Báo Tuổi trẻ đưa tin, ngày 27-5, Công an tỉnh Lào Cai cho biết vừa phát hiện, triệt phá 2 cơ sở trên địa bàn TP Lào Cai dùng hóa chất độc hại để sản xuất hàng trăm tấn giá đỗ bán ra thị trường.
Theo đó, ngày 23-5, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh phối hợp các cơ quan chức năng đồng loạt kiểm tra các cơ sở sản xuất giá đỗ trên địa bàn TP Lào Cai.
Quá trình kiểm tra phát hiện gia đình ông Lưu Văn Vẽ (56 tuổi, ở số nhà 360 đường Lê Thanh, phường Bắc Cường, TP Lào Cai) và gia đình ông Tạ Văn Hải (54 tuổi, ở thôn Sơn Mãn 2, xã Vạn Hòa, TP Lào Cai) dùng hóa chất độc hại để sản xuất giá đỗ bán ra thị trường.
Thời điểm kiểm tra tại gia đình ông Lưu Văn Vẽ, lực lượng chức năng phát hiện 271 thùng có thể tích khoảng 15l, chứa giá đỗ các loại, tổng khối lượng khoảng 2,5 tấn giá đỗ.
Tại nhà ông Tạ Văn Hải, lực lượng chức năng phát hiện 602 thùng chứa giá đỗ các loại, trong đó có 313 thùng có khối lượng khoảng 4,1 tấn giá đỗ thành phẩm đang chuẩn bị vận chuyển bán ra thị trường.
Cơ quan chức năng cũng thu giữ một số dung dịch đã pha chế để phục vụ việc sản xuất giá đỗ cùng các tang vật khác.
Chủ cơ sở sản xuất giá đỗ nói trên khai nhận đã dùng chất 6-Benzylaminopurine (6-BAP) pha với nước vôi trong để ngâm ủ giá đỗ nhằm mục đích làm giá đỗ đẹp, không ra rễ, sản lượng thu hoạch cao.
Giá đỗ được phân phối đến nhiều chợ dân sinh, cửa hàng rau củ trên địa bàn tỉnh Lào Cai và các địa phương lân cận.
Quá trình lấy lời khai và sổ sách bán hàng, thu thập từ nhiều nguồn dữ liệu, cơ quan chức năng xác định cơ sở sản xuất giá đỗ của ông Vẽ hoạt động từ tháng 5-2024. Trong khoảng 1 năm qua, cơ sở này đã đưa ra thị trường tiêu thụ khoảng 180 tấn.
Còn cơ sở sản xuất giá đỗ của Hải cũng bán ra thị trường gần 168 tấn giá đỗ có sử dụng chất độc hại.
Kết quả trưng cầu giám định các dung dịch trên tại Viện Khoa học hình sự Bộ Công an xác định là chất 6-Benzylaminopurine (6-BAP) - là chất độc hại, không được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm, gây tác hại cho sức khỏe con người.
Theo cơ quan công an, việc sử dụng chất này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, bao gồm tổn thương gan, thận, phổi và nguy cơ dẫn đến tử vong nếu tiếp xúc lâu dài.
Trước đó, theo Dân trí, ngày 20/4, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (PC03) Công an tỉnh Nghệ An đang tiếp tục điều tra vụ Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm liên quan đến 4 cơ sở sản xuất giá đỗ trên địa bàn thành phố Vinh.
Sau thời gian theo dõi, xác minh, thu thập chứng cứ, ngày 11/4, PC03 phối hợp nhiều đơn vị liên quan đồng loạt kiểm tra 4 cơ sở sản xuất giá đỗ trên địa bàn thành phố Vinh.
Cơ quan chức năng thu giữ gần 2.000 thùng chứa khoảng 25 tấn giá đỗ; 25 lít dung dịch hóa chất "nước kẹo" (6-Benzylaminopurine) nguyên chất và 150 lít dung dịch đã pha chế để phục vụ việc sản xuất giá đỗ, cùng một số tang vật liên quan khác.
Bốn chủ cơ sở sản xuất giá đỗ đã bị khởi tố, tạm giam để phục vụ công tác điều tra.
Cụ thể gồm: Lưu Mạnh Hưởng (SN 1993), Lưu Văn Trung (SN 1997), cùng trú tại xã Trực Hùng, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định; Trần Khắc Duy (SN 1990) và Nguyễn Văn Hướng (SN 1998), cùng trú tại phường Vinh Tân, thành phố Vinh.
Các chủ cơ sở sản xuất giá đỗ khai nhận mua "nước kẹo" trên mạng xã hội, sau đó pha chế, tưới vào các thùng ủ giá đỗ nhằm tăng lợi nhuận. Việc ngâm, tưới "nước kẹo" làm cây giá đỗ mập, trắng, không có rễ, không bị thối hỏng và mọng nước hơn, nhờ vậy tăng khối lượng thành phẩm 20-25% so với không sử dụng.
Để qua mắt lực lượng chức năng, các đối tượng đặt xưởng sản xuất tại khu vực xa khu dân cư, nơi ít người qua lại, dùng bạt, tôn, lưới quây kín xung quanh. Hoạt động vận chuyển hàng đi tiêu thụ chủ yếu được thực hiện vào ban đêm hoặc rạng sáng.
Trung bình, mỗi cơ sở sản xuất 3-5 tấn giá đỗ/ngày, cung cấp cho các tiểu thương tại chợ đầu mối thành phố Vinh với giá 10.000-15.000 đồng/kg. Số giá đỗ ngâm "nước kẹo" này sau đó được chuyển đến các chợ dân sinh ở Nghệ An, Hà Tĩnh để tiêu thụ.
Theo cơ quan điều tra, từ tháng 6/2024 tới thời điểm bị phát hiện, 4 cơ sở này đã bán ra thị trường khoảng 3.500 tấn giá đỗ ngâm hóa chất độc hại.
Theo cơ quan chức năng, "nước kẹo" (6-Benzylaminopurine) là chất kích thích tăng trưởng tế bào. Người dân khi tiếp xúc hoặc ăn phải "nước kẹo" sẽ bị ngộ độc cấp tính, rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng hệ hô hấp.
Nhiều nghiên cứu cho thấy 6-Benzylaminopurine vào cơ thể với lượng lớn có thể gây tử vong. Phụ nữ mang thai hít, tiếp xúc qua da lâu dài có thể ảnh hưởng thai nhi như gây nhẹ cân, não úng thủy và các dị tật bẩm sinh.
Tại Việt Nam, 6-Benzylaminopurine không thuộc danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm và danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng.
Cùng với việc đấu tranh mạnh với loại tội phạm này, công an khuyến cáo người dân hãy là người tiêu dùng thông thái trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc rõ ràng.
"Đối với giá đỗ, người tiêu dùng không sử dụng loại giá có thân mập, đều đặn, rễ ngắn hoặc không có rễ, màu trắng bóng nhìn đẹp mắt, giòn và dễ gãy", nguồn tin khuyến cáo.
Dưới đây là một số hình ảnh cận cảnh xưởng sản xuất giá đỗ ngậm hóa chất ở Lào Cai vừa bị lực lượng chức năng phát hiện:






