Thông tin trên báo Tuổi trẻ online, thiếu tướng Đỗ Thanh Bình - cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho biết, để thực hiện chuyển đổi số trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông,
trước mắt Cục Cảnh sát giao thông sẽ đi ra từng km trên trục cao tốc Bắc Nam - trong vai người tham gia giao thông thay vì là cơ quan quản lý nhà nước.
Từ đó có phương án tổ chức phù hợp với những đoạn chưa hoàn chỉnh.
Kèm theo đó phải hoàn chỉnh hệ thống camera giám sát.

Ông Bình lấy ví dụ về việc cảnh sát giao thông đang phải căng mình trên hai tuyến đường mới phân làn là Phạm Văn Đồng và Võ Chí Công ở Hà Nội, nguyên nhân chính là vì chưa hoàn thiện hệ thống giám sát dẫn đến cảnh sát phải xử lý thủ công.
Đối với trung tâm giám sát, Cục Cảnh sát giao thông sẽ chuẩn bị đầy đủ những giải pháp về kỹ thuật.
Đơn vị này đang phối hợp các cơ quan nghiệp vụ nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) sao cho có thể phát hiện nhiều nhất các vi phạm từ dữ liệu camera.
Theo kết quả gần đây nhất, camera sử dụng AI đã có thể phát hiện hành vi không đội mũ bảo hiểm và được yêu cầu ứng dụng ngay.
Trung tâm dữ liệu và giám sát sẽ hoạt động 24/7. Cục Cảnh sát giao thông và cảnh sát giao thông các địa phương sẽ có đội nghiệp vụ ứng trực tại nơi này.
Khi phát hiện xe vi phạm, kể cả xe máy, cảnh sát sẽ kiểm tra trong dữ liệu đăng ký xe và gửi thông báo tới chủ xe thông qua VneID, VNeTraffic hoặc thông qua công an xã.
Đáng chú ý cảnh sát giao thông sẽ gửi thông báo vi phạm cho chủ xe trong 2 giờ, trong đó nêu rõ thời gian và hành vi vi phạm.
Đồng thời tiến tới sửa đổi một số quy định, cho phép người vi phạm có thể phản hồi lại thông báo vi phạm này qua mạng. Nếu họ công nhận đúng hành vi, cảnh sát sẽ ra quyết định xử phạt qua mạng kèm chứng cứ điện tử.
Mục tiêu là đơn giản hóa tối đa trong giải quyết, tránh các thủ tục còn rườm rà như hiện hành. Trong giai đoạn 1 đề án sẽ áp dụng trên hệ thống giám sát cao tốc do Cục Cảnh sát giao thông quản lý.
Đài Truyền hình Hà Nội cho biết thêm, lực lượng chức năng sẽ xác định, nếu xe máy vi phạm thì người chủ xe phải chịu trách nhiệm. Như vậy, thời gian tới, những trường hợp bán xe hoặc cho tặng thì đều phải sang tên đầy đủ. Bên cạnh đó, trong thời gian tới đây, sẽ thành lập những đội chuyên trách xử lý vi phạm về xe máy.
Khi phát hiện các trường hợp vi phạm, cảnh sát sẽ lập tức kiểm tra dữ liệu đăng ký xe để xác định ai là chủ xe, và sau 2 tiếng đồng hồ, cơ quan chức năng sẽ gửi thông báo vi phạm trực tiếp cho chủ xe gần nhất thông qua các ứng dụng như VNeID, ứng dụng của CSGT hoặc thông qua công an xã.
Cũng liên quan vấn đề này, VnExpress cho biết, với các lỗi cần kiểm tra trực tiếp như nồng độ cồn, cảnh sát vẫn phải trực tiếp thực hiện. Tuy nhiên, những vi phạm có thể phát hiện bằng công nghệ sẽ từng bước được tự động hóa, hướng tới xử lý không giấy tờ, không giữ bằng lái hay căn cước công dân. Mọi thông tin sẽ được đối chiếu trên hệ thống dữ liệu, với căn cước công dân làm đầu mối truy xuất thông tin.
Mục tiêu của Cục là "xử lý đúng người, đúng hành vi, có chứng cứ điện tử rõ ràng, hạn chế tranh cãi, giảm thủ tục hành chính". Hiện tại, để ra quyết định xử phạt, người vi phạm phải ký ít nhất 11 loại giấy tờ; sắp tới quy trình sẽ được tinh gọn, tiến tới xử phạt hoàn toàn qua môi trường điện tử.
Bên cạnh đó, Cục Cảnh sát giao thông cũng đang nghiên cứu cấp giấy phép lái xe điện tử mà không thu lệ phí. Theo đó, chỉ vài giờ sau khi sát hạch, người thi đỗ có thể nhận giấy phép lái xe điện tử thay vì chờ đợi thẻ cứng như hiện nay.
"Cảnh sát giao thông phải thay đổi tư duy, tập trung phục vụ nhân dân, giải quyết tận gốc các vấn đề thay vì xử lý phần ngọn. Tinh thần là người dân phải hiểu luật, chấp hành tốt, còn cảnh sát hỗ trợ, hướng dẫn", tướng Bình nói.