Công ty cổ phần Điện gió Phong Liệu được biết là doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái của Công ty cổ phần Long Việt (hay còn gọi là Lovico Group) do doanh nhân Võ Duy Tấn đứng đầu.
Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị vừa có công văn gửi các đơn vị liên quan, đề nghị tham gia ý kiến đối với đề xuất Dự án Sân tập golf và Khu dân cư Nam Đông Hà, tỉnh Quảng Trị của Công ty cổ phần Điện gió Phong Liệu đề xuất khảo sát, nghiên cứu lập dự án đầu tư Khu phức hợp thương mại dịch vụ, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, sân golf tại thành phố Đông Hà.
Để có cơ sở báo cáo UBND tỉnh Quảng Trị, đồng thời hướng dẫn nhà đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị đề nghị các đơn vị liên quan tham gia ý kiến về sự cần thiết đầu tư dự án và các nội dung sơ bộ liên quan đến ngành, lĩnh vực phụ trách theo quy định. Văn bản tham gia ý kiến gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư chậm nhất trước ngày 30/7/2024.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị cho biết, trước đó Công ty Cổ phần điện gió Phong Liệu đã có Văn bản số 280/CV-PLWP ngày 06/06/2024 đề xuất khảo sát, nghiên cứu lập dự án đầu tư Khu phức hợp thương mại dịch vụ, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, sân golf tại thành phố Đông Hà. UBND tỉnh Quảng Trị giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh trước ngày 10/8/2024.
Hệ sinh thái của đại gia kín tiếng Võ Duy Tấn
Công ty CP Điện gió Phong Liệu nằm trong hệ sinh thái (gồm 8 công ty gồm: Công ty CP Thuỷ điện ĐaKrông; Công ty CP điện gió Phong Liệu; Công ty CP Alata; Công ty CP đầu tư Mai Phong; Công ty CP đầu tư Mai Liệu; Công ty CP đầu tư thương mại Huy Hoàng; Công ty CP điện gió Phong Huy; Công ty CP điện gió Phong Nguyên) thuộc Công ty Cổ phần Long Việt (hay còn gọi là Lovico Group) do doanh nhân Võ Duy Tấn đứng đầu.
Điện gió Phong Liệu được thành lập vào tháng 8/2019, trụ sở tại thôn Xa Lăng, xã Đakrông, huyện Đa Krông, tỉnh Quảng Trị. Vốn điều lệ ban đầu là 310 tỷ đồng, trong đó, Công ty CP Đầu tư Mai Phong nắm giữ 99% vốn, hai cổ đông còn lại gồm: bà Lê Thị Ái Loan (0,5%) và Công ty CP Thuỷ điện Đakrông (0,5%).
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc và người đại diện theo pháp luật là ông Võ Duy Tấn, sinh năm 1959, hộ khẩu thường trú tại phường Thạch Thang, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng.
Công ty CP Phong Liệu hoạt động chính trong lĩnh vực Sản xuất điện. Quá trình phát triển của Phong Liệu có nhiều thay đổi về lĩnh vực đăng ký kinh doanh. Đặc biệt, vào giữa tháng 6/2020, Phong Liệu nâng vốn điều lệ từ 310 tỷ đồng lên mức 352 tỷ đồng. Cổ đông lúc này bao gồm: Công ty cổ phần Long Việt (40% cổ phần), Công ty CP Thương mại Đầu tư Huy Hoàng (20% cổ phần), Công ty CP Thủy điện Đakrông (10% cổ phần), ông Võ Duy Tấn - bà Lê Thị Ái Loan (30% cổ phần).
Đáng chú ý trong lần thay đổi này, nhóm cá nhân và pháp nhân của Công ty CP Phong Liệu nêu trên đều có liên quan mật thiết tới Công ty cổ phần Long Việt (Lovico Group).
