Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Thẩm mỹ quốc tế Lim A Vũng Tàu không được cấp phép tiêm Meso và PRP

Sở Y tế Bà Rịa – Vũng Tàu khẳng định, cơ sở thẩm mỹ quốc tế Lim A tại TP. Vũng Tàu không được cấp phép tiêm giảm mỡ Meso và thủ thuật tiêm PRP.

Thông tin trên báo Đại biểu Nhân dân, ngày 2/11, Sở Y tế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: không phê duyệt các kỹ thuật tiêm giảm béo Meso và tiêm PRP (viết tắt của cụm từ “Platelet-rich plasma”, nghĩa là huyết tương giàu tiểu cầu - PV) cho cơ sở thẩm mỹ quốc tế Lim A ((93 Lê Lợi, phường Thắng Nhì, TP. Vũng Tàu)
Tại địa chỉ trên, Sở Y tế chỉ cấp giấy phép hoạt động cho Phòng khám chuyên khoa Da liễu thuộc Công ty TNHH Thẩm mỹ quốc tế LIMA Vũng Tàu (thẩm mỹ quốc tế Lim A) do bác sĩ Trương Sỹ Chiến phụ trách chuyên môn.

la-1730520425.png
Thâm mỹ quốc tế Lim A không được cấp phép tiêm Meso và tiêm PRP.

Trước đó, báo Tri thức và Cuộc sống từng đưa tin về thẩm mỹ quốc tế Lim A giới thiệu cung cấp các dịch vụ: Tiêm giảm béo Meso, tiêm PRP, trong đó có tiêm hoạt chất huỷ mỡ với liệu trình cao cấp nhất gồm 6 lần với giá 18 triệu. 
Trong quá trình xâm nhập thực tế, phóng viên báo Tri thức và Cuộc sống được nhóm người trẻ gồm cả nam lẫn nữ, tự xưng bác sĩ tư vấn về da mặt và giới thiệu gói dịch vụ kết hợp nhiều liệu trình gồm tiêm meso, tiêm PRP lấy máu tự thân với tổng giá 30 triệu cho 4 tháng điều trị.
Cũng liên quan đến cơ sở này, tờ Chất lượng Việt Nam còn ghi nhận tại đây có một người phụ nữ mặc áo blouse trắng, đeo biển tên “Phòng khám thẩm mỹ LIM A bác sĩ Nguyễn Hằng”. 
Người này tư vấn cho khách hàng cần thực hiện 6 buổi Meso kết hợp với 4 buổi đi máy sẽ tiêu mỡ, giảm béo. Ngoài ra, vị bác sĩ này còn tiết lộ, tại Thẩm mỹ Quốc tế Lim A cũng cung cấp dịch vụ làm căng bóng, trẻ hoá da bằng phương pháp PRP – thông tin trên Vietq.vn.

lim-a-2-1730520389.jpg
Bác sĩ Nguyễn Hằng tại cơ sở Thẩm mỹ quốc tế Lim A. Ảnh: Vietq.

Cũng trên báo Đại biểu Nhân dân, Sở y tế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tiến hành kiểm tra thẩm mỹ Vy Anh Beauty Center ( B12, 1/6, khu đô thị Chí Linh, phường Nguyễn An Ninh, TP. Vũng Tàu) tuy nhiên tại thời điểm đó, cơ sở này đóng cửa, không hoạt động. 
Thông tin từ cơ quan quản lý sở tại, đây là cơ sở chăm sóc da, không thuộc đối tượng Sở Y tế thẩm định, cấp phép hoạt động. Đồng nghĩa, cơ sở này không được phép cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ có xâm lấn. Tuy nhiên, trong nhiều clip được đăng tải trên tài khoản mạng xã hội nhân viên của cơ sở này thường xuyên sử dụng kim tiêm, thao tác các dịch vụ tiêm xâm lấn trên cơ thể người.

vy-oanh-1730520412.jpg
Trên MXH xuất hiện nhiều clips quảng cáo nhân viên của Vy Anh Beauty Center thực hiện thủ thuật làm đẹp có xâm lấn. Ảnh: Báo Đại biểu Nhân dân.

Liên quan đến kỹ thuật tiêm meso giảm mỡ, trao đổi với PV Tạp chí Đời sống và Pháp luật, TS. Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), cho biết: “Hiện nay, Việt Nam mới chỉ cho phép sử dụng tế bào gốc tự thân, nghĩa là tế bào của người nào sử dụng cho đúng người đó; còn tế bào đồng loài (của người này dùng cho người khác) thì chưa. Đối với tế bào gốc từ cuống rốn trẻ sơ sinh, Bộ cũng đang nghiên cứu, xem xét để có thể sử dụng cho những người trong gia đình có cùng huyết thống.

Riêng ứng dụng tế bào gốc trong chỉ định làm đẹp vẫn đang trong quá trình triển khai nghiên cứu để đưa ra minh chứng liên quan đến tính an toàn, hiệu quả của những phương pháp, liệu trình này; còn chính thức thì chưa được phép ứng dụng”.
Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Dương Văn Phúc (đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên - Huế) đánh gia: “Hiện tượng quảng cáo làm đẹp bằng tế bào gốc khi chưa được cấp phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì không đúng quy định pháp luật, có thể bị xử phạt theo khoản 3, Điều 56, Nghị định 38/2021/NĐ-CP, từ 30 đến 40 triệu đồng. Đồng thời, người thực hiện hành vi vi phạm trên còn buộc phải tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo, theo khoản 5 Điều 56 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.
Nếu cố tình thực hiện hành vi khám chữa bệnh mà gây hậu quả nghiêm trọng có thể đối mặt với trách nhiệm hình sự tùy vào hậu quả xảy ra và hành vi thực hiện liên quan đến hậu quả, hành vi này được BLHS 2015 quy định tại Điều 315. Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”.

 

Trần Giang (T/h)