Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Sắp xét xử phúc thẩm hai ông Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân: 1 người xin giảm nhẹ hình phạt, 1 người kêu oan

Ông Lưu Bình Nhưỡng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, trong khi đó ông Lê Thanh Vân kháng cáo kêu oan.
pl1-1744881083.jpg
Ông Lưu Bình Nhưỡng (trái) và Lê Thanh Vân.

Theo thông tin trên báo Tuổi trẻ, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội vừa có quyết định mở phiên tòa phúc thẩm xét đơn kháng cáo của hai cựu đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng và Lê Thanh Vân.

Phiên tòa được mở theo kháng cáo của các bị cáo, ông Lưu Bình Nhưỡng xin giảm nhẹ hình phạt còn các ông Lê Thanh Vân, Nguyễn Văn Vương (cựu chuyên viên Vụ Pháp luật - Văn phòng Chủ tịch nước) kêu oan.

Vụ án dự kiến được xét xử phúc thẩm công khai vào ngày 29-4 tại Thái Bình. Hội đồng xét xử gồm 3 người, do thẩm phán Phạm Văn Nam làm chủ tọa.

Ngoài 3 bị cáo, tòa còn triệu tập 8 luật sư bào chữa cho họ cùng bị hại là Công ty kinh doanh khai thác vật liệu Sao Đỏ và 11 nhân chứng.

Báo Thanh niên cho hay, theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, hội đồng xét xử phúc thẩm gồm 3 thẩm phán, do thẩm phán Phạm Văn Nam làm chủ tọa. Tòa còn triệu tập bị hại là Công ty kinh doanh khai thác vật liệu Sao Đỏ và 11 người làm chứng.

Báo Dân trí đưa tin, trước đó, ngày 13/1, TAND tỉnh Thái Bình tuyên phạt ông Lưu Bình Nhưỡng  3 năm tù về tội Cưỡng đoạt tài sản và 10 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Tổng hình phạt 13 năm tù giam.

Ông Lê Thanh Vân bị phạt 7 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Bị cáo Nguyễn Văn Vương lĩnh 14 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Theo HĐXX, trong vụ án Cưỡng đoạt tài sản, bị cáo Phạm Minh Cường giữ vai trò chính, khởi xướng, Phương giữ vai trò là người thực hành, ông Lưu Bình Nhưỡng là đồng phạm với vai trò thứ yếu.

HĐXX xác định hành vi của các bị cáo là gây nguy hiểm cho xã hội, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương và môi trường đầu tư.

Trong các vụ việc ký phiếu chuyển đơn, HĐXX kết luận ông Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân đã lợi dụng tư cách đại biểu Quốc hội để ký giấy chuyển đơn nhằm can thiệp sau khi nhận lợi ích vật chất và được hứa được hưởng các lợi ích vật chất khác.

Theo HĐXX ở vụ việc can thiệp để Công ty Hạ Long được tiếp tục thực hiện dự án, các bị cáo đã biết rất rõ dự án này đã bị UBND tỉnh Quảng Ninh ra quyết định thu hồi. Tuy nhiên, khi được bị cáo Nguyễn Văn Vương nhờ tác động với chính quyền để dự án được tiếp tục, bị cáo Nhưỡng và Vân cùng Vương đã bàn bạc để chuyển đơn nhằm trục lợi.

Việc UBND tỉnh Quảng Ninh từ chối không cho dự án được tiếp tục là việc nằm ngoài ý thức chủ quan của các bị cáo. Đối với mảnh đất được tặng ở Đông Anh, mặc dù là đất bất hợp pháp xét theo tình tiết, bị cáo Vương đã đưa hồ sơ đất để bị cáo Nhưỡng, Vân xem, thỏa thuận chuyển đơn.

HĐXX cho rằng bị cáo Nhưỡng và Vân đều xác định Vương có đất và khi hoàn thành việc sẽ được nhận đất đó. Vì vậy, VKSND truy tố là có cơ sở. Trong vụ việc này, HĐXX nhận định, bị cáo Vương giữ vai trò chính, bị cáo Nhưỡng giữ vai trò thứ 2 (thực hành tích cực), bị cáo Vân giữ vai trò thứ 3 (thứ yếu).

Đối với vụ việc gọi điện để can thiệp cho công ty Trường Sinh được sớm cấp phép ở Quảng Ninh, HĐXX nhận thấy những lời khai phù hợp với chứng cứ. Bị cáo Vân đã gọi điện ngay cho Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh khi được nhờ bằng miệng trong khi chưa nhận đơn, hồ sơ là không đúng quy định.

Theo HĐXX, việc bị cáo Vân cho rằng mình làm đúng chức trách như khai tại tòa là không có cơ sở. Các bị cáo đã lợi dụng vai trò, quyền hạn của mình, tùy tiện tiếp công dân để viết phiếu chuyển đơn thúc đẩy, tác động chính quyền nhằm trục lợi. HĐXX nhận thấy VKSND tỉnh Thái Bình đã truy tố các bị cáo có căn cứ, đúng người, đúng tội, không oan sai.

Như Nguyệt (t/h)