Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Số tiền 35 tỷ đồng Đỗ Hữu Ca chiếm đoạt có được trả cho bị hại không?

Trong các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tiền sau khi thu hồi thường sẽ được trả cho bị hại. Tuy nhiên, vụ án Đỗ Hữu Ca số tiền 35 tỷ đồng sẽ được xử lý thế nào?

35 tỷ đồng bị ông Ca chiếm đoạt có được trả lại cho bị hại không?

Viện KSND tỉnh Quảng Ninh đã hoàn tất cáo trạng truy tố Đỗ Hữu Ca - cựu Giám đốc Công an Tp.Hải Phòng và 12 đối tượng khác liên quan. Theo đó, các đối tượng bị truy tố với nhiều tội danh như: lừa đảo chiếm đoạt tài sản; mua bán trái phép hóa đơn; đưa hối lộ; nhận hối lộ.

Theo nội dung bản cáo trạng, từ tháng 3/2013 đến tháng 5/2022, Trương Xuân Đước (SN 1971, trú phường Đằng Hải, quận Hải An, Hải Phòng) và vợ là Nguyễn Thị Ngọc Anh đã thành lập, điều hành 26 công ty để mua bán trái phép hóa đơn nhằm thu lợi bất chính.

Kết quả điều tra xác định số lượng hóa đơn vợ chồng Đước mua bán trái phép là trên 15.000 hóa đơn, số tiền thu lời bất chính hơn 41,2 tỷ đồng. Khoảng tháng 10/2022, vợ chồng Nguyễn Xuân Đước biết tin Trương Văn Nam (cháu trai của Đước) bị Công an tỉnh Quảng Ninh bắt vì liên quan đến hành vi mua bán trái phép hóa đơn.

Góc nhìn luật gia - Số tiền 35 tỷ đồng Đỗ Hữu Ca chiếm đoạt có được trả cho bị hại không?

Ông Đỗ Hữu Ca bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt 35 tỷ đồng.

Thấy bị động, Đước đã bỏ trốn và yêu cầu vợ đến gặp ông Ca (khi đó đã nghỉ hưu) để nhờ chạy án. Trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12/2022, vợ chồng Đước và Ngọc Anh đã đưa cho ông Ca tổng số tiền 35 tỷ đồng.

Về phía cựu Giám đốc, mặc dù không có khả năng giúp vợ chồng Đước thoát khỏi việc bị xử lý hình sự, nhưng đã gian dối hứa hẹn giúp được nhằm chiếm đoạt 35 tỷ đồng.

Theo quy định của pháp luật, trong các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tiền sẽ được thu hồi để trả cho bị hại sau bản án có hiệu lực của tòa án và thi hành án. Tuy nhiên, trong vụ án này số tiền trên liệu có được xử lý như vậy?

Trao đổi với Người Đưa Tin, TS. Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội cho rằng, về nguyên tắc khi giải quyết vụ án hình sự thì tòa án sẽ xem xét xử lý vật chứng của vụ án và có thể giải quyết cả vấn đề dân sự trong vụ án hình sự.

Theo đó, những vật chứng do phạm tội mà có hoặc là công cụ phương tiện sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội thì sẽ bị tịch thu sung vào công quỹ nhà nước. Những vật chứng là tài sản hợp pháp của người khác, không liên quan đến tội phạm thì sẽ được trả lại.

Trong vụ án, số tiền 35 tỷ đồng mà ông Đỗ Hữu Ca bị quy kết là chiếm đoạt của người bị hại được xác định là số tiền do phạm tội mà có, ông Ca đã nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan tiến hành tố tụng để chờ tòa án phán quyết.

Góc nhìn luật gia - Số tiền 35 tỷ đồng Đỗ Hữu Ca chiếm đoạt có được trả cho bị hại không? (Hình 2).
Luật sư Đặng Văn Cường.

Nếu là vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông thường, người phạm tội thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản thông qua các quan hệ dân sự kinh tế thì số tiền này sẽ được trả lại cho bị hại để phục hồi quyền lợi, giảm bớt những thiệt hại của người bị hại do hành vi phạm tội gây ra.

Tuy nhiên, trong vụ này người bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản đồng thời cũng là bị can trong vụ án bị truy tố về tội trốn thuế và mua bán hóa đơn. Thậm chí còn có hành vi đưa hối lộ, số tiền mà người bị hại bị chiếm đoạt là tiền thực hiện với mục đích để chạy án nên đây là mục đích bất hợp pháp.

Chính vì vậy, trong một số vụ án gần đây tòa án căn cứ vào quy định về xử lý vật chứng, xác định đây là tài sản sử dụng vào mục đích bất hợp pháp nên đã tịch thu và xung vào công quỹ theo quy định tại Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự về xử lý vật chứng.

Mặc dù hiện chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, cũng chưa có án lệ quy định về tình huống này. Tuy nhiên, những vụ án gần đây như “chuyến bay giải cứu”, toà án cũng đã xác định số tiền đưa hối lộ "nhầm người" là tiền sử dụng vào mục đích bất hợp pháp nên đã tịch thu sung vào công quỹ chứ không trả lại cho bị cáo được xác định là bị hại trong vụ án.

Luật sư Cường cho rằng, tới đây TAND Tối cao cần có hướng dẫn để thống nhất giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự đối với những trường hợp đưa hối lộ nhưng được xác định là người bị hại trong vụ án lừa đảo để thống nhất trong việc áp dụng pháp luật hình sự hoặc cũng có thể thể hiện qua án lệ làm căn cứ thống nhất áp dụng pháp luật.

"Quan điểm cá nhân tôi cho rằng, số tiền đưa hối lộ nhưng bị lừa đảo mất thì đó là tiền sử dụng vào mục đích bất hợp pháp, không chính đáng nên pháp luật sẽ không bảo vệ, chính vì vậy có thể thống nhất là sẽ tịch thu một phần hoặc toàn bộ số tiền này để nộp vào nhân ngân sách.

Nếu trả lại toàn bộ số tiền cho người bị hại do đưa hối lộ bất thành thì sẽ ảnh hưởng đến kết quả đấu tranh phòng chống tội phạm về tham nhũng và chức vụ, sẽ không triệt tiêu được động cơ thực hiện hành vi đưa hối lộ trong xã hội", vị luật sư nêu quan điểm. 

Trường hợp không phải chịu trách nhiệm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Trao đổi với Người Đưa Tin, Luật sư Phạm Hồng Kiên - Giám đốc Công ty Luật Cán cân Việt cho biết, người phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tuỳ theo mức độ có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, phạt tù đến 20 năm hoặc tù chung thân. Đồng thời, có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định đến 05 năm hoặc tịch thu toàn bộ tài sản.

Với nội dung bản cáo trạng thì ông Ca sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là khoản 4, Điều 174 BLHS với mức hình phạt là phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân. Tất nhiên, toà án sẽ căn cứ vào các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ để từ đó đưa ra mức án đúng người đúng tội.

Góc nhìn luật gia - Số tiền 35 tỷ đồng Đỗ Hữu Ca chiếm đoạt có được trả cho bị hại không? (Hình 3).
Luật sư Phạm Hồng Kiên.

Cũng theo Luật sư Kiên, căn cứ theo Điều 12 Bộ luật Hình sự, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, người dưới 16 tuổi vẫn có thể bị xử phạt hành chính với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nếu xảy ra thiệt hại, người lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn phải đền bù cho nạn nhân theo quy định tại Điều 586 Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13.

Cụ thể, người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu.

Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

Đặng Ngọc Thủy/ Người Đưa Tin