Trong lịch sử Trung Quốc, thái giám, còn gọi là hoạn quan, thường là những người xuất thân từ gia đình nghèo khó, buộc phải vào cung phục vụ hoàng tộc. Họ phải đảm nhận đủ mọi công việc và chịu cảnh thiến từ khi còn nhỏ để đảm bảo huyết thống hoàng gia không bị xáo trộn. Tuy nhiên, điều này cũng khiến nhiều người tò mò: Khi đã bị cắt bỏ bộ phận sinh dục, thái giám đi tiểu bằng cách nào? Thực tế, quá trình này vô cùng đau đớn và tủi nhục.

Theo Sohu, phương pháp hoạn thái giám khác nhau qua từng triều đại. Dựa trên các tài liệu khảo cổ và tượng người tìm thấy, trước thời Minh – Thanh, do y học còn lạc hậu, việc thiến thái giám chủ yếu chỉ cắt bỏ tinh hoàn, không ảnh hưởng đến việc đi tiểu, họ vẫn có thể đứng khi đi vệ sinh. Nếu cắt toàn bộ bộ phận sinh dục, nguy cơ mất máu quá nhiều có thể dẫn đến tử vong.
Tuy nhiên, đến thời Minh – Thanh, đặc biệt sau thời Càn Long, kỹ thuật thiến phát triển hơn, khiến thái giám không chỉ mất đi bộ phận sinh dục mà còn mất cả cơ chế kiểm soát việc đi tiểu. Cơ quan sinh dục của họ chỉ còn lại một lỗ nhỏ, không có cơ vòng để giữ nước tiểu. Vì vậy, sau khi phẫu thuật, một ống nhỏ làm từ sậy, rơm lúa mì hoặc lông chim được đặt vào chỗ bị cắt để dẫn nước tiểu ra ngoài, đồng thời tránh nhiễm trùng vết thương, nếu không họ sẽ phải chịu cơn đau tột cùng.
Để tránh việc quần áo bị ướt, thái giám thường phải lót một lớp vải dày quanh vùng kín, tương tự như tã lót ngày nay, nhằm thấm hút nước tiểu rò rỉ. Do đó, cơ thể họ thường có mùi khai nồng nặc. Chỉ một số ít thái giám có điều kiện thay đổi quần áo thường xuyên, còn phần lớn không có đủ thời gian hay nguồn lực để thay vải sạch.
Hà Vinh Nhi, một cung nữ từng hầu hạ Từ Hi Thái Hậu thời nhà Thanh, đã ghi lại trong Nhật ký cung nữ rằng thái giám quanh năm suốt tháng đều phải mặc “tã lót” và rất chú trọng đến việc sử dụng hương liệu để che giấu mùi cơ thể. Họ trở nên rất tinh tế trong việc chọn và dùng các loại hương liệu nhằm át đi mùi khó chịu, giữ vẻ bề ngoài chỉnh tề khi phục vụ trong cung đình.