
Bộ Y tế quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc 1 lô sản phẩm G-Thera Amino Anti- Wrinkle Mask. Lý do nhãn gốc ghi không đúng thành phần công thức như hồ sơ công bố.
Sản phẩm bị thu hồi do nhãn gốc ghi không đúng thành phần công thức như hồ sơ công bố mỹ phẩm (ghi thiếu Butylene Glycol, Phenoxyethanol, Ethylhexylglycerin).
Trước đó, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) liên tiếp ra hai quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy 2 lô sản phẩm gồm dầu gội Hanayuki Shampoo (chai 300g) và sản phẩm Hanayuki Sunscreen Body (hộp 1 tuýp 100g).
Trong đó, kết quả kiểm nghiệm mẫu sản phẩm dầu gội vi phạm giới hạn vi sinh vật và chứa 2-Phenoxyethanol, thành phần không có trong công thức đã đăng ký công bố.
Kết quả kiểm nghiệm sản phẩm còn lại cho thấy chỉ số chống nắng trên nhãn (SPF 50) không phù hợp với kết quả kiểm nghiệm chỉ số chống nắng của mẫu thử (SPF: 2,4).
Theo báo Dân trí, Butylene Glycol là một loại rượu hữu cơ có nguồn gốc từ dầu mỏ hoặc thực vật, thường được dùng trong mỹ phẩm với vai trò là chất giữ ẩm, dung môi hoặc tăng cường thẩm thấu.
Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), Butylene Glycol được phân loại là “Generally Recognized As Safe” (GRAS) – tức an toàn khi dùng với nồng độ phù hợp.
Nghiên cứu của Hội đồng Chuyên gia Đánh giá Thành phần Mỹ phẩm (CIR) kết luận rằng chất này không gây kích ứng hoặc độc tính nghiêm trọng với nồng độ dưới 50%.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp cá biệt, Butylene Glycol có thể gây kích ứng nhẹ cho người có làn da nhạy cảm. Ngoài ra, chất này cũng cần được kê khai rõ ràng trong công thức công bố để tránh những rủi ro liên quan đến minh bạch thành phần và phản ứng dị ứng.
Phenoxyethanol là chất bảo quản phổ biến trong mỹ phẩm, giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn và nấm mốc. Tuy nhiên, đây cũng là thành phần gây nhiều tranh cãi về độ an toàn.
Cơ quan An toàn Dược phẩm Pháp (ANSM) khuyến cáo không nên sử dụng Phenoxyethanol cho trẻ em dưới 3 tuổi khi dùng trên vùng da có diện tích lớn.
Còn theo báo cáo của Cơ quan Hóa chất Châu Âu (ECHA), chất này có thể gây kích ứng da, mắt và hệ hô hấp khi tiếp xúc với nồng độ cao.
Tại Mỹ, CIR cho phép Phenoxyethanol sử dụng trong mỹ phẩm với nồng độ tối đa 1%.
Tuy nhiên, nếu không được kê khai đầy đủ trong hồ sơ công bố, người tiêu dùng không có cách nào xác định nồng độ thực tế đang được sử dụng, dẫn đến rủi ro không lường trước.
Ethylhexylglycerin là một hợp chất hóa học được sử dụng phổ biến trong ngành công nghiệp mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc da. Nó thường được sử dụng như một chất chống nấm mốc và chống vi khuẩn trong các sản phẩm mỹ phẩm, chẳng hạn như kem dưỡng da, sữa rửa mặt, kem chống nắng, và nhiều sản phẩm khác.
Ethylhexylglycerin thường được dùng kèm với Phenoxyethanol để tăng hiệu quả bảo quản. Đây là chất có nguồn gốc từ glycerin, giúp kháng khuẩn nhẹ, đồng thời làm mềm da.
Theo nghiên cứu được đăng trên tạp chí Contact Dermatitis, Ethylhexylglycerin có thể gây viêm da tiếp xúc ở một số người mẫn cảm, mặc dù tỷ lệ thấp. CIR kết luận đây là chất an toàn với nồng độ sử dụng dưới 1%.
