Trong hai ngày 28/2 và 1/3, Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Viện nghiên cứu lập pháp của UBTVQH tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Phát biểu tại hội nghị, GS.TS Lê Hồng Hạnh, Hội Luật gia Việt Nam khẳng định nội dung dự thảo về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa được quan tâm đúng mức và chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển quy hoạch của đất nước.
Theo chuyên gia, điều 60 của Luật Đất đai không quy định các nguyên tắc theo đúng nghĩa. Một số nguyên tắc trong điều này thực chất là yêu cầu của sử dụng đất, trình. Theo đó, cần thể hiện đúng các nguyên tắc với tư cách là những yêu cầu định hướng, khái quát. Ở khía cạnh này Điều 135 Luật Đất đai 2013 chuẩn xác hơn.
“Khái niệm quy hoạch quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất ở khoản 1 điều 60 là không rõ ràng” ông Hạnh nhấn mạnh. Không có quy hoạch phát triển nào mà không gắn với việc sử dụng đất.
Tuy nhiên, việc sử dụng đất trong các quy hoạch ngành đương nhiên phải là thành tố trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Các quy quy hoạch ngành là quy hoạch phát triển lĩnh vực theo chức năng quản lý. Yếu tố đất ở trong các quy hoạch này phụ thuộc vào Quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Vì thế việc đưa thêm khái niệm trên sẽ tạo ra những khó khăn lớn hơn cho quản lý và sử dụng đất đai.
Nội dung “Quy hoạch sử dụng đất các cấp phải tổng hợp, cân đối, phân bổ nhu cầu sử dụng đất của các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất” cần cắt bỏ vì đây không phải là nguyên tắc lập mà là nội dung, yêu cầu của quy hoạch, kế hoạch.
Ông Hạnh cho rằng, các quy định về quy hoạch, kế hoạch của dự thảo chưa cho thấy sự gắn kết và mối quan hệ giữa quy hoạch phát triển kinh tế xã hội quốc gia và quy hoạch đất đai. Cụ thể, quy định chung trong điều 62 không thể áp dụng trong thực tiễn. Theo đó, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội phải phù hợp với nhau, trách nhiệm của cơ quan lập quy hoạch sử dụng đất và của cơ quan lập quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội sẽ như thế nào khi lập quy hoạch để đảm bảo tính phù hợp.
Bên cạnh đó, thời kỳ quy hoạch cần cụ thể, không thể lấy tầm nhìn để xác định. Trong điều 62 cũng như các điều ở các chương, mục khác của dự thảo quá lạm dụng các khái niệm định tính nhưng không mang tính quy phạm như tầm nhìn, hài hòa hóa, ổn định lâu dài. Điều quan trọng là pháp luật cần chỉ rõ các quyền và nghĩa vụ của các bên để có sự hài hòa hóa, ổn định lâu dài chứ không phải là đưa các tuyên bố chính sách này vào luật.
Thời kỳ quy hoạch sử dụng đất phải dài hơn để tạo nền tảng ổn định cho hoạt động đầu tư. Sẽ rất bất lợi cho hoạt động thu hút đầu tư nếu tính ổn định của quy hoạch sử dụng đất thấp.
Với phương diện của người nghiên cứu, sau khi thực tế tại một số điểm, ông Lê Hồng Hạnh nhận thấy việc phân loại các quy hoạch, kế hoạch chưa hợp lý, chưa phù hợp với thực tiễn và sẽ gây khó khăn cho việc thực hiện.
Cụ thể, đất an ninh, đất quốc phòng là loại đất được dùng cho các mục đích quân sự, an ninh là các loại đất thực hiện chức năng đặc biệt. Đất quốc phòng, an ninh phải nằm trong Quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
Các căn cứ, nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất an ninh, quốc phòng vẫn được quy định như các loại đất khác. Cần có những căn cứ, nội dung khác và cần có quy hoạch quốc gia riêng cho đất quốc phòng, an ninh dù được nằm trong quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia.
Hoạt động quốc phòng, an ninh là hoạt động chức năng. Các hoạt động này rất đặc thù và gắn với nhu cầu phòng thủ quốc gia. Việc sử dụng đất cho các mục đích này cần được quy hoạch tổng thể trong Quy hoạch sử dụng đất quốc gia và cần được xác định rất rõ.
Tình trạng đất quốc phòng được chuyển thành đất dự án, đối tượng giao dịch bất động sản đã xảy ra. Một số vụ đại án tham nhũng đất đai đặt ra câu hỏi: Đất quốc phòng, đất an ninh vẫn dễ dàng bị lạm dụng do việc xác định định đất an ninh, quốc phòng không được quy hoạch một cách khoa học, hợp lý.
Hơn nữa, các hoạt động phòng thủ, an ninh cần có những bí mật rất cao nên việc quy hoạch đất quốc phòng an ninh cần được thực hiện theo một quy trình đặc biệt và chỉ được thay đổi theo thủ tục đặc biệt bởi Quốc hội.
Nếu thực sự có những tiêu chí chuẩn xác để xác định thế nào là đất quốc phòng, an ninh thì quy hoạch của loại đất này phải là vô thời hạn và chỉ được thay đổi khi có sự sửa đổi bởi cơ quan lập pháp, tức là cơ quan đã phê chuẩn quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
Vị chuyên gia góp ý, khoản 1 điều 68 cần quy định theo hướng viện dẫn đến quy trình thủ tục lấy ý kiến văn bản quy phạm pháp luật quy định trong Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật. Quy hoạch đất đai cũng là một loại văn bản pháp luật được Quốc hội hay Chính phủ ban hành.
Vì vậy, hoàn toàn có thể áp dụng các quy định về lấy ý kiến, thẩm định được quy định trong Luật này. Trong Điều 68 này chỉ cần quy định những vấn đề đặc thù, cá biệt. Giải pháp khác có thể là áp dụng các quy định của Luật Quy hoạch, đặc biệt là điều 19 của Luật này. Về bản chất, quy hoạch sử dụng đất cũng là một loại quy hoạch và nó hoàn toàn chịu sự điều chỉnh của Luật quy hoạch 2017.
Căn cứ vào những đánh giá trên về thực trạng pháp luật đất đai liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ông Lê Hồng Hạnh đã có một số góp ý với từng điều của Dự thảo Luật Đất đai. Bên cạnh đó, ông cũng lưu ý rằng việc ban hành các quy định pháp luật mới về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thực hiện trong bối cảnh Luật Quy hoạch năm 2017 đang có hiệu lực. Chính vì vậy, Luật Quy hoạch cần phải được coi là căn cứ quan trọng để soạn thảo các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.