Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Tập đoàn Bệnh viện TNH: Tham vọng và thực tế

Với tình hình tài chính còn có nhiều hạn chế, thời gian tới, Tập đoàn Bệnh viện TNH sẽ cần nhiều biện pháp để bổ sung nguồn vốn nhằm đáp ứng mục tiêu mở rộng hệ thống.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Bệnh viện TNH (HoSE: TNH) là một hệ thống các bệnh viện ngoài công lập, bắt đầu hoạt động từ năm 2014. Bệnh viện được thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh chất lượng cao của nhân dân ở tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh lân cận.

Từ một bệnh viện ban đầu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên với quy mô 150 giường bệnh, những năm qua TNH đã mở rộng hệ thống và nuôi tham vọng "đánh chiếm" tại nhiều tỉnh thành khác.

Tập đoàn Bệnh viện TNH: Tham vọng và thực tế- Ảnh 1.

Năm 2024, Bệnh viện TNH đã đưa Dự án Bệnh viện TNH Việt Yên vào hoạt động, đồng thời, điều chỉnh tăng vốn đầu tư lên 752,6 tỷ đồng.

Mục tiêu trên của TNH được thể hiện thông qua việc xây dựng bệnh viện TNH Việt Yên ở Bắc Giang, M&A bệnh viện ở Lạng Sơn và ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho dự án bệnh viện quốc tế 500 giường tại Ciputra (Hà Nội).

Khả năng tài chính có nhiều điểm hạn chế

Như đã đề cập, từ một bệnh viện ở Thái Nguyên, đến nay, TNH đã liên tục mở rộng đầu tư, mở rộng mạng lưới ở nhiều tỉnh thành. Và đây cũng chính là hoạt động đầu tư yêu cầu nguồn vốn lớn.

Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024, Ban lãnh đạo Bệnh viện TNH chia sẻ tham vọng nâng công suất lên khoảng 2.000 đến 2.500 giường bệnh (hiện tại là 600 giường) trong hệ thống trước năm 2030, khi hướng tới các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh… với mục tiêu 10 bệnh viện, đồng thời cũng đặt mục tiêu tăng doanh thu thông qua các dịch vụ cao cấp hơn tại bệnh viện như tiêm chủng và mở phòng khám mới.

Năm 2024, Bệnh viện TNH đã đưa Dự án Bệnh viện TNH Việt Yên vào hoạt động, đồng thời, điều chỉnh tăng vốn đầu tư lên 752,6 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu được TNH chia sẻ là do giá nguyên liệu, vật liệu, nhân công và các chi phí khác có biến động tăng.

Đồng thời, công ty cũng tăng vốn đầu tư Dự án Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên thêm lên 803,24 tỷ đồng và giảm quy mô Dự án Bệnh viện Đa khoa Yên Bình (Thái Nguyên) từ 300 giường về 200 giường. Trong đó, giai đoạn I đi vào hoạt động từ năm 2019 với quy mô 150 giường và sẽ giảm quy mô giai đoạn II để phù hợp với nhu cầu thực tế.

Theo SSI Research. Bệnh viện TNH cần khoảng 4.363 tỷ đồng cho việc đầu tư, mở rộng 6 bệnh viện, bao gồm: Bệnh viện TNH Hà Nội, Bệnh viện Phụ sản TNH, Bệnh viện Mắt TNH, Bệnh viện Quốc tế TNH giai đoạn III, Bệnh viện TNH Lạng Sơn giai đoạn I và Bệnh viện TNH Việt Yên.

Tuy nhiên, báo cáo tài chính quý II/2024 của công ty lại thể hiện khả năng tài chính còn nhiều hạn chế. Theo đó, tại thời điểm 30/6/2024, Bệnh viện TNH chỉ sở hữu 21,5 tỷ đồng tiền mặt, giảm tới 89% so với số đầu năm. Ngược lại, tổng nợ vay của bệnh viện trên lên tới 595 tỷ đồng, tăng 57% so với đầu kỳ.

4 năm, 3 lần gia hạn thời gian trả nợ

Trong khi TNH thể hiện tham vọng rất lớn nhưng thực tế cho thấy, doanh nghiệp này lại đang vướng phải cảnh liên tiếp khất nợ, thậm chí tình hình kinh doanh có phần sụt giảm trong những năm qua bất chấp doanh thu tăng trưởng.

Theo đó, năm 2023, doanh thu thuần của Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên đạt 532 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2021. Mặc dù vậy nhưng lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp của công ty trong năm 2023 ghi nhận giảm 3% xuống còn 142 tỷ đồng.

1-1726543747.png
 

6 tháng đầu năm 2024, TNH ghi nhận doanh thu thuần 222 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 54 tỷ đồng, giảm lần lượt 3% và 13% so với nửa đầu năm 2023, tương ứng hoàn thành 41% kế hoạch doanh thu và 35% chỉ tiêu lợi nhuận.

Là một trong 2 bệnh viện hiếm hoi niêm yết trên sàn chứng khoán và có nền vững chắc nhưng thời gian gần đây, Bệnh viện TNH lại nhận liên tục khiến nhiều người quan tâm bởi 2 chữ "nợ nần".

