Tập đoàn WPD (Cộng hòa Liên bang Đức) mới đây đã có buổi làm việc với tỉnh Bình Định về dự án Nhà máy điện gió tại xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thạnh.
Ông Nguyễn Hải Duyên, Tổng Giám đốc Công ty WPD Việt Nam cho hay, công ty đang tiến hành đo gió nhằm phục vụ cho việc hình thành và triển khai các dự án điện gió tại 4 tỉnh: Lạng Sơn, Kon Tum, Phú Yên và Bình Định.
Tại Bình Định, từ tháng 7/2024, công ty tiến hành đo gió khu vực xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thạnh. Đồng thời, thu thập các chỉ số về gió tại một số khu vực mà các dự án điện gió đã triển khai ở Bình Định để đối chiếu. Qua đo đạc, địa bàn xã Vĩnh Thuận có đầy đủ yếu tố để đầu tư dự án điện gió.
Công ty đề xuất đầu tư dự án nhà máy điện gió công suất 143 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 4.600 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất có thời hạn khoảng 48ha.
Dự kiến, từ nay đến tháng 7/2025, công ty phấn đấu có số liệu gió đo chính thức, đến đầu năm 2026 tất cả các yếu tố về kỹ thuật sẽ được đánh giá một cách đầy đủ để có thể báo cáo nghiên cứu khả thi dự án trình UBND tỉnh và Bộ Công Thương xem xét.
Công ty quyết tâm hoàn thành các vấn đề này và mong muốn tỉnh hỗ trợ đề xuất dự án này với Bộ Công Thương để đưa vào quy hoạch điện VIII, làm cơ sở để thực hiện dự án. Bên cạnh đó, nhà đầu tư đề xuất UBND tỉnh xem xét, đưa khu vực dự án Vĩnh Thuận vào danh mục các khu đất cần trình thông qua HĐND tỉnh để có cơ sở tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án; xem xét tổ chức lựa chọn nhà đầu tư cho dự án Vĩnh Thuận vào quý II năm 2026, khi đầy đủ điều kiện pháp lý.
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, Bình Định có nhiều yếu tố thuận lợi phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió; hệ thống truyền tải điện tại Bình Định cũng rất tốt. Tỉnh cũng xác định điện gió là ngành kinh tế mũi nhọn và đang thu hút các nhà đầu tư phát triển các dự án. Đây là những điều kiện thuận lợi, cơ hội rất tốt cho Tập đoàn WPD.
Được biết, WPD là tập đoàn lớn về lĩnh vực điện gió tại Đức và châu Âu. Hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam đang thu hút sự quan tâm các tập đoàn lớn chuyên đầu tư phát triển năng lượng tái tạo của thế giới, trong đó có WPD.
Tại Bình Định, một doanh nghiệp khác của Đức là Tập đoàn PNE cũng đã đăng ký nghiên cứu, khảo sát đầu tư dự án Điện gió ngoài khơi với quy mô công suất 2.000 MW được chia thành 3 giai đoạn với tổng mức đầu tư khoảng 4,6 tỷ USD (mỗi giai đoạn dự án đầu tư khoảng hơn 1,5 tỷ USD).
Dự kiến, sau khi hoàn thành đưa vào vận hành phát điện, mỗi năm dự án sẽ cung cấp khoảng 7,1 tỷ kWh điện cho hệ thống lưới điện quốc gia. Qua đó, đóng góp nguồn thu ngân sách hàng năm cho tỉnh Bình Định ước tính khoảng 1.600 tỷ đồng
Được biết, Tập đoàn PNE đã phát triển điện gió ngoài khơi tại 14 quốc gia ở 4 châu lục. Đối với Châu Á, Việt Nam là điểm đến đầu tiên và tỉnh Bình Định là tỉnh đầu tiên của Việt Nam mà Tập đoàn xúc tiến phát triển dự án điện gió ngoài khơi.
Tháng 6/2023, UBND tỉnh Bình Định đã đề xuất với Bộ Công thương về đưa các dự án điện gió và các công trình lưới điện của địa phương vào kế hoạch thực hiện Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Bảy dự án điện gió trên biển gồm: Nhà máy điện gió ngoài khơi Bình Định 1, 2 (đều có công suất 300 MW); Nhà máy điện gió ngoài khơi Bình Định 3 (2.000 MW); Nhà máy điện gió ngoài khơi xã Nhơn Lý (1.000 MW); Nhà máy điện gió PNE (2.000 MW); Nhà máy điện gió ngoài khơi Mỹ An (1.000 MW); Nhà máy điện gió ngoài khơi Bình Định (2.000 MW).
Tám dự án điện gió trên bờ gồm: Nhà máy điện gió Mỹ An (50 MW); Nhà máy điện gió HCG Hoài Nhơn (150 MW); Nhà máy điện gió Phù Mỹ (125 MW); Nhà máy điện gió Mỹ Chánh (100 MW); Nhà máy điện gió Hòn Đôi (50 MW); Nhà máy điện gió Mỹ Đức (100 MW); Nhà máy điện gió Vân Canh Bình Định (150 MW); Nhà máy điện gió Vĩnh Thuận (137 MW).
Trong đó, UBND tỉnh Bình Định đặc biệt đề nghị Bộ Công thương quan tâm đưa dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Bình Định do Tập đoàn PNE đăng ký nghiên cứu, khảo sát đầu tư với tổng quy mô công suất 2.000 MW và các công trình đường dây và trạm biến áp phục vụ đấu nối của dự án này vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.