Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Quốc hội giám sát tối cao về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội

Qua giám sát cho thấy, giai đoạn 2015-2023, thị trường BĐS đã có những bước phát triển về quy mô, loại hình, số lượng, hình thức huy động vốn và các chủ thể tham gia; tạo ra khối lượng lớn cơ sở vật chất cho xã hội.
quang-canh-phien-hop-thu-8-1730088764.jpg
Quang cảnh kỳ họp thứ 8. Ảnh: Quochoi.vn.

Cả nước có khoảng 800 dự án đã được triển khai

Ngày 28/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội thảo luận về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.

Báo Đại biểu nhân dân đưa tin, trong chương trình làm việc buổi sáng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023. Tiếp đó, Quốc hội thảo luận tại hội trường về nội dung này.

Tờ Kinh tế và Đô thị nêu, qua giám sát cho thấy, giai đoạn 2015-2023, thị trường BĐS đã có những bước phát triển về quy mô, loại hình, số lượng, hình thức huy động vốn và các chủ thể tham gia; tạo ra khối lượng lớn cơ sở vật chất cho xã hội, giúp cho các ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát triển và nâng cao điều kiện sống cho các tầng lớp Nhân dân; góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng kinh tế của đất nước và góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, từng bước đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân.

vu-hong-thanh-1730088807.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. (Ảnh: Như Ý/ Báo Tiền Phong)

Báo Tiền phong dẫn lời Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo cho hay, trong giai đoạn này, quy mô giá trị ngành kinh doanh BĐS tăng dần qua từng năm, từ 83.247 tỷ đồng đến 121.090 tỷ đồng, bình quân tăng trưởng 2,72%/năm. Có khoảng hơn 2.688 dự án phát triển nhà ở thương mại và khu đô thị đã và đang triển khai thực hiện với quy mô sử dụng đất khoảng hơn 8.878 ha.

Cùng với đó, có hơn 430 dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã và đang triển khai thực hiện, với quy mô sử dụng đất khoảng hơn 8.805.830 ha.

Về phát triển nhà ở xã hội, theo Đoàn giám sát, giai đoạn 2015 - 2023, cả nước có khoảng 800 dự án đã được triển khai với quy mô 567.042 căn. Trong đó có 373 dự án đã hoàn thành với quy mô 193.920 căn; 129 dự án đã khởi công với quy mô 114.934 căn và 298 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 258.188 căn...

Tuy nhiên, theo ông Vũ Hồng Thanh, việc thực hiện Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp (giai đoạn 2021 - 2030) chưa đạt yêu cầu, đa số địa phương chưa hoàn thành chỉ tiêu.

Phân khúc căn hộ chung cư có giá phù hợp với thu nhập của đa số người dân không còn

Tờ Sài gòn Giải phóng đưa tin, báo cáo trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, cho biết bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản (TTBĐS) và phát triển nhà ở xã hội (NOXH), vẫn còn những tồn tại, hạn chế.

Trong đó, cơ cấu sản phẩm bất động sản (BĐS) chưa hợp lý, mất cân đối cung - cầu, chủ yếu hướng tới phân khúc cao cấp và cho mục tiêu đầu tư tài chính, thiếu sản phẩm phù hợp với khả năng chi trả của đại bộ phận người dân trong khi nhu cầu của người dân lớn. Nguồn cung chủ yếu từ các dự án triển khai trong giai đoạn trước đó, rất ít dự án mới.

Một số dự án gặp vướng mắc về mặt pháp lý, đặc biệt là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh BĐS chưa đủ năng lực tài chính, thiếu kinh nghiệm triển khai, dẫn đến dự án kém hiệu quả, chất lượng sản phẩm BĐS không cao.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, còn tình trạng doanh nghiệp huy động vốn vượt quá khả năng cân đối dòng tiền để mở rộng quỹ đất, mở rộng đầu tư kinh doanh.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp sử dụng nhiều công cụ đòn bẩy tài chính, dẫn đến khi trình tự, thủ tục đầu tư kéo dài thì gánh nặng chi phí tài chính tăng cao, khó giảm giá BĐS về với giá trị thực. Tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp BĐS tiềm ẩn nhiều rủi ro. BĐS condotel, officetel gần như “đóng băng”.

Giai đoạn 2022-2023, số lượng lớn dự án BĐS nhà ở gặp vướng mắc, chậm triển khai, bị đình trệ. Trong khi, nguồn lực đã đầu tư là rất lớn, gây lãng phí về đất đai và nguồn vốn, làm gia tăng khó khăn và chi phí, từ đó, tăng giá bán sản phẩm. Nhiều khu đô thị bị bỏ hoang.

Giá BĐS tăng vọt so với mức tăng thu nhập của đa số người dân. Tại TP Hà Nội và TPHCM đã không còn phân khúc căn hộ chung cư có giá phù hợp với thu nhập của đa số người dân.

Số lượng căn hộ NOXH cung cấp cho thị trường thiếu hụt xa so với nhu cầu; hầu hết các địa phương không đạt chỉ tiêu phát triển NOXH đặt ra.

Ngược lại, có nơi không phù hợp nhu cầu dẫn đến không có người mua, người thuê, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình phát triển kinh tế vĩ mô...

Theo chương trình làm việc, buổi chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận về nội dung này. Thành viên Chính phủ có liên quan giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

 

 

Nhất Nam (t/h)