
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ngày 13/5 công bố dự thảo Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức và người lao động trong các cơ sở giáo dục công lập để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi.
Theo Bộ, giáo viên mầm non ở các vùng thuận lợi cần được tăng phụ cấp lên 45%, còn ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn là 80%. Lý do là hiện nay, tổng thu nhập của giáo viên cấp này chưa tương xứng với đặc thù và mức độ phức tạp của hoạt động nghề nghiệp.
"Giáo viên mầm non phải chăm sóc, giáo dục trẻ từ 3 tháng đến 6 tuổi, đòi hỏi sự tập trung cao độ để đảm bảo an toàn và thu hút sự chú ý của trẻ, thường làm việc 9-10 tiếng một ngày", Bộ nêu.
Đối với giáo viên mầm non, tổng thu nhập chưa tương xứng với tính đặc thù và mức độ phức tạp của hoạt động nghề nghiệp. Giáo viên mầm non phải chăm sóc, giáo dục trẻ từ 3 tháng đến 6 tuổi, đòi hỏi sự tập trung cao độ để đảm bảo an toàn và thu hút sự chú ý của trẻ, thường làm việc 9-10 giờ/ngày…
Tuy nhiên, thu nhập của họ thấp nhất so với các cấp học khác (hệ số lương khởi điểm 2,10, phụ cấp 35%, tổng thu nhập khoảng 6,63 triệu đồng/tháng), dẫn đến tỷ lệ nghỉ việc cao, với 1.600 giáo viên mầm non bỏ việc từ tháng 8/2023 đến tháng 4/2024, chiếm 22% tổng số giáo viên nghỉ việc.
Nếu nội dung dự thảo nghị định mới được thông qua, đối tượng hưởng ưu đãi được mở rộng, áp dụng cho tất cả viên chức và người lao động (bao gồm người tập sự, thử việc, hợp đồng) tại các cơ sở giáo dục công lập (trừ các cơ sở thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và cơ quan cơ yếu).
Theo đó, giáo viên mầm non được tăng phụ cấp từ 35% lên 45% ở vùng thuận lợi, và lên 80% ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Bộ GD-ĐT (cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo nghị định) cho hay, mức điều chỉnh này nhằm phản ánh đúng mức độ phức tạp và áp lực công việc.
Đặc biệt, với dự thảo nghị định mới, lần đầu tiên có quy định người lao động trong trường học không phải là giáo viên cũng được hưởng phụ cấp ưu đãi. Nhân viên ở vị trí hỗ trợ, phục vụ (thư viện, văn thư…) được hưởng phụ cấp mức 15%. Người lao động có các chức danh chuyên môn dùng chung (kế toán, y tế…) được hưởng phụ cấp 20%.
Dự thảo nghị định mới cũng bổ sung cơ sở xác định phụ cấp là dựa trên nhóm vị trí việc làm (hỗ trợ, chuyên môn dùng chung, chức danh nghề nghiệp chuyên ngành) kết hợp với cấp học, loại trường, địa bàn công tác. Đồng thời, dự thảo nghị định quy định cách tính cụ thể hơn, bao gồm cả hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có) và cách tính cho người lao động không hưởng lương theo hệ số.
Dự thảo nghị định mới liệt kê rõ các trường hợp không được tính hưởng phụ cấp như thời gian đi công tác, học tập ở nước ngoài hưởng 40% lương, thời gian bị đình chỉ công tác liên tục từ 1 tháng trở lên, thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp BHXH (trừ ốm đau, thai sản), thời gian nghỉ khác vượt quá quy định.