Ngày 22/11, Công an Hà Nội thông tin về vụ việc trên, đồng thời đưa ra khuyến cáo về thủ đoạn lừa đảo tuy không mới nhưng vẫn có người dân “dính bẫy”.
Cụ thể, ngày 17/11/2024, Công an huyện Đan Phượng tiếp nhận đơn trình báo của chị L (SN 1980, trú tại Đan Phượng, Hà Nội) về việc có nhận được điện thoại của một người tự xưng là cán bộ Công an thông báo con trai chị chưa có tên trong sổ hộ khẩu điện tử.
Đối tượng hướng dẫn chị L cài đặt phần mềm Dịch vụ công "giả mạo" để đồng bộ dữ liệu dân cư. Sau đó, người này yêu cầu người phụ nữ quét nhận diện khuôn mặt trên điện thoại. Khi thực hiện xong những hành động trên, nạn nhân kiểm tra tài khoản ngân hàng thì phát hiện hơn 100 triệu đồng đã “bốc hơi” nên vội vàng đến cơ quan Công an trình báo.
Từ vụ việc trên, Công an Tp. Hà Nội nhận định: đây không phải thủ đoạn mới, tuy nhiên, vẫn còn nhiều người dân ít cập nhật thông tin xã hội, báo chí, mất cảnh giác nên đã "sập bẫy" lừa đảo. Cơ quan chức năng đề nghị người dân nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không cài đặt các phần mềm, ứng dụng theo yêu cầu của các đối tượng lạ gọi đến.
Nếu cài đặt phần mềm giả mạo, người dân có nguy cơ sẽ bị chiếm quyền điều khiển toàn bộ điện thoại. Các tin nhắn, cuộc gọi đến máy điện thoại của nạn nhân sẽ được ứng dụng kiểm soát, ngầm chuyển về máy chủ do đối tượng quản lý, không hiển thị trên điện thoại của nạn nhân. Nguy hiểm hơn, các đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại di động từ xa, sau đó truy cập vào tài khoản, chuyển hết tiền của bị hại.