Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Tin tức pháp luật mới nhất ngày 15/12: Truy bắt nhanh hai tên cướp tiệm vàng; khởi tố loạt cán bộ bệnh viện trục lợi bảo hiểm

Tin tức pháp luật mới nhất ngày 15/12 trên trang Góc nhìn Pháp lý.

8 giờ truy bắt hai đối tượng dùng búa cướp tiệm vàng

Ngày 14/12, Công an tỉnh Tiền Giang đang tạm giữ 2 nghi phạm gồm: Nguyễn Quốc Thành Nhân và Đặng Phạm Quốc Khánh, đều 18 tuổi, ở TP. Mỹ Tho, để điều tra về hành vi “Cướp tài sản”.

Thông tin ban đầu, vào khoảng 13 giờ ngày 13/12, một đối tượng nam, mặc áo khoác, đội mũ bảo hiểm bất ngờ xông vào tiệm vàng Kim Quang (khu phố 1, phường 10, Tp. Mỹ Tho), dùng búa đập vào tủ kính lấy đi 8 sợi dây chuyền vàng 18k ước khoảng 3 lượng.

Sau đó, đối tượng bỏ chạy ra ngoài đường và leo lên xe mô tô của đồng bọn chờ sẵn để tẩu thoát. Khi bỏ chạy đối tượng làm rớt lại trên vỉa hè 2 sợi dây chuyền vàng.

t1-1734198486.jpg
Đối tượng Đặng Phạm Quốc Khánh và Nguyễn Quốc Thành Nhân. Ảnh: Kinh tế & Đô thị.

Đến 20 giờ 50 phút ngày 13/12, sau gần 8 giờ điều tra truy xét, lực lượng chức năng đã bắt giữ được Nguyễn Quốc Thành Nhân – một trong hai đối tượng cướp tiệm vàng.

Đến 22 giờ cùng ngày, đối tượng còn lại - Đặng Phạm Quốc Khánh, cũng bị bắt giữ tại xã Mỹ Phong (Tp. Mỹ Tho).

Khám xét nơi ở của Nguyễn Quốc Thành Nhân tại khu phố 4 (phường 2, TP. Mỹ Tho), cơ quan chức năng thu giữ 5 sợi dây chuyền trọng lượng 27 chỉ vàng 18K và 4.500.000 đồng do các đối tượng bán dây chuyền có được; đồng thời thu giữ các vật chứng có liên quan như xe mô tô, búa, áo khoác...

Hiện Công an Tp. Mỹ Tho đang tạm giữ các đối tượng để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Khởi tố 16 đối tượng, trong đó có 7 cán bộ bệnh viện

Liên quan đến đường dây trục lợi bảo hiểm quy mô lớn, ngày 14/12, Công an huyện Như Xuân (tỉnh Thanh Hóa) đã khởi tố đã khởi tố bị can đối với 16 đối tượng về các tội Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm, Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong đó có 7 đối tượng là cán bộ bệnh viện đa khoa trên địa bàn thành phố Thanh Hóa, thị xã Nghi Sơn và các huyện Hoằng Hóa, Như Xuân, Thường Xuân.

Theo điều tra, cầm đầu đường dây trục lợi bảo hiểm này là Nguyễn Thị Ngân (SN 1987, trú huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) và Nguyễn Thị Loan (SN 1990, trú huyện Quảng Xương, Thanh Hóa).

t4-1734198487.PNG
2 đối tượng cầm đầu đường dây trục lợi bảo hiểm: Nguyễn Thị Ngân (trái) và Nguyễn Thị Loan

Hai đối tượng này cũng là đại diện 2 đại lý chính của Công ty TNHH Manulife Việt Nam, Chi nhánh Thanh Hóa.

Chỉ tính từ năm 2021 đến năm 2023, 2 đối tượng này đã câu kết với nhiều đại lý và cán bộ của các bệnh viện trong tỉnh để lập khống hồ sơ bệnh án chữa bệnh, trục lợi bảo hiểm, gây thiệt hại cho Công ty TNHH Manulife Việt Nam Chi nhánh Thanh Hóa gần 1 tỷ đồng.

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo “giúp lấy lại tiền trong vụ Mr. Pips”

Vụ án lừa đảo đầu tư tài chính trên không gian mạng do Phó Đức Nam - Mr. Pips và Lê Khắc Ngọ - Mr Hunter cầm đầu đã gây chấn động dư luận. Tổng số tiền bị phong tỏa lên đến 5.200 đồng, cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố 31 bị can, đồng thời xác định có 2.661 bị hại.

Lợi dụng vào tâm lý mong muốn lấy lại được tiền bị lừa đảo, gần đây trên mạng xã hội xuất hiện nhiều tài khoản có dấu hiệu lừa đảo, mời gọi hỗ trợ lấy lại tiền cho bị hại trong vụ án của Mr. Pips.

Đơn cử, tài khoản có tên “Công ty tiếp nhận thu hồi vốn hiệu quả” đăng tải video về vụ việc của Mr. Pips kèm nội dung cam kết: “Hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo của Mr. Pips Phó Đức Nam! Bạn bị lừa mà không biết cách để lấy lại, chúng tôi chuyên tư vấn và hỗ trợ giải quyết nhanh. Nhận xử lý hồ sơ, lấy lại trên 70% số tiền bị lừa của quý khách. Lưu ý, chi phí hợp lý, thanh toán sau”. Cùng với đó là đường link dẫn tới tài khoản của người được cho là “nhân viên pháp lý” sẽ hỗ trợ.

t3-1734198487.jpeg
 

Thực tế, đây không phải thủ đoạn lừa đảo mới xuất hiện. Các đối tượng tạo lập các tài khoản, fanpage, website giả mạo các cơ quan chức năng như Bộ Công an, công ty luật, văn phòng luật sư để quảng bá các dịch vụ như: "tiếp nhận hồ sơ", "hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa", "thu hồi tiền bị chiếm đoạt", "thu hồi tiền trên sàn thương mại điện tử", "thu hồi tiền không cần đặt cọc"... và cam kết chỉ thu phí sau khi người dân đã nhận lại số tiền bị lừa.

Mục đích của các đối tượng này là tiếp cận những người đã từng là nạn nhân của các vụ lừa đảo, lợi dụng tâm lý muốn lấy lại tài sản đã mất của họ, tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo lần hai.

Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của Bộ Công an khuyến cáo người dân, đặc biệt là những ai đã từng là nạn nhân của các vụ lừa đảo trên không gian mạng, cần lưu ý tuyệt đối không liên hệ với các website, fanpage, tài khoản mạng xã hội quảng cáo các dịch vụ như "tiếp nhận hồ sơ", "hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa", "thu hồi tiền bị chiếm đoạt"... Không chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo dưới bất kỳ hình thức nào để tránh bị thiệt hại thêm.

 

Trần Giang (t/h)