Ngày cưới, ai cũng xuýt xoa: “Lấy được nhà chồng thế này, nhất em rồi đấy”. Gia đình chồng tôi nổi tiếng nề nếp, bố mẹ chồng có địa vị, con cái học hành tử tế, ai cũng lịch sự, đàng hoàng. Tôi cũng đã từng tin vào điều đó. Tin đến mức, mỗi lần có người hỏi “Làm dâu nhà chồng thế nào?”, tôi đều mỉm cười tự hào.
Mọi thứ sụp đổ bắt đầu từ ngày tôi phát hiện bố chồng ngoại tình. Dù ông đã ngoài 60, vẫn lén lút qua lại với một người phụ nữ khác. Tôi hoảng hốt, đau thay cho mẹ chồng. Tôi kể lại với bà, mong bà sẽ lên tiếng, giữ lấy hạnh phúc của mình.
Nhưng bà chỉ nhìn tôi điềm tĩnh, nói chậm rãi: “Con đừng kể với ai. Nhà mình là gia đình gia giáo. Đừng làm tổn hại danh dự của gia đình mình, con nhé.”
Lúc đó, tôi vẫn chưa hiểu hết sự cam chịu trong ánh mắt bà. Suốt bao nhiêu năm, bà chọn cách im lặng để giữ gìn cái vỏ ngoài êm ấm. Tôi thương bà, và tôi cũng im lặng theo. Nghĩ rằng nếu bà còn nhịn được, thì tôi cũng nên “biết điều” như lời bà dạy.
Nhưng tôi đã sai.
Ba năm sau, chồng tôi cũng nối gót bố anh, có nhân tình bên ngoài. Tôi phát hiện mọi thứ rõ ràng: hình ảnh, tin nhắn, thậm chí lịch hẹn hò. Tôi đau đớn tột cùng, nhưng vẫn nuôi hy vọng mẹ chồng sẽ đứng về phía tôi.
Ảnh minh họa.
Tôi đem mọi chuyện kể với bà, mong bà sẽ giúp tôi làm chồng tỉnh ngộ. Nhưng điều tôi nhận lại chỉ là một cái nhìn nghiêm khắc và lời nói lạnh lùng: “Chuyện trong nhà thì để người nhà tự giải quyết. Nó là đứa tốt, có chơi bời một tí cũng không sao. Con sống như bà hoàng bao năm nay, thì phải biết điều một chút”.
Tôi chết lặng. Mẹ chồng dường như quên mất nỗi đau mà chính bà từng phải trải qua. Giờ đây, bà lại dùng đúng cái lý lẽ “giữ danh dự” để bắt tôi phải nhẫn nhịn.
Khi tôi nổi giận, nói nặng lời với chồng, bà lập tức quay sang trách móc tôi là đứa con dâu hỗn láo, bêu xấu nhà chồng. Còn chồng tôi thì chối bay chối biến, nói tôi “hoang tưởng”, người kia chỉ là bạn bè. Dù bằng chứng rõ ràng, tôi vẫn là kẻ không đáng tin trong mắt họ.
Tôi từng nghĩ đến việc phơi bày tất cả, kể cả chuyện bố chồng năm xưa, để vạch trần cái gọi là “gia giáo” giả tạo này. Nhưng giờ ông đang bệnh nặng, nằm một chỗ, và chẳng ai còn nhớ đến chuyện cũ. Nếu tôi lên tiếng, có khi lại bị mang tiếng là “vạch áo cho người xem lưng”, là “con dâu hỗn hào”.
Giờ đây, tôi chỉ còn lại một mình, mắc kẹt giữa một cuộc hôn nhân lạnh nhạt và một gia đình chỉ biết giữ thể diện. Nếu ly hôn, tôi sợ điều tiếng, sợ gia đình mình bị tổn thương. Nhưng nếu ở lại, tôi sẽ phải tiếp tục vai diễn trong một vở kịch mà đạo diễn là… cái gọi là “gia phong”.
Tôi không biết phải làm gì. Tôi đang chờ một lối thoát, hoặc ít nhất, một chút can đảm để tự mở ra cánh cửa cho mình.