Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Theo quy định mới, trường hợp nào thì được thực hiện điều động nhà giáo?

Những trường hợp được điều động nhà giáo từ 1/1/2026 được quy định rõ tại Điều 17, Luật Nhà giáo.

anh-minh-hoa-giaoducnetvn-1753060472.jpg

Ảnh minh họa.

Luật Nhà giáo có hiệu lực từ 01/01/2026, với rất nhiều điểm mới kỳ vọng sẽ xác lập vị thế pháp lý đầy đủ cho nhà giáo, cả trong và ngoài công lập, và quy định các chính sách hỗ trợ, đãi ngộ, bảo vệ nhà giáo.

Trong phạm vi bài viết xin được nêu những điểm mới về tuyển dụng, điều động, biệt phái nhà giáo từ 01/01/2026.

Điều 17 Luật Nhà giáo 2025 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2026) quy định về việc điều động nhà giáo như sau:

1. Việc điều động nhà giáo được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Bố trí nhà giáo do sắp xếp lại cơ sở giáo dục hoặc giải quyết tình trạng thừa, thiếu nhà giáo;

b) Giải quyết chính sách đối với nhà giáo sau khi kết thúc thời gian được điều động đến công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

c) Hỗ trợ nâng cao chất lượng giảng dạy, giáo dục, quản lý của cơ sở giáo dục;

d) Theo yêu cầu, nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan quản lý giáo dục.

2. Nguyên tắc điều động nhà giáo được quy định như sau:

a) Nhà giáo được điều động phải đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm sẽ đảm nhận;

b) Công tác điều động nhà giáo phải được thực hiện công khai, minh bạch, khách quan, đúng quy định của pháp luật.

3. Các trường hợp không thực hiện điều động bao gồm:

a) Nhà giáo nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi; nhà giáo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; nhà giáo có vợ hoặc chồng đang được điều động, biệt phái hoặc cử làm nhiệm vụ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Việc điều động nhà giáo vẫn thực hiện đối với đối tượng quy định tại điểm này nếu nhà giáo có nguyện vọng được điều động;

b) Nhà giáo thuộc trường hợp chưa thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng và quy định khác của pháp luật có liên quan.

4. Chính phủ quy định chi tiết về thẩm quyền, đối tượng điều động nhà giáo; quy định việc bảo lưu chế độ, chính sách trong điều động nhà giáo.

Như vậy, từ ngày 1/1/2026, việc điều động nhà giáo được thực hiện theo quy định nêu trên.

Mới đây, ngày 17/7, Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo tham vấn chuyên môn về một số nội dung hướng dẫn thi hành luật Nhà giáo, chính sách cho nhà giáo.

Theo báo Thanh niên, tại hội thảo, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý (Bộ GD-ĐT), nêu 5 điểm nổi bật đáng chú ý trong quy định tại luật Nhà giáo. Thứ nhất, khẳng định vị thế, bảo vệ danh dự và uy tín nghề giáo. Nhà giáo là những "viên chức đặc biệt" và "người lao động đặc biệt" được bảo đảm các quyền trong hoạt động nghề nghiệp tương xứng với vị thế của mình.

Thứ hai, luật Nhà giáo quy định "lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp" và giao Chính phủ quy định chi tiết về chính sách tiền lương đối với nhà giáo. Ngoài ra, nhà giáo còn được hưởng thêm các khoản phụ cấp đặc thù, trách nhiệm, ưu đãi, trợ cấp vùng khó khăn, trợ cấp giáo dục hòa nhập, thâm niên, lưu động…, góp phần nâng cao thu nhập toàn diện.

Thứ ba, quy định một số chính sách đãi ngộ, hỗ trợ, thu hút tốt hơn đối với nhà giáo. Cụ thể, luật Nhà giáo quy định tất cả nhà giáo, cả công lập và ngoài công lập được hưởng chế độ trợ cấp theo tính chất công việc, theo vùng; chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng; chế độ hỗ trợ chăm sóc sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp; được bố trí nhà ở công vụ hoặc chỗ ở tập thể hoặc hỗ trợ tiền thuê nhà khi công tác ở vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời, có chính sách thu hút, trọng dụng đối với người có trình độ cao, có tài năng, có năng khiếu đặc biệt, có kỹ năng nghề cao; đến làm việc tại vùng đặc biệt khó khăn; nhà giáo trong một số lĩnh vực trọng yếu, thiết yếu…

Thứ tư, chuẩn hóa và phát triển đội ngũ, nâng cao chất lượng giáo dục bằng việc hợp nhất hai hệ thống tiêu chuẩn (chức danh nghề nghiệp và chuẩn nghề nghiệp) thành một hệ thống chung là chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, áp dụng thống nhất cho cả nhà giáo công lập và ngoài công lập. Chuẩn nghề nghiệp nhà giáo được sử dụng trong tuyển dụng, bố trí, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng đối với nhà giáo; xây dựng và thực hiện chính sách phát triển đội ngũ nhà giáo.

