Bầu cử tiểu bang ở Đức
Kết quả các cuộc bầu cử cấp tiểu bang ở Thuringia và Saxony giáng một đòn nặng nề vào các đảng trong chính phủ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, và "chiến thắng lịch sử" của Đảng cực hữu AfD có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn trong liên minh cầm quyền vốn đang có nhiều rạn nứt.
Chỉ còn một năm nữa là đến cuộc bầu cử quốc gia tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu, kết quả của vòng bỏ phiếu hôm 1/9 có vẻ sẽ làm tăng áp lực buộc ông Scholz phải cứng rắn hơn về vấn đề nhập cư và làm nóng hơn cuộc tranh luận về việc ủng hộ Ukraine như những vấn đề chi phối chiến dịch tranh cử.
Tình hình ở Đức cũng có thể làm phức tạp thêm chính sách của châu Âu, trong bối cảnh nước láng giềng Pháp vẫn đang vật lộn để thành lập chính phủ sau cuộc bầu cử lập pháp sớm hồi tháng 7.
Xung đột Nga-Ukraine
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong bài phát biểu tối hôm 1/9 cho biết, ông đã ký một số quyết định mới liên quan đến việc áp đặt lệnh trừng phạt đối với gần 150 pháp nhân và cá nhân có liên quan đến cơ sở hạ tầng hàng không của Nga.
Ông Zelensky cũng cho biết, ông đã ký một gói lệnh trừng phạt khác đối với những người Ukraine ủng hộ Nga và bị chính quyền Ukraine dán nhãn là "những kẻ cộng tác".
Các gói lệnh trừng phạt mới vẫn chưa được đăng trên trang web của Tổng thống Ukraine. Sắc lệnh Tổng thống gần đây nhất được đăng trên trang web của ông Zelensky là sắc lệnh ngày 30/8 về bãi nhiệm Chỉ huy Không quân Ukraine Nikolay Oleshchuk sau vụ rơi máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất và được các đồng minh phương Tây chuyển giao cho Ukraine.
Trong ngày 1/9, một cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga vào thành phố Kharkiv ở Đông Bắc Ukraine đã khiến ít nhất 47 người, bao gồm 5 trẻ em, bị thương, các quan chức của Kiev cho biết.
Trước đó trong ngày, Nga cho biết, Ukraine đã tiến hành một trong những cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) lớn nhất kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt bắt đầu, nhắm vào các nhà máy điện và một nhà máy lọc dầu, trong khi các lực lượng của Moscow tiếp tục giành được nhiều thắng lợi hơn nữa về phía một thị trấn quan trọng ở miền Đông Ukraine.
Cuộc tấn công ở Kharkiv đã thúc đẩy ông Zelensky tiếp tục kêu gọi các đồng minh cho phép Ukraine sử dụng tên lửa do phương Tây cung cấp để tấn công sâu hơn vào lãnh thổ của đối phương và giảm mối đe dọa quân sự do Nga gây ra.
Cuộc tấn công của Ukraine vào vùng Kursk của Nga đã sắp tròn một tháng. Bộ Quốc phòng Nga hôm 1/9 cho biết, 158 máy bay không người lái đã bị các hệ thống phòng không của nước này phá hủy. Bộ này cho biết trên Telegram rằng số lượng máy bay không người lái bị bắn hạ nhiều nhất - 122 chiếc - đã bị bắn hạ ở các khu vực Kursk, Bryansk, Voronezh và Belgorod, giáp biên giới với Ukraine.
Sáng sớm hôm 1/9, có báo cáo về những tiếng nổ lớn gần nhà máy điện Konakovo ở vùng Tver của Nga, theo kênh tin tức Baza Telegram được cho là có quan hệ gần gũi với các cơ quan an ninh Nga.
Theo ông Igor Rudenya, Thống đốc vùng Tver, 5 máy bay không người lái đã bị phá hủy trên bầu trời khu vực nhưng không có thông tin về thiệt hại có thể xảy ra tại đây.
