Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Trách nhiệm pháp lý vụ xe khách tông nhiều xe máy dừng đèn đỏ ở Long An

Tông hàng loạt xe máy tại ngã tư Bình Nhựt, huyện Bến Lức, ít nhất 2 người tử vong, tài xế có thể đối diện với các hình thức xử lý, thậm chí là bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy vào nguyên nhân được cơ quan chức năng làm rõ.

xe-khach-tong-loat-xe-may-1717750182.jpg

Hiện trường vụ tai nạn. Nguồn ảnh: Internet.

Sáng 7/6, Phòng CSGT Công an tỉnh Long An đã có báo cáo ban đầu về vụ tai nạn giao thông xe khách tông hàng loạt xe máy tại ngã tư Bình Nhựt (xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức), khiến 2 người tử vong.

Theo báo cáo, nguyên nhân ban đầu mà tài xế khai nhận là xe khách mất kiểm soát, người này không thể điều khiển nên đã tông hàng loạt xe máy phía trước.

Cũng tin từ cơ quan chức năng, đã có thêm nạn nhân thứ 2 là N.D.K. (ngụ xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức) tử vong sau nhiều giờ cấp cứu. Trước đó vào ngày hôm qua, anh Nguyễn Duy K. (21 tuổi, ngụ phường 4, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) thiệt mạng tại hiện trường.

Vụ việc vẫn đang được ngành chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ nguyên nhân.

Liên quan đến vụ tai nạn nghiêm trọng này, luật sư Nguyễn Sương – Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng cho biết: Nếu qua điều tra, xác minh xác định được không phải do phương tiện mất an toàn kỹ thuật mà do tài xế vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ dẫn đến xảy ra vụ tai nạn thì tài xế có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017, khung hình phạt cao nhất đối với tội danh này là 07 năm đến 15 năm tù giam. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trường hợp nguyên nhân xuất phát từ việc phương tiện mất an toàn kỹ thuật thì cần rõ thêm trách nhiệm của đơn vị vận tải, chủ xe, lái xe trong việc kiểm tra tình trạng hoạt động đảm bảo an toàn kỹ thuật cho xe cơ giới trước khi tham gia giao thông. Đây là vụ tai nạn giao thông hết sức nghiêm trọng, nguyên nhân vụ tai nạn vẫn đang được xác minh, làm rõ, do đó trường hợp có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì cơ quan có thẩm quyền sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can để điều tra theo quy định của pháp luật.

Theo Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 và Điều 12 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP thì xe ô tô được xem là nguồn nguy hiểm cao độ. Do đó, nếu có căn cứ xác định việc sử dụng xe ô tô trái pháp luật dẫn đến tai nạn, gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Cụ thể: Nếu chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp không có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường toàn bộ thiệt hại;

Nếu chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp và người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải liên đới bồi thường thiệt hại.

“Trường hợp tài xế là người lao động làm thuê cho đơn vị vận tải và có lỗi gây tai nạn trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao thì căn cứ Điều 597 Bộ luật Dân sự 2015, đơn vị vận tải phải bồi thường thiệt hại do lái xe gây ra. Sau khi đơn vị vận tải đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu lái xe phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

Thiệt hại được bồi thường gồm chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; thiệt hại khác do luật quy định”, luật sư Sương nói.

Ngoài ra, vị luật sư nhìn nhận, căn cứ Điều 6 và Điều 7 Nghị định 67/2023/NĐ-CP nếu chủ xe đã tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới thì doanh nghiệp bảo hiểm phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại thiệt hại ngoài hợp đồng về sức khỏe, tính mạng và tài sản đối với người thứ ba do xe cơ giới tham gia giao thông, hoạt động gây ra và thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của hành khách trên chiếc xe đó do xe cơ giới tham gia giao thông, hoạt động gây ra. Giới hạn trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng do xe cơ giới gây ra là 150 triệu đồng cho một người trong một vụ tai nạn và đối với thiệt hại về tài sản do xe ô tô gây là 100 triệu đồng trong một vụ tai nạn. Tuy nhiên, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không phải chịu trách nhiệm nếu thuộc một trong các trường hợp "loại trừ trách nhiệm bảo hiểm” quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định 67/2023/NĐ-CP.

Thông tin ghi nhận về vụ tai nạn: Vào chiều 6/6, tại Ngã tư Bình Nhựt, trên Quốc lộ 1A, đoạn ấp 1, xã Thạnh Đức, ô tô khách đưa rước công nhân biển số 63B-000.63 chạy theo hướng TP.HCM về Long An mất lái đâm hàng chục xe máy dừng chờ đèn đỏ. Qua test nhanh, tài xế Trần Kim Thức âm tính với ma túy và không có nồng độ cồn. Tài xế có giấy phép lái xe hạng D, giá trị đến ngày 16/6/2025, xe có giấy chứng nhận kiểm định còn hiệu lực đến ngày 1/7/2024. Chủ sở hữu là bà Nguyễn Thị H (trú tại thị trấn Cai Lậy, Tiền Giang), có đăng ký kinh doanh vận tải và lắp thiết bị giám sát hành trình.