Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Thay lãnh đạo, Garmex Sài Gòn vẫn thua lỗ triền miên

Sau khi thay thế vị trí Chủ tịch HĐQT, Công ty Garmex Sài Gòn vẫn kinh doanh èo uột, trong khi cổ phiếu đã rơi vào diện kiểm soát.

Garmex Sài Gòn thay lãnh đạo khi công ty bị kiểm soát

Cuối tháng 7/2024, Công ty CP Garmex Sài Gòn (HoSE: GMC) có báo cáo tài chính quý II với doanh thu thuần gần 1,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2023, con số này chỉ vỏn vẹn 101 triệu đồng.

Tuy nhiên, khoản doanh thu này có đến 1,4 tỷ đồng từ doanh thu mua bán máy thanh lý đã qua sử dụng.

Trong khi doanh thu thuần và lợi nhuận gộp đều về 0 thì lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đã rơi xuống -8 tỷ đồng, kéo dài kết quả thua lỗ từ cùng kỳ năm ngoái.

Vốn chủ sở hữu của công ty đã giảm đến 397 tỷ đồng so với mức 413 tỷ đồng quý 2/2023.

Chính vì tình hình kinh doanh ảm đảm của công ty, Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định về việc chuyển cổ phiếu Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn (mã CK: GMC) từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát kể từ ngày 11/04/2024.

Thay lãnh đạo, Garmex Sài Gòn vẫn thua lỗ triền miên - Ảnh 1.

Garmex Sài Gòn không có đơn hàng suốt nửa đầu năm.

Đến đầu tháng 7/2024, HĐQT Công ty CP Garmex Sài Gòn (HOSE: GMC) đã thống nhất bầu ông Lê Văn Hùng - Thành viên HĐQT độc lập - giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty nhiệm kỳ 2024-2029 kể từ ngày 05/07/2024.

Đây được xem là quyết định thay đổi người đứng đầu điều hành công ty trong bối cảnh kinh doanh không khả quan.

Ông Lê Văn Hùng sinh năm 1975, trình độ cử nhân Kế toán. Từ tháng 5/2021 đến nay, ông Hùng giữ chức Thành viên HĐQT độc lập của Garmex, do Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Thiên Hải - cổ đông lớn sở hữu 15.86% vốn GMC - đề cử.

Ông Hùng còn được giới thiệu là Giám đốc Tài chính CTCP Transimex (HOSE: TMS) từ năm 2018 đến nay.

Ngoài ra, ông cũng đang làm Chủ tịch HĐQT CTCP Dịch vụ Bến Thành (HNX: BSC); Thành viên HĐQT tại CTCP Thủy Đặc Sản (UPCoM: SPV), CTCP Vinafreight (HNX: VNF), CTCP Giao nhận Vận tải miền Trung (UPCoM: VMT) và CTCP Thương mại Phú Nhuận (UPCoM: PNG); Thành viên Ban Kiểm soát CTCP Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn (CHOLIMEX, UPCoM: CLX).

HĐQT Garmex nhiệm kỳ 2024-2029 hiện có 4 thành viên từ nhiệm kỳ cũ là ông Lê Văn Hùng (Chủ tịch HĐQT kiêm Thành viên HĐQT độc lập), ông Nguyễn Việt Cường, ông Bùi Minh Tuấn; ông Nguyễn Trần Anh Minh và 1 thành viên mới là bà Nguyễn Thị Diễm My, do CTCP Dệt may Gia định (Giditex) đề cử.

Ban Kiểm soát Garmex nhiệm kỳ 2024-2029 gồm ông Mai Thanh Tol, ông Từ Vĩ Trí và bà Trần Thị Thu Yến. Ông Từ Vĩ Trí được bầu làm Trưởng Ban Kiểm soát công ty từ ngày 02/07/2024.

Về kế hoạch trả thù lao năm 2024, Chủ tịch HĐQT Garmex dự kiến nhận 6 triệu đồng/tháng, Thành viên HĐQT nhận 5 triệu đồng/người/tháng. Ban Kiểm soát gồm Trưởng ban sẽ nhận 4 triệu đồng/tháng, trong khi Thành viên nhận 2.4 triệu đồng/người/tháng.

