Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Siêu dự án của VietinBank trở thành khối sắt khổng lồ sau một thập kỷ

Với kỳ vọng trở thành “tổ hợp ngân hàng tài chính đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á”, sau 11 năm, VietinBank Tower vẫn chỉ là những khối bê tông khổng lồ.

Công trình Tòa nhà Trụ sở chính - Trung tâm thương mại tài chính Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank Tower) tại Khu đô thị Ciputra, quận Tây Hồ, Tp.Hà Nội được Vietinbank khởi công xây dựng từ ngày 20/10/2010.

Theo kế hoạch, dự án có tổng vốn đầu tư 10.267 tỷ đồng và được coi là siêu dự án nghìn tỷ bậc nhất Việt Nam. Với tổng diện tích sử dụng lên tới 300.000 m2, VietinBank Tower gồm 2 tòa tháp, được liên kết bằng khối đế 7 tầng dành cho các mục đích sử dụng chung như phòng hội nghị, hội thảo, trung tâm thương mại cao cấp, quán cafe và nhà hàng.

Tháp thứ nhất cao 363m với 68 tầng được thiết kế làm trụ sở làm việc chính của VietinBank. Tháp thứ hai cao 250m với 48 tầng sẽ là nơi đặt khách sạn 5 sao, khu chăm sóc sức khỏe, căn hộ cao cấp cho thuê. Các tầng phía trên của mỗi tháp được bố trí theo đường chéo để tạo thành các góc chữ V, biểu trưng của VietinBank.

Bất động sản - Siêu dự án của VietinBank trở thành khối sắt khổng lồ sau một thập kỷ

Dự án chiếm vị trí "đất vàng" tại Khu đô thị Ciputra (Ảnh: Hữu Thắng).

Theo thông tin được Vietinbank chia sẻ liên quan đến lịch sử dự án này, trong buổi họp báo về dự án hồi tháng 1/2010, VietinBank đã xin phép Ngân hàng Nhà nước lập liên doanh với Premium Aset Pte (PAP) của Singapore để xây dựng và khai thác dự án, với tỷ lệ PAP 72% và VietinBank 28% vào ngày 19/1/2008.

Để tiến hành dự án, Vietinbank đã thương thảo với Công ty TNHH Phát triển khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra). Giá thuê đất ban đầu Vietinbank đề nghị là 500 USD/m2. Tuy nhiên, Ciputra không chấp nhận. Sau một thời gian tham khảo, hai bên đã thống nhất mức giá thuê đất là 1.800 USD/m2.

Ngày 2/2/2008, ông Nguyễn Văn Thạnh, Phó Tổng Giám đốc, đại diện Vietinbank ký hợp đồng thuê đất với Ciputra. Theo hợp đồng, diện tích đất thuê là 29.923m2, thuê trong 38 năm, tổng số tiền thuê đất mà bên thuê phải trả là 849 tỷ đồng.

Sau đó, Vietinbank có văn bản trình và được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận mức đóng góp vốn liên doanh 50%, nhưng phía PAP xin rút khỏi dự án do khó khăn về tài chính, bởi ảnh hưởng từ khủng hoảng.

VietinBank nỗ lực tìm đối tác mới nhưng không thành công, vì thế, ngân hàng này quyết định rót 100% vốn. Mặc dù vậy, cũng phải mất tới 2 năm, dự án mới được khởi công và dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2014. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn đang xây dựng dang dở, dừng thi công nhiều năm.

Trên cơ sở ý kiến của Ngân hàng Nhà nước, ngày 8/12/2018, Đại HĐCĐ đã thông qua chủ trương về việc cơ cấu lại dự án theo 3 phương án đến hết năm 2020.

Phương án 1 là chuyển nhượng toàn bộ tài sản của dự án. VietinBank sẽ thuê lại tháp 68 tầng để làm trụ sở làm việc. Hết thời hạn thuê, VietinBank sẽ mua lại tài sản với giá tượng trưng hoặc phương thức xác định giá được thỏa thuận cụ thể.