Theo ông Đức, quy định này để bảo đảm chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập, bảo đảm mặt bằng chung về chất lượng đội ngũ, tạo cơ hội như nhau cho sự thăng tiến, phát triển nghề nghiệp của nhà giáo ở tất cả loại hình cơ sở giáo dục.

Thứ năm là việc tăng quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục và giao quyền chủ động cho ngành giáo dục. Người đứng đầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, cơ sở giáo dục ĐH công lập không phân biệt mức độ được giao quyền tự chủ, đều có quyền chủ động trong công tác tuyển dụng nhà giáo. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định về thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên. Chính phủ quy định chi tiết về thẩm quyền điều động nhà giáo bảo đảm vai trò của ngành giáo dục trong việc chủ động điều tiết nhà giáo giữa các cơ sở giáo dục.

Thông tin trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, các quy định mới về tuyển dụng nhà giáo từ 01/01/2026

Tại Điều 14. Tuyển dụng nhà giáo

1. Nội dung và phương thức tuyển dụng nhà giáo được quy định như sau:

a) Nội dung tuyển dụng căn cứ vào chuẩn nghề nghiệp nhà giáo;

b) Phương thức tuyển dụng thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển, trong đó phải có thực hành sư phạm.

Điểm mới là việc tuyển dụng nhà giáo là bắt buộc phải có thực hành sư phạm. Việc tuyển dụng nhà giáo bắt buộc thực hành sư phạm có nghĩa là trong quá trình tuyển dụng, bên cạnh việc xét tuyển hoặc thi tuyển, ứng viên phải tham gia vào các hoạt động thực tế, mô phỏng việc giảng dạy, để thể hiện năng lực và kỹ năng sư phạm của mình. Điều này giúp đánh giá khả năng ứng dụng kiến thức vào thực tế, khả năng truyền đạt, tương tác với học sinh, và quản lý lớp học, những yếu tố quan trọng của một nhà giáo giỏi. Việc thực hành có thể gồm các nội dung soạn kế hoạch bài dạy, đứng lớp, xử lý tình huống,…

2. Thẩm quyền tuyển dụng được quy định như sau:

a) Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập, việc tuyển dụng nhà giáo do người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện;

b) Đối với cơ sở giáo dục ngoài công lập, việc tuyển dụng nhà giáo do người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục;

c) Đối với trường của lực lượng vũ trang nhân dân, thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an;

d) Đối với cơ sở giáo dục không thuộc quy định tại các điểm a, b và c khoản này, thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Như vậy, đối với giáo viên mầm non, phổ thông việc tuyển dụng sẽ theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đang dự thảo các quy định về thẩm quyền tuyển dụng, sử dụng và quản lý giáo viên mầm non, địa phương để lấy ý kiến trước khi ban hành chính thức.

3. Đối tượng được ưu tiên trong tuyển dụng bao gồm:

a) Người đã làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục tại vị trí việc làm phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng;

b) Đối với giáo dục nghề nghiệp, ưu tiên người có kỹ năng nghề cao, có kinh nghiệm trong thực tế sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phù hợp với ngành, nghề giảng dạy;

c) Trường hợp ưu tiên tuyển dụng khác theo quy định của pháp luật.

4. Những người không được đăng ký tuyển dụng bao gồm:

a) Người mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;

b) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành bản án, quyết định về hình sự của Tòa án; đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc;

c) Người đã có tiền án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người theo quy định của Bộ luật Hình sự.

5. Hợp đồng đối với nhà giáo bao gồm hợp đồng làm việc thực hiện theo quy định của pháp luật về viên chức và hợp đồng lao động thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.

6. Chính phủ quy định chi tiết khoản 1, điểm a và điểm b khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều này; quy định điều kiện, trình tự, thủ tục tuyển dụng nhà giáo là người nước ngoài.

Nhật Hạ (t/h)