Khủng hoảng từ dịch Covid-19 hay do năng lực công ty?

Garmex Sài Gòn từng là công ty dệt may xuất khẩu hàng đầu tại thành phố Hồ Chí Minh với quy mô hàng ngàn lao động nhưng đã cắt giảm hơn 1.800 người và chỉ giữ lại 35 người vào cuối năm 2023 khi tiếp tục thua lỗ.

Đại diện Garmex chia sẻ: "Kế hoạch kinh doanh của công ty đang phụ thuộc nhiều vào hoạt động bán tài sản, ngành may mặc truyền thống đến nay vẫn chưa có đơn hàng".

Nếu việc thanh lý tài sản và thu hồi công nợ thuận lợi, Công ty có thể thu về khoảng 300 tỷ đồng.

Khi đó, kế hoạch lãi 50 tỷ đồng hoàn toàn thực hiện được. Hy vọng quý 3 và quý 4/2024 có thể thu được công nợ.

Cuộc khủng hoảng bắt đầu nhen nhóm từ năm 2020 do đại dịch COVID-19. GMC đã phải chuyển đổi nhanh 2 nhà máy Quảng Nam và Tân Mỹ sang gia công trong nước (mặt hàng tủ vải) thay thế đơn hàng FOB giảm. Giai đoạn 2020 - 2021, đơn hàng xuất khẩu của Công ty giảm lần lượt 22% và 47%.

Do năng suất thấp, giá gia công cạnh tranh, sự thay đổi của GMC không chống đỡ được bối cảnh nhu cầu giảm đột ngột từ nửa cuối năm 2022 và đơn hàng dệt may thu hẹp ở các thị trường chính.

Việc chuyển dịch của ngành dệt may không thể diễn ra một sớm một chiều. Nó vốn dĩ đã có những dự báo dài hạn về các xu hướng thay đổi mang tính toàn cầu, nhưng trên hết là sự chuẩn bị của chính doanh nghiệp trước những biến đổi.

Hệ quả, khi mọi thứ ập đến, Garmex thực sự suy sụp trong năm 2022. Lần đầu tiên trong lịch sử, GMC lỗ 85 tỷ đồng và mất mốc doanh thu ngàn tỷ được duy trì suốt 9 năm, do đơn hàng xuất khẩu giảm đến 93%, đơn hàng gia công cũng chững lại từ tháng 8.

Điều tồi tệ nhất xảy ra vào năm 2023, Garmex thậm chí không có đơn hàng, rơi gần hết doanh thu, còn vỏn vẹn 8 tỷ đồng và lỗ ròng 52 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo Garmex cho biết, chỉ giữ lại nhân sự kho của các nhà máy và một số nhân viên nghiệp vụ gián tiếp để bảo quản số lượng hàng lưu kho.

Công ty chưa thể tuyển dụng lại lao động cho ngành truyền thống, còn việc đầu tư khôi phục ngành may hay không tùy thuộc vào tình hình thị trường.

Hơn cả một cuộc chiến sinh tồn, Garmex buộc phải chuyển nhượng, bán tài sản không sử dụng để vượt qua khó khăn. Nhìn từ năm 2020 đến nay, khối tài sản của Garmex vơi đi thấy rõ.

Cuối năm 2023, tổng tài sản của Garmex chỉ còn hơn 419 tỷ đồng, giảm hơn 1/5 so với 1 năm trước và thu hẹp hơn 66% so với năm đỉnh cao của khối tài sản (năm 2020). Trong đó, chiếm phần lớn là tài sản cố định khoảng 153 tỷ đồng, hàng tồn kho 94 tỷ đồng. Đáng chú ý, tiền và tiền gửi giảm mạnh từ 206 tỷ đồng xuống 92 tỷ đồng.

Theo chủ trương của Đại hội đồng cổ đông bất thường vào cuối tháng 9/2023, Garmex đã bán thanh lý một số máy móc, thiết bị hư hỏng theo hình thức chào giá cạnh tranh.

Hiện, Garmex đang tiếp tục thanh lý máy móc, thiết bị, dụng cụ nhà ăn không sử dụng.

Nguyễn Thành Nhân/ Người Đưa Tin