Công ty cổ phần Long Việt tiền thân là Công ty Xây lắp Nội thương Đà Nẵng được thành lập năm 1975 theo quyết định thành lập của Bộ Nội Thương, nay là Bộ Công Thương. Lovico Group được cổ phần hoá vào năm 2004. Chủ tịch HĐQT là ông Võ Duy Tấn - một doanh nhân có tiếng tại Đà Nẵng.
Tháng 10/2020, doanh nghiệp này có vốn điều lệ 430 tỷ đồng, hoạt động đa ngành trong các lĩnh vực xây dựng, năng lượng, bất động sản.
Hệ sinh thái của Lovico Group bao gồm 8 công ty liên kết và hợp tác, trong đó các thành viên lõi có thể kể đến là Công ty CP Thủy điện Đa Krông hay Công ty CP Thương mại Đầu tư Huy Hoàng- những pháp nhân thường xuyên đồng hành với Lovico Group trong các dự án năng lượng.
Thủy điện ĐaKrông được thành lập năm 2007, có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, là chủ đầu tư của hàng loạt dự án thủy điện nghìn tỷ như: Nhà máy thủy điện Đồng Văn (vốn 1.100 tỷ đồng); Dự án thủy điện Trà Khúc- Quảng Ngãi (vốn 1.120 tỷ đồng); Thuỷ điện Đắk Ba (vốn 690 tỷ đồng),...
Thủy điện ĐaKrông cũng hoạt động năng nổ trong mảng năng lượng tái tạo thời gian gần đây. Doanh nghiệp này từng giới thiệu là chủ đầu tư dự án Điện gió Hướng Linh - Hướng Phùng tại Quảng Trị có công suất 112,5MW, tổng vốn đầu tư lên tới 5.159 tỷ đồng và dự án điện mặt trời Buôn Choah tại Đăk Nông có công suất 125MW, tổng vốn đầu tư 3.926 tỷ đồng.
Vốn điều lệ của doanh nghiệp là 600 tỷ đồng, trong đó Thương mại Đầu tư Huy Hoàng nắm 50,9%, ông Võ Duy Tấn (4,3%), ông Đỗ Thành Vinh (0,083%) và bà Lê Thị Ái Loan (40,7%).
Về Công ty CP đầu tư Huy Hoàng, doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 7/2008, trụ sở tại TP.HCM, với vốn điều lệ 1.440 tỷ đồng và thuộc về gia đình doanh nhân Võ Duy Tấn.
Vị đại gia sinh năm 1959 này cùng ba cá nhân cùng địa chỉ thường trú là bà Lê Thị Ái Loan, ông Võ Duy Tấn Huy (sinh năm 1985) và Võ Duy Tấn Hoàng (sinh năm 1991) thời gian qua hoạt động rất tích cực trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Tổng mức đầu tư các dự án năng lượng mà gia đình doanh nhân Đà Nẵng đã và đang tham gia lên tới hơn 17.000 tỷ đồng.
Mặc dù sở hữu nhiều dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn nhưng kết quả kinh doanh của tập đoàn Lovico cũng như một số thành viên cốt lõi lại không thực sự nổi bật.
Từ năm 2016 - 2019, doanh thu của Lovico đạt đỉnh với 316,1 tỷ đồng (năm 2017), tuy nhiên giảm nhanh 2 năm sau đó, về còn 124,1 tỷ đồng năm 2019. Lỗ sau thuế 17,8 tỷ đồng năm 2019, dù 2 năm trước đó đều báo lãi. Tính tới cuối năm 2019, tổng tài sản của Lovico ở mức gần 684 tỷ đồng.
Doanh thu của Thuỷ điện Đakrông có xu hướng tăng lên nhưng năm 2019 vẫn báo lỗ sau thuế 10,8 tỷ, giảm mạnh so với khoản lãi 2 con số các năm 2017-2018. Tổng tài sản đạt 1.751,5 tỷ đồng (năm 2019).
Ngược lại, Công ty CP Đầu tư Huy Hoàng là thành viên tích cực hơn cả trong hệ sinh thái của đại gia Võ Duy Tấn khi lãi sau thuế 21,3 tỷ đồng năm 2019, dù 3 năm trước lỗ nhẹ...