Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Thương binh nặng làm giàu trên đất ô nhiễm do bom mìn

Vượt qua khó khăn bệnh tật, ông Lê Văn Tuy (Quảng Bình) đã trồng rừng, chăn nuôi làm giàu trên mảnh đất bom đạn, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động.

Anh hùng thời chiến

Ông Lê Văn Tuy sinh năm 1950 ở thôn Lệ Kỳ, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1970, ông nhập ngũ.

Tháng 2/1971, bước vào trận chiến đấu ở khu vực cầu Ka-Ky (nam Lào), chiến sỹ Lê Văn Tuy bị thương lần thứ nhất, được chuyển về bệnh xá điều trị 3 tháng. Đến tháng 8/1971, sức khỏe đã ổn định, Lê Văn Tuy trở lại đơn vị chiến đấu. Lần này, thay vì phải đóng quân ở nam Lào, đơn vị ông di chuyển về đường 9 ở Quảng Trị đóng chốt.

Tháng 3/1972, trong trận chiến đấu ở đường 9 Quảng Trị, Lê Văn Tuy trúng đạn của địch bị thương nặng, phải chuyển ra Quảng Bình để điều trị.
“Trong lần điều trị thương lần 2, bố tôi nghĩ tôi sẽ quay lại chiến trường tiếp và sợ hy sinh nên ông đã bắt tôi lập gia đình. Tôi trước đó quen một người cùng địa phương, hiện làm thanh niên xung phong ở Cam Lộ (Quảng Trị), nên năm đó chúng tôi cưới nhau. Cưới xong được 5 ngày, tôi trở lại đơn vị cũ để chiến đấu thì Hiệp định Pari được ký hết. Đơn vị tôi tiếp tục hành quân sang Lào. Tháng 6/1974, sức khỏe của tôi yếu, nên đơn vị cho đi ra Miền Bắc an dưỡng, rồi ra quân luôn” - ông Tuy kể lại với Tạp chí điện tử Hòa nhập.

Rời quân ngũ, với tỉ lệ thương tật 61%, vợ chồng ông về quê nhà sinh sống và sinh con đầu lòng. Nhưng làng Lệ Kỳ đất đai ít không đủ để chia cho dân trồng khoai, trồng sắn nên ông đã đưa gia đình lên vùng gò đồi nhiễm bom mìn ven rừng khai hoang phục hóa lập nghiệp.

Vươn lên làm giàu

Dù cuộc sống những năm đó hết sức khó khăn nhưng với ý chí và nghị lực của người lính, ông Tuy - bà Khương quyết tâm thoát nghèo. Từ năm 1990, nhà nước có chủ trương khai phá đồi hoang, trồng rừng phủ xanh đồi trọc, phát triển kinh tế hộ gia đình nhằm xóa đói giảm nghèo.

Theo Báo Người lao động, năm 1992, Ban Dự án 327 tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ cây giống, vợ chồng ông Tuy nhận đất trồng rừng. Lấy ngắn nuôi dài, khi cây còn nhỏ, họ trồng xen hoa màu lấy sản phẩm chế biến phục vụ chăn nuôi. Năm 2004, ông bà vay vốn ngân hàng nuôi gà rừng nhưng vì loài này quen sống hoang dã, không thích ứng với nuôi nhốt nên chết gần hết.

infonet-2-1-1731036032.jpg
Năm 2009, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thăm gia đình thương binh sản xuất giỏi Lê Văn Tuy. Ảnh: Tạp chí điện tử Hòa nhập

Không nản chí, năm 2005, ông bà tiếp tục vay vốn ngân hàng, vay Quỹ Tình thương đồng đội nuôi gà công nghiệp. Gia đình đầu tư nuôi 6 trại với khoảng 12.000 con. Do thời tiết không thuận lợi, kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi hạn chế, vốn đầu tư ít nên đàn gà chậm lớn, chết dần, ông bà phải bán tháo lấy lại ít vốn.

Bỏ nuôi gà, ông bà tập trung đầu tư trồng rừng, thuê thêm nhân công phát đồi trọc, ươm giống. Họ học thêm kỹ thuật chăm sóc, tiếp tục mở mang diện tích trồng thông, cao su… Đến nay, ông bà đã trồng và sở hữu 70 ha rừng keo lai; 30 ha cây công nghiệp, cao su và thông; 10 ha rừng phòng hộ ven biển. Hằng năm trừ chi phí, ông bà lãi trên 600 triệu đồng.

infonet-1-1-1731034520.jpg
Ông Lê Văn Tuy bên vườn cây cao su bắt đầu cho khai thác mủ. Ảnh: Tạp chí điện tử Hòa nhập

Giúp đỡ người nghèo

Ngoài làm giàu cho gia đình, ông Lê Văn Tuy còn giúp đỡ các gia đình khác ở địa phương trong phát triển kinh tế trang trại. Đối với những hộ khó khăn, không có tiền mua giống, ông cho vay vốn không tính lãi. Ông Tuy còn tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động và 40-50 lao động mùa vụ.

Từ hai bàn tay trắng dắt díu vợ con lên vùng kinh tế mới, giờ đây thương binh Lê Văn Tuy đã có trong tay hàng tỷ đồng. Cách làm giàu của ông được nhiều người trong và ngoài tỉnh Quảng Bình đến tham quan và học tập. Có của ăn của để, ông còn đóng góp hàng trăm triệu đồng, ủng hộ người nghèo, trẻ em hoàn cảnh khó khăn thông qua Quỹ khuyến học của xã, của huyện. Nhiều năm liền, ông Lê Văn Tuy được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh Quảng Bình tặng Bằng khen.