trị yêu cầu phải bóc tách rõ trách nhiệm của cá nhân và giữa cá nhân với doanh nghiệp. Vậy, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Rõ ràng đứng về mặt luật pháp từ trước đến nay, không đánh đồng giữa cá nhân và tư cách pháp nhân. Do đó, doanh nghiệp là doanh nghiệp và cá nhân là cá nhân. Một cá nhân sai phạm thì xử lý cá nhân đó, bắt giam cá nhân đó, không đóng cửa doanh nghiệp, không cấm doanh nghiệp.

Tuy nhiên, có những yếu tố có quan hệ lẫn nhau. Ví dụ, quyết định của một cá nhân đó nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động chung của doanh nghiệp, để làm căn cứ xử lý rõ ràng, kịp thời.

Nghị quyết 68 bóc tách được điều này, bóc tách chuyện khi xử lý những quan hệ với cá nhân thì những quyền của họ, những quan hệ của họ trong hoạt động của doanh nghiệp sẽ được phân định rõ ràng để không bị ảnh hưởng.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bài, ảnh: Viết Tôn/Báo Tin tức và Dân tộc