Tuy không bị cấm, nhưng Ethylhexylglycerin vẫn cần được công bố minh bạch, đặc biệt trong các sản phẩm chăm sóc cho da yếu, da nhạy cảm, hoặc dùng cho trẻ nhỏ.
Được biết, ngày 27/5, Cục Quản lý dược có công văn tạm ngừng xem xét và tiếp nhận hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với Công ty TNHH thương mại dịch vụ VB Group trong thời gian 6 tháng kể từ ngày 27/5.
Hồ sơ đề nghị cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm do Công ty TNHH thương mại dịch vụ VB Group đứng tên công bố được nộp trước ngày ban hành Công văn này sẽ không còn giá trị.
Khi hết thời hạn tạm ngừng nhận hồ sơ tại khoản 1 Công văn này, Công ty muốn công bố sản phẩm mỹ phẩm phải nộp hồ sơ theo quy định tại Thông tư số 06/2011/TT-BYT ngày 25/01/2011 của Bộ Y tế.
Số tiền khủng vợ chồng Đoàn Di Băng thu về được từ 3 sản phẩm bị đình chỉ, thu hồi
Với dầu gội Hanayuki Shampoo, từ chiều 7/5, sau khi bị buộc thu hồi, sản phẩm này đã không còn xuất hiện trên website thương hiệu. Trước đó - năm 2022, Đoàn Di Băng giới thiệu sản phẩm này là niềm tự hào của công ty khi doanh thu luôn đạt top đầu.
Trên TikTok Shop, Hanayuki Shampoo được bán theo cặp cùng với Hanayuki Conditioner tạo thành sản phẩm có tên “Cặp dầu gội xả phục hồi tóc Hanayuki giảm gàu, giảm rụng tóc dưỡng tóc”. Ghi nhận vào chiều 7/5, sản phẩm có giá niêm yết 235.000 VND, đang được giảm giá 12%, còn 207.000 VND.
Theo số liệu công khai từ nền tảng, kênh của Đoàn Di Băng đã bán được 2.413 sản phẩm bộ gội xả Hanayuki. Tổng doanh số qua kênh của Đoàn Di Băng và các seller khác là 8.330 sản phẩm. Tính đến chiều 7/5, doanh thu theo giá niêm yết của bộ gội xả Hanayuki Shampoo và Hanayuki Conditioner trên TikTok Shop là gần 1,96 tỷ đồng.
Ghi nhận vào chiều 24/5, sản phẩm này không còn trong giỏ hàng TikTok Shop của Đoàn Di Băng.
Với dầu xả Hanayuki Conditioner, ghi nhận vào chiều 24/5, sản phẩm này vẫn xuất hiện trên cửa hàng chính thức của Hanayuki ở sàn TMĐT S. với tên gọi “Dầu xả Hanayuki Conditioner ngăn ngừa rụng tóc kích thích mọc tóc Hanayuki chính hãng”. Theo số liệu công khai từ sàn, sản phẩm này có giá niêm yết 250.000 VND, được giảm giá còn 179.100 VND, đã bán được 5.900 sản phẩm.
Tính theo giá niêm yết, doanh thu của dầu xả Hanayuki Conditioner ở sàn S. là gần 1,5 tỷ đồng.
Với kem chống nắng Hanayuki Sunscreen Body, ghi nhận vào chiều 24/5, sản phẩm này đã không còn trên các sàn TMĐT. Trước đó, ghi nhận vào ngày 17/5, sản phẩm được bày bán ở TikTok Shop có giá niêm yết 235.000 VND, đang được giảm giá 2%, còn 230.000 VND.
Ngày 20/5, Thanh tra Sở Y tế Đồng Nai đã kiểm tra đột xuất nhà máy sản xuất sản phẩm kem chống nắng Hanayuki. Theo báo cáo của công ty tại thời điểm kiểm tra, công ty đã có thông báo thu hồi 1.652 hộp đưa ra thị trường. Tính theo giá niêm yết, doanh thu số kem chống nắng Hanayuki Sunscreen Body đã đưa ra thị trường là hơn 388 triệu đồng.