Sự việc được diễn ra vào năm 2020, sau 6 năm thành lập, TNH đã vay 92 tỷ đồng từ các Thành viên HĐQT để trả nợ trái phiếu. Danh sách các cá nhân đã cho TNH vay bao gồm: ông Hoàng Tuyên - Chủ tịch HĐQT với 35,6 tỷ đồng; ông Lê Xuân Tân với 11,4 tỷ đồng; ông Nguyễn Văn Thủy với 35 tỷ đồng và ông Nguyễn Xuân Đôn với 10 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đã 4 năm trôi qua nhưng nợ vẫn còn đó, Bệnh viện TNH thậm chí còn gia hạn thời gian trả nợ đến… lần thứ 3 đến ngày 31/3/2025. Theo TNH, hai bên gia hạn hợp đồng vay để công ty thực hiện xong thủ tục phát hành cổ phiếu theo nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 và bố trí nguồn vốn trả nợ theo hợp đồng đã ký.

Do đó, gần đây nhất, thông tin về khoản tiền 92 tỷ đồng lại một lần nữa được nhắc đến trong kế hoạch chào bán cổ phiếu của công ty. Cụ thể, Bệnh viện TNH sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện chào bán cổ phiếu với tỉ lệ 100:13,8 vào ngày 18/9 tới đây.

Tập đoàn Bệnh viện TNH: Tham vọng và thực tế- Ảnh 2.

Với tình hình tài chính còn có nhiều hạn chế, thời gian tới, Bệnh viện TNH sẽ cần nhiều biện pháp để bổ sung nguồn vốn nhằm đáp ứng mục tiêu mở rộng hệ thống.

Đồng nghĩa với việc chào bán tổng cộng 15,2 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tương đương huy động được 152,02 tỷ đồng. Với số tiền thu về từ đợt chào bán cổ phiếu, Bệnh viện TNH cho biết sẽ dùng hơn 92 tỷ đồng để trả nợ vay các cá nhân; 20 tỷ đồng trả nợ vay các tổ chức tín dụng; và 40 tỷ đồng sẽ bổ sung vốn lưu động.

Thời gian chuyển nhượng quyền mua từ ngày 24/9 đến ngày 7/10, thời gian đăng ký mua từ ngày 24/9 đến ngày 14/10 và thời gian nhận tiền mua cổ phiếu từ ngày 24/9 đến ngày 14/10.

Như vậy, theo lộ trình, cuối năm nay Bệnh viện TNH sẽ huy động được nguồn tiền để hoàn tất khoản nợ 92 tỷ đồng cho các cá nhân.

Biến động lãnh đạo, người nhà Chủ tịch liên tục thoái vốn

Một điểm đáng chú ý là từ đầu năm đến nay, Bệnh viện TNH liên tiếp ghi nhận nhiều biến động, từ dàn lãnh đạo nòng cốt đến loạt động thái thoái vốn từ những cá nhân liên quan đến người nội bộ.

Theo đó, ngay trước thềm ĐHĐCĐ thường niên công ty vào tháng 6/2024, ông Nguyễn Xuân Đôn - Thành viên Hội đồng Quản trị; bà Lê Thị Ánh Hằng - Trưởng Ban Kiểm soát, và ông Đặng Đức Tuấn - Thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2020-2025 đã đồng loạt có đơn xin từ nhiệm. Các cá nhân này đều xin từ nhiệm vì lý do cá nhân.

Đáng chú ý, ngay sau khi rút khỏi HĐQT, ông Nguyên Xuân Đôn đã thoái toàn bộ 4,3 triệu cổ phiếu, tương đương với tỉ lệ 3,87% vào ngày 30/8.

Tập đoàn Bệnh viện TNH: Tham vọng và thực tế- Ảnh 3.

Diễn biến thị giá cổ phiếu TNH.

Trước đó, một làn sóng bán ra hàng triệu cổ phiếu TNH đã diễn ra vào giữa tháng 7/2024. Cụ thể, hai con của con trai Chủ tịch HĐQT Hoàng Tuyên là ông Hoàng Tùng và bà Hoàng Anh đã cùng đăng ký bán mỗi người 1,5 triệu cổ phiếu TNH đang sở hữu, tương đương 1,36% vốn điều lệ công ty này.

Lý do bán cổ phiếu được các con Chủ tịch HĐQT Hoàng Tuyên đưa ra là vì mục đích cá nhân. Một điểm đặc biệt là, 3 triệu cổ phiếu được bán ra lại chính bằng với số cổ phiếu mà Chủ tịch HĐQT Hoàng Tuyên thông báo tặng cho các con vào tháng 1/2024.

Cũng trong khoảng thời gian, ông Hoàng Thao - anh trai ông Hoàng Tuyên cũng đăng ký bán ra toàn bộ 1,29 triệu cổ phiếu và bà Cao Thị Hồng - chị dâu ông Hoàng Tuyên cũng đăng ký bán ra 620.395 triệu cổ phần.

Tổng số lượng cổ phiếu mà người nhà Chủ tịch HĐQT Bệnh viện TNH đăng ký bán ra trong đợt trên lên tới gần 5 triệu cổ phiếu TNH; tương đương 4,45% vốn điều lệ công ty.

Nguyễn Phương Anh/ Người Đưa Tin