
Theo Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều cơ sở giáo dục đã đăng tải dự thảo Nghị định về chính sách tiền lương, chế độ phụ cấp, chính sách hỗ trợ, thu hút đối với nhà giáo.
Dự thảo quy định, nhà giáo có 9 chế độ phụ cấp gồm: Phụ cấp chức vụ; Phụ cấp thâm niên vượt khung; Phụ cấp thâm niên nhà giáo; Phụ cấp trách nhiệm công việc; Phụ cấp khu vực.; Phụ cấp lưu động; Phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn; Phụ cấp ưu đãi nghề; Phụ cấp độc hại, nguy hiểm.
Trong đó, nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề theo các mức từ 25% đến 80%.
Mức phụ cấp 25% áp dụng đối với nhà giáo giảng dạy trong các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng và trường bồi dưỡng của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và các trường chính trị của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Mức phụ cấp 30% áp dụng đối với nhà giáo giảng dạy trong các trường trung cấp; các trung tâm bồi dưỡng chính trị của cấp cơ sở; các trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên;
Mức phụ cấp 35% áp dụng đối với nhà giáo giảng dạy trong các trường tiểu học; các trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên ở các xã khu vực I, khu vực II vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các xã đảo, hải đảo, xã biên giới, xã an toàn khu theo quy định của Chính phủ;
Mức phụ cấp 40% áp dụng đối với nhà giáo giảng dạy trong các trường sư phạm, khoa sư phạm trong đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng; các trường cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo; giảng dạy môn chính trị trong các trường trung cấp;
Mức phụ cấp 45% áp dụng đối với nhà giáo giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non; giảng dạy các môn khoa học Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh trong các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng; trường bồi dưỡng của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; các trường chính trị của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Mức phụ cấp 50% áp dụng đối với nhà giáo giảng dạy trong các trường năng khiếu thể dục thể thao, trường năng khiếu nghệ thuật; trường phổ thông dân tộc bán trú; các trường tiểu học ở xã khu vực I, khu vực II vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các xã đảo, hải đảo, xã biên giới, xã an toàn khu theo quy định của Chính phủ;
Mức phụ cấp 60% áp dụng đối với viên chức, người lao động làm công tác giảng dạy trong các trường mầm non thuộc xã khu vực I, khu vực II vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các xã đảo, hải đảo, xã biên giới, xã an toàn khu theo quy định của Chính phủ;
Mức phụ cấp 70% áp dụng đối với nhà giáo giảng dạy trong các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường trung học phổ thông chuyên, trường dự bị đại học; trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật; các cơ sở giáo dục thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ (trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản này).
Trường hợp đang công tác tại trường giáo dưỡng hưởng phụ cấp phục vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật, nếu mức phụ cấp phục vụ quốc phòng, an ninh thấp hơn 70% thì được hưởng thêm tỷ lệ phần trăm chênh lệch để đạt được mức phụ cấp ưu đãi bằng 70%;
Mức phụ cấp 80% áp dụng đối với viên chức, người lao động làm công tác giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ.
Trước đó, báo VnExpress cho hay, sáng 16/6, Quốc hội thông qua Luật Nhà giáo với nhiều quy định ưu đãi về lương, phụ cấp, nhà ở và trao quyền chủ động tuyển dụng cho ngành giáo dục.
Theo đó, nhà giáo được xếp lương cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Họ cũng được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các khoản phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc và điều kiện vùng miền, theo quy định pháp luật.
Diện được hưởng chính sách lương và phụ cấp cao hơn gồm: nhà giáo cấp học mầm non; công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo; vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn; dạy tại trường chuyên biệt; thực hiện giáo dục hòa nhập; hoặc giảng dạy trong một số ngành, nghề đặc thù.
Nhà giáo làm việc ở ngành, nghề có chế độ đặc thù sẽ được hưởng mức cao nhất trong các chính sách đang áp dụng, nếu các chế độ trùng nhau.
Chia sẻ với VietNamNet, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) cho hay, hiện nay, tiền lương của giáo viên đang được tính theo hệ số lương, được chia ra theo từng bậc, từng hạng chức danh nghề nghiệp I, II, III. Nhưng theo chủ trương, định hướng mới và Luật Nhà giáo, tiền lương giáo viên được tính theo vị trí việc làm, đánh giá theo năng lực.
Theo ông Vinh, việc tính tiền lương như vậy sẽ hợp lý hơn, song cần chú ý một số vấn đề.
“Tới đây sẽ phải cụ thể hóa việc xếp lương cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp sẽ như thế nào, thậm chí cân đối với các ngành quan trọng khác”, ông Vinh nói.
Theo ông Vinh, việc lập thang bảng lương mới của nhà giáo cần chú trọng việc tăng mạnh mức lương khởi điểm và gắn với năng lực thực sự giáo viên; tái cấu trúc lại tất cả những ưu đãi,...
“Việc xếp cao nhất về hệ số lương cần xem xét kỹ, xóa bỏ những điều chồng chéo trong các văn bản pháp luật. Nếu trả lương cao nhất thì đi kèm với đó cũng nên có cơ chế kiểm soát, đánh giá kết quả đầu ra, biết được chất lượng người học; thậm chí phòng tránh gian lận trong việc chấm điểm, đánh giá học sinh. Khi lương cao, nếu giáo viên giảng dạy không đạt chuẩn đầu ra thì cũng cần tính đến cả việc hạ hệ số, bậc lương,... Chứ không phải chỉ cố gắng để vào được vị trí giáo viên, có hệ số và mức lương cao rồi chùng xuống hay giảm chất lượng và sự cống hiến thì không ổn. Cơ chế kiểm soát đánh giá cần thường xuyên kể cả về mặt chất lượng lẫn đạo đức của giáo viên", ông Vinh nói.
Cũng theo ông Vinh, tóm lại, khi đã xếp ở mức lương cao nhất thì giáo viên cũng phải thể hiện giá trị xứng đáng về nghề nghiệp, kiến thức, đạo đức với người học và xã hội. Tăng lương nhằm cải thiện chất lượng giáo dục; còn nếu không cải thiện được, mà rơi vào cảnh 'cào bằng', tâm lý ai cũng được lương cao nhất và dừng lại thì phản tác dụng.