Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Thêm loạt nhà băng tăng lãi suất huy động, dư nợ tín dụng tăng trưởng trở lại

Từ đầu tháng 5 đến nay, thêm loạt nhà băng tăng lãi suất huy động, đặc biệt có ngân hàng tăng lần thứ 3. Dấu hiệu tín dụng ngân hàng bắt đầu “chảy mạnh” trở lại.

Thêm loạt ngân hàng tăng lãi suất huy động

Cụ thể, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) tăng lãi suất huy động sáng nay công bố thay đổi lãi suất. Đây là lần tăng thứ 3 kể từ đầu tháng 5.

Tuy nhiên, qua 3 lần điều chỉnh, ABBank chỉ tập trung tăng lãi suất ở duy nhất kỳ hạn 6 tháng. Mức tăng mỗi lần là 0,1%/năm vào các ngày 15, 16 và 23/5.

Theo đó, lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 6 tháng mới nhất là 4,7%/năm. Đây cũng là mức lãi suất tiết kiệm cao nhất do ngân hàng này công bố.

Lãi suất huy động trực tuyến các kỳ hạn còn lại vẫn được giữ nguyên, 1-2 tháng là 2,9%/năm, 3-5 tháng 3%/năm, và kỳ hạn 7-60 tháng đồng loạt niêm yết ở mức lãi suất duy nhất 4,1%/năm.

ABBank cũng là ngân hàng duy nhất điều chỉnh lãi suất huy động trong sáng hôm nay.
Trước đó, ngày hôm qua cũng chỉ duy nhất Ngân hàng MB điều chỉnh lãi suất ở duy nhất kỳ hạn 12 tháng.

Trước ABBank, Ngân hàng VIB cũng đã có 3 lần tăng lãi suất huy động vào các ngày 4/5, 8/5 và 21/5.

Theo thống kê từ đầu tháng 5/2024 đã có loạt ngân hàng tăng lãi suất huy động gồm: ACB, VIB, GPBank, NCB, BVBank, Sacombank, CB, Bac A Bank, Techcombank, TPBank, PGBank, SeABank, Viet A Bank, ABBank, VPBank, HDBank, và MB.

Trong đó, VIB và ABBank là ngân hàng đầu tiên có 3 lần tăng lãi suất từ đầu tháng. Các ngân hàng CB, SeABank, ABBank là những ngân hàng đã có hai lần tăng lãi suất.

Ngược lại, VietBank là ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất huy động tại tất cả các kỳ hạn, trong khi MB giảm lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng, VIB giảm lãi suất huy động đối với kỳ hạn 24 và 36 tháng. Cả hai ngân hàng này cùng giảm 0,1 điểm phần trăm lãi suất, thấp hơn so với mức tăng lãi suất huy động của chính ngân hàng này.

Dư nợ tín dụng tăng trưởng trở lại

Tài chính - Ngân hàng - Thêm loạt nhà băng tăng lãi suất huy động, dư nợ tín dụng tăng trưởng trở lại

Tín dụng ngân hàng bắt đầu chảy mạnh trở lại.

Sau khi âm 2 tháng đầu năm 2024, tín dụng ngân hàng đã tăng trưởng dương trở lại trong tháng 3, song 3 tháng đầu năm đã tăng trưởng chậm lại đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối tháng 3/2024, tín dụng chỉ tăng 1,34%, trong khi cùng kỳ năm trước, mức tăng là gần 2,6%. Trước đó, tín dụng của nền kinh tế 2 tháng đầu năm giảm 0,72% so với cuối năm 2023 (trong đó tháng 1 giảm 0,6%, tháng 2 giảm 0,05%).

BIDV tiếp tục là quán quân về cho vay khách hàng, với quy mô hơn 1,79 triệu tỷ đồng tính đến hết quý I/2024, tăng 0,9% so với cuối năm ngoái. VietinBank đứng vị trí thứ hai về cho vay, với số dư 1,51 triệu tỷ đồng đến cuối quý I, tăng 2,8% so với đầu năm 2024. Vietcombank đứng thứ ba với dư nợ đạt gần 1,27 triệu tỷ đồng tính đến cuối quý I/2024, nhưng giảm 0,3% so với đầu năm.