Ngoài ra, một máy bay không người lái do Ukraine phóng đã bị phá hủy gần nhà máy lọc dầu Moscow, Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin cho biết. Ông cho biết không có thiệt hại hoặc mối đe dọa nào đối với quy trình sản xuất của nhà máy lọc dầu. Nhà máy lọc dầu này thuộc sở hữu của Gazprom Neft, chi nhánh dầu mỏ của tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga.
Ukraine cũng được cho là đã cố gắng tấn công nhà máy điện Kashira ở vùng Moscow bằng 3 máy bay không người lái.
Biểu tình ở Israel
Các cuộc biểu tình lớn đã nổ ra ở Israel vào đêm 1/9 (giờ địa phương) sau khi 6 con tin nữa được tìm thấy đã chết ở Gaza. Đám đông lớn tụ tập ở Tel Aviv và bên ngoài văn phòng của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Jerusalem, yêu cầu chính phủ đạt được lệnh ngừng bắn với Hamas để đưa những con tin còn lại về nhà.
Làn sóng biểu tình dường như là cuộc biểu tình lớn nhất trong 11 tháng chiến tranh và những người biểu tình cho biết họ cảm thấy đây có thể là một bước ngoặt, mặc dù đất nước đang bị chia rẽ sâu sắc.
Trước đó, hôm 31/8, quân đội Israel đã tìm thấy thi thể của 6 con tin người Israel trong một đường hầm ngầm gần thành phố Rafah ở phía Nam Dải Gaza. Hamas tuyên bố rằng những con tin này đã chết trong cuộc ném bom của Israel, nhưng Bộ Y tế Israel cho biết kết quả giám định pháp y cho thấy 6 người này đã bị bắn chết ở cự ly gần 2-3 ngày trước khi khám nghiệm, tức vào ngày 29-30/8.
Để gia tăng sức ép buộc chính phủ ông Netanyahu phải đạt được thỏa thuận trả lại các con tin Israel vẫn bị Hamas giam giữ ở Gaza, liên đoàn lao động Histadrut – đại diện cho khoảng 800.000 công nhân trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, giao thông vận tải và ngân hàng – đã kêu gọi tổng đình công vào ngày 2/9.
Người đứng đầu Histadrut, Arnon Bar-David, cho biết hiện tại, cuộc đình công sẽ chỉ diễn ra trong một ngày đã định nhưng ông chỉ trích gay gắt chính phủ của ông Netanyahu vì đã không đưa được con tin trở về. Hàng chục thi thể con tin đã được đưa trở về Israel trong tuần qua. Khoảng 101 người vẫn còn ở đó, mặc dù Israel tin rằng một phần ba trong số họ không còn sống nữa.
Trong khi đó, lãnh đạo phe đối lập Israel Yair Lapid cũng kêu gọi đình công để đóng cửa nền kinh tế nhằm gây sức ép buộc chính phủ đạt được thỏa thuận thả những con tin còn lại ở Dải Gaza. Ông Lapid, cựu Thủ tướng Israel, kêu gọi mọi người tham gia một cuộc biểu tình lớn ở Tel Aviv vào cuối ngày. Ông cũng kêu gọi công đoàn lao động chính của Israel, các doanh nghiệp và thành phố đình công.
Bất chấp áp lực, không có dấu hiệu nào cho thấy Thủ tướng Netanyahu sẵn sàng thay đổi hướng đi. "Những kẻ hạ sát con tin không muốn có thỏa thuận", ông nói trong một tuyên bố.
Một cuộc họp Nội các An ninh đã kết thúc vào tối 1/9 mà không có hành động nào đối với đề xuất của Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant về việc từ bỏ yêu cầu của ông Netanyahu rằng quân đội Israel vẫn ở hành lang Philadelphi giữa Gaza và Ai Cập – một điểm bế tắc quan trọng trong các cuộc đàm phán với Hamas, 2 quan chức nói với Bloomberg.