Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Thấy gì từ công tác mua sắm công tại BV Bình Dân?

Trước thông tin chênh lệch giá gói thầu so với giá nhập khẩu nhiều tỷ đồng, BV Bình Dân khẳng định gói thầu đã được thực hiện đúng theo quy chế.

Dấu hiệu chênh lệch giá hàng tỷ đồng?

Trên cơ sở của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 của Quốc hội (vừa được sửa đổi năm 2023), một bộ khung pháp lý thống nhất, minh bạch về công tác đấu thầu, sử dụng nguồn ngân sách đã được tạo lập cùng các nghị định, thông tư hướng dẫn đi kèm.

Tuy nhiên, thực tế thì việc thực thi pháp luật không nghiêm tại một số địa phương đã tạo đà cho các cơ sở y tế “bắt tay” với doanh nghiệp để “thổi giá” sản phẩm. Điều này đã dẫn đến nhiều hệ lụy từ vi phạm quy định trong đấu thầu, khiến bộ Công an và công an các tỉnh thành phải vào cuộc, liên tục điều tra, khởi tố, bắt tạm giam hàng loạt lãnh đạo Sở, giám đốc bệnh viện, giám đốc doanh nghiệp...

Trước thực trạng này, tạp chí Đời sống và Pháp luật đã tổ chức triển khai chuyên đề nghiên cứu về trách nhiệm tiết giảm ngân sách từ những gói thầu do các sở, ban, ngành, đơn vị tổ chức nhằm đóng góp những thông tin hữu ích, giúp cơ quan quản lý Nhà nước nâng cao hiệu quả trong công tác sử dụng vốn đầu tư công. Đơn cử như tại bệnh viện Bình Dân (TP.HCM).

bvbinhdantphcm-1716261271.jpg
BV Bình Dân tổ chức nhiều gói thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh.

Theo tìm hiểu của PV, ngày 22/06/2023, Giám đốc bệnh viện Bình Dân Trần Vĩnh Hưng ký Quyết định số 888/QĐ-BVBD về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu Thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị. Tổng cộng 6 nhà thầu trúng bao gồm công ty VIMEDIMEX Bình Dương; Dược liệu Trung ương 2 và 4 công ty Dược phẩm khác là: GIGAMED; Hoàng Đức; Thiên thảo Sài Gòn, Tuệ Hải. Giá trị trúng thầu bằng 85.216.530.795 đồng (Tám mươi lăm tỷ, hai trăm mười sáu triệu, năm trăm ba mươi nghìn, bảy trăm chín mươi lăm đồng).

qd-bvbinhdan-1716261363.jpg
Quyết định số 888/QĐ-BVBD do ông Trần Vĩnh Hưng ký.

Thông qua đấu thầu, BV Bình Dân mua sắm thuốc phục vụ công tác khám chữa bệnh có giá trị từ vài chục triệu tới hàng tỷ đồng.  Khi nghiên cứu, so sánh với giá nhập khẩu, PV nhận thấy có dấu hiệu chênh lệch số tiền lớn.

Đơn cử, hoạt chất Ertapenem (dưới dạng Ertapenem natri) 1g (SĐK: VN-20315-17; xuất xứ: Pháp) có giá tại gói thầu là 552.421 đồng. Tuy nhiên, PV tìm hiểu được biết một đơn vị nhập khẩu sản phẩm về Việt Nam đã cộng 10% thuế (VAT và nhập khẩu) khoảng 425.295 đồng, thấp hơn giá nhà thầu cung cấp khoảng 127.126 đồng.

Tương tự, hoạt chất Abiraterone acetate (SĐK: VN-19678-16; Hãng sản xuất: Patheon Inc., Janssen-Cilag S.p.A/Canada) được BV Bình Dân phê duyệt giá 361.223 đồng, còn giá nhập khẩu 177.263 đồng, thấp hơn khoảng 183 nghìn đồng.

Hay 1 lọ hoạt chất Cetuximab (SĐK: QLSP-0708-13; Xuất xứ: Đức) được chủ đầu mua sắm với giá 5.773.440 đồng, còn một đơn vị nhập mức giá 4.097.234 đồng (đã bao gồm 10% thuế VAT và nhập khẩu), thấp hơn gói thầu gần 1,7 triệu đồng/lọ.

Biết rằng, đấu thầu thuốc biệt dược có những quy định riêng do tính đặc thù, thế nhưng, việc một số doanh nghiệp nhập khẩu về Việt Nam mà PV tìm hiểu với giá chỉ bằng ½ thậm chí 1/3 giá tại gói thầu là điều đáng suy ngẫm.

Hơn nữa, ở riêng gói thầu của BV Bình Dân, giá nhập khẩu chênh lệch thấp hơn gói thầu (nghiên cứu ngẫu nhiên của PV với 30/54 mã hàng được phê duyệt) tới khoảng 19,7 tỷ đồng.

“Gói thầu thực hiện đúng quy chế”

Khi thực hiện nghiên cứu đề tài này, chúng tôi vẫn có niềm tin rằng sẽ không có chuyện trục lợi ngân sách từ công tác đấu thầu tại BV Bình Dân. Để có được thông tin khách quan, đa chiều, phóng viên đã liên hệ trao đổi thông tin với đơn vị này.

Theo đó, BV Bình Dân đã có văn bản phản hồi kèm theo thông tin tờ khai hải quan về một sản phẩm (không có tên đơn vị nhập khẩu và xuất khẩu) với mức giá khác và cho biết đây là tờ khai hàng hóa nhập khẩu (thông quan) trong hồ sơ dự thầu mà Bệnh viện đã nhận được.

chenh-lech-gia-cao-1716261989.jpg
File tờ khai hải quan phía Bệnh viện Bình Dân thông tin tới phóng viên không hiển thị đơn vị xuất khẩu, nhập khẩu (ảnh trái, không khoanh đỏ). Ảnh bên phải (khoanh đỏ) là thông tin sản phẩm nhập khẩu mà phóng viên đối chiếu tại bài viết này.

Về cơ sở xây dựng giá dự toán cũng như thẩm định giá cho gói thầu, BV Bình Dân cho hay: “Căn cứ theo khoản 4b, Điều 14, Thông tư 15/2019TT-BYT, BV đã chọn giá dự toán cho các thuốc trong dải giá đã trúng thầu trong vòng 12 tháng trước thời điểm lập kế hoạch chọn nhà thầu. Giá trúng thầu của thuốc bằng với giá kế hoạch, đồng thời thỏa điều kiện không cao hơn giá đã kê khai của Cục Quản lý Dược”.

Phía BV cũng thông tin, không sử dụng chứng thư thẩm định giá trong quá trình xây dựng giá kế hoạch. Là bởi vì, Thông tư 15 hướng dẫn đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập nói trên không hướng dẫn điều này.

“BV đã xây dựng tổ chuyên gia với quy chế làm việc rõ ràng, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và phân công công việc của các cá nhân trong gói thầu. Gói thầu đã được thực hiện đúng theo quy chế”, văn bản nêu.

Trao đổi thêm với PV, bà Hồ Thị Diễm Thúy, Trưởng khoa Dược, BV Bình Dân cho hay: “Theo quy định, giá trúng thầu không được cao hơn giá kế hoạch lựa chọn nhà thầu và giá bán kê khai đang còn hiệu lực (giá kê khai này đã được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế chấp thuận). Do đó, bệnh viện không xét giá của đơn vị nhập khẩu tại cảng. Khi chấm thầu, các tiêu chí về giá đã được BV rà soát đảm bảo theo đúng quy định”.