Kế đến là MB với dư nợ cho vay đạt 615.000 tỷ đồng, tăng 0,7% trong quý đầu năm nay. Kết thúc quý I, tín dụng hợp nhất của VPBank tăng 2,1% so với đầu năm, cao hơn mức trung bình ngành, đạt gần 613.000 tỷ đồng. Tương tự, tăng trưởng tín dụng của Techcombank trong quý đầu năm đạt 6,4% so với đầu năm lên ngưỡng 563.900 tỷ đồng.

Ngoài ra, dư nợ tín dụng của ACB đạt 506.000 tỷ đồng, tăng 3,8% so với đầu năm nay; HDBank đạt 6,2%, nâng quy mô tổng dư nợ lên 375.385 tỷ đồng...

Năm 2024, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14 - 15%, ước tính khoảng 2 triệu tỷ đồng sẽ được đưa vào nền kinh tế. Có điều kiện để đẩy mạnh cho vay thay vì hạn chế room như các năm trước, các ngân hàng đang từng bước kích cầu vốn thông qua chương trình lãi suất ưu đãi cho cả khách hàng doanh nghiệp và cá nhân.

Cụ thể, mục tiêu tăng trưởng cho vay khách hàng năm 2024 của ACB là 14%, đạt 555.866 tỷ đồng. Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB cho biết, kết thúc quý I/2024, tín dụng của Ngân hàng cao hơn gần gấp đôi so với tăng trưởng tín dụng toàn ngành và tăng trưởng tích cực hơn so với các tháng trước đó. Với mức tăng trưởng này, ACB tự tin hoàn tất mục tiêu tăng trưởng tín dụng được NHNN cấp năm nay.

Năm 2024, VPBank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 25%, tương ứng dư nợ cấp tín dụng 752.104 tỷ đồng (mức tăng trưởng tín dụng trên còn phụ thuộc vào hạn mức của NHNN). Trong khi đó, theo kế hoạch năm 2024, tổng tín dụng của Techcombank tăng 16,2%, lên 616.061 tỷ đồng hoặc cao hơn, theo mức tín dụng NHNN cấp. Còn MB sẽ tăng trưởng tín dụng cao hơn so với mức 16% được giao.

Nhìn chung, các ngân hàng đều đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao trong năm 2024, kể cả với nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước. Cụ thể, BIDV đặt mục tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng theo giới hạn NHNN giao, dự kiến mức 14,04%, tương ứng gần 2 triệu tỷ đồng. Hạn mức tăng trưởng tín dụng của VietinBank được NHNN phê duyệt năm nay là 14% và Ngân hàng có thể đạt được con số này.

Vietcombank được giao hạn mức tăng trưởng tín dụng gần 16% trong năm nay. Nếu sử dụng hết hạn mức này, dư nợ tín dụng của Ngân hàng sẽ lên mức 1,48 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2024.

Năm 2024, tổng tài sản Sacombank dự kiến ở mức 724.100 tỷ đồng, tăng 10%, trong đó dư nợ tín dụng đạt 535.800 tỷ đồng, tăng 11% và sẽ được điều chỉnh phù hợp với hạn mức phân bổ... Cho vay khách hàng của Sacombank đến cuối quý I/2024 tăng 3,7%, lên 500.408 tỷ đồng.

Với HDBank, tổng dư nợ dự kiến đến cuối năm 2024 vượt 438.000 tỷ đồng, phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được NHNN giao và kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. Tại Saigonbank, tính đến cuối quý I/2024, tổng tài sản tăng nhẹ 1% so với đầu năm, lên 31.863 tỷ đồng; cho vay khách hàng giảm 1%. Saigonbank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng gần 13% trong năm nay.

Các nhà băng kỳ vọng, tín dụng dần cải thiện rõ nét ở các quý tới đây và đạt mục tiêu ngành đưa ra 14-15% trong năm nay khi mặt bằng lãi suất cho vay đang duy trì ở mức thấp. Tuy nhiên, theo PSG-TS. Nguyễn Hữu Huân (Trường Đại học Kinh tế TP.HCM), khả năng cao tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ không đạt 15%, chỉ đạt được 10-11%, do kinh tế đang phục hồi chậm. Đồng thời, nhu cầu vốn của khách hàng doanh nghiệp chưa cao, vì sức mua thị trường còn yếu, doanh nghiệp chưa mặn mà sử dụng vốn vay mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Khánh Linh (T/h)/ Người Đưa Tin