Phương án 2 là chuyển nhượng một phần tài sản của dự án gồm tòa tháp 48 tầng, khối đế và các tài sản khác (nếu có thỏa thuận). VietinBank sở hữu tòa tháp 68 tầng để làm trụ sở làm việc.

Còn phương án 3 là trong thời gian chưa chuyển nhượng được toàn bộ dự án hoặc một phần dự án (tháp 48 tầng, khối đế và các tài sản khác (nếu có thỏa thuận) cho nhà đầu tư bên ngoài, VietinBank tiếp tục triển khai đầu tư dự án, xử lý phù hợp những công việc phát sinh, thúc đẩy nhanh tiến độ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của VietinBank.

Trong 3 phương án trên, VietinBank ưu tiên phương án 1. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 diễn ra hồi tháng 4, ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch HĐQT Vietinbank cho biết, tính đến hết quý I/2021, có 29 nhà đầu tư quan tâm tới dự án Vietinbank Tower, trong đó có 21 nhà đầu tư đã ký thoả thuận bảo mật thông tin với VietinBank để tiếp cận hồ sơ và thẩm định dự án. Đã có 2 nhà đầu tư có đề xuất tài chính sơ bộ và có một số nhà đầu tư có kinh nghiệm và tiềm lực tài chính mạnh đang tích cực thẩm định để sớm đưa ra đề xuất tài chính.

Tuy nhiên, theo thông tin Người Đưa Tin ghi nhận vào tháng 3/2023, tức 13 năm sau ngày khởi công, dự án vẫn trong tình trạng “đắp chiếu" với những khối sắt khổng lồ. 

Bất động sản - Siêu dự án của VietinBank trở thành khối sắt khổng lồ sau một thập kỷ (Hình 2).

Theo ghi nhận của Phóng viên Người Đưa Tin, dự án đang nằm "bất động" với những khối sắt khổng lồ (Ảnh: Hữu Thắng).

Bất động sản - Siêu dự án của VietinBank trở thành khối sắt khổng lồ sau một thập kỷ (Hình 3).

Máy móc, vật liệu xây dựng ngổn ngang bên trong dự án (Ảnh: Hữu Thắng).

Bất động sản - Siêu dự án của VietinBank trở thành khối sắt khổng lồ sau một thập kỷ (Hình 4).

Phần thô của dự án đã xuống cấp nặng nề (Ảnh: Hữu Thắng).

Bất động sản - Siêu dự án của VietinBank trở thành khối sắt khổng lồ sau một thập kỷ (Hình 5).

Tình trạng sắt thép hoen gỉ tại siêu dự án sau hơn một thập kỷ (Ảnh: Hữu Thắng).

Về đề nghị hướng dẫn nội dung liên quan đến điều chỉnh tổng mức đầu tư xây dựng của Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), ngày 24/8/2022, Bộ Xây dựng đã có công văn 3758 gửi VietinBank vấn đề này.

Theo Bộ Xây dựng, các trường hợp điều chỉnh tổng mức đầu tư xây dựng được quy định tại khoản 5 Điều 134 Luật Xây dựng và điểm đ khoản 18 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Đồng thời, việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng các công việc chưa thực hiện đối với dự án đầu tư xây dựng công trình Tòa nhà trụ sở chính Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam - Vietinbank Tower (gồm cả điều chỉnh tổng mức đầu tư xây dựng của dự án, nếu có) như nội dung văn bản số 4958 thực hiện theo quy định tại khoản 3, 4 Điều 44 Nghị định số 10 ngày 09/02/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 9 Nghị định số 10 quy định: thẩm quyền thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư xây dựng điều chỉnh thực hiện theo quy định về thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự án điều chỉnh tại Nghị định 15 ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Theo đó, cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh trong các trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định số 15.

Tú Anh - Hữu Thắng