Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Trừ điểm bằng lái xe sẽ ngăn tình trạng tài xế đối phó

ĐBQH cho rằng, trừ điểm bằng lái là giải pháp quản lý công khai, minh bạch, sẽ ngăn tình trạng chấp hành an toàn giao thông còn có sự đối phó như hiện nay.

Chiều 22/5, Quốc hội thảo luận về các nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Việc quy định chi tiết về hạng giấy phép lái xe trong dự thảo Luật là một trong những nội dung được đại biểu Quốc hội cho ý kiến.

Bị trừ hết điểm bằng lái phải thi lại

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, ông Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, một số đại biểu Quốc hội đề nghị quy định chi tiết về hạng giấy phép lái xe trong Luật, không giao Chính phủ quy định chi tiết; đồng thời, đề nghị quy định cho phù hợp với Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo xây dựng quy định các hạng giấy phép lái xe tại khoản 1 Điều 57 theo hướng kế thừa các quy định hiện hành của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, phân hạng bảo đảm phù hợp với quy định của Công ước viên 1968 về giao thông đường bộ.

Đồng thời, bổ sung điều khoản chuyển tiếp quy định các loại giấy phép lái xe đã cấp còn thời hạn thì vẫn có hiệu lực; trường hợp phải cấp lại, mới cấp theo quy định của Luật này, nên không làm xáo trộn và ảnh hưởng đến quyền lợi của người đã được cấp giấy phép lái xe.

Đối thoại - Trừ điểm bằng lái xe sẽ ngăn tình trạng tài xế đối phó

Ông Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội (Ảnh: Quochoi.vn).

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ đạo xây dựng Điều 58 về điểm của giấy phép lái xe. Việc bổ sung quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý văn minh, hiện đại, phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế số, xã hội số của nước ta.

Quy định này sẽ tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của người lái xe.

Người lái xe vi phạm tùy theo tính chất, mức độ của hành vi có thể bị trừ điểm giấy phép lái xe. Trong thời hạn 12 tháng không bị trừ điểm khi đang còn điểm sẽ được phục hồi đủ 12 điểm.

Trường hợp bị trừ hết điểm, người được cấp giấy phép lái xe phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông, đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm. Việc này sẽ giao Chính phủ quy định cụ thể các hành vi vi phạm bị trừ điểm giấy phép lái xe, thẩm quyền trừ điểm, trình tự, thủ tục thực hiện trừ điểm, phục hồi giấy phép lái xe.

Trừ điểm bằng lái là giải pháp quản lý minh bạch

Góp ý về nội dung này, đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) cho rằng, quy định trừ điểm giấy phép lái xe là phù hợp và cần thiết. Đây là biện pháp quản lý Nhà nước, vừa có tính giáo dục răn đe, giúp cho lái xe chú ý hơn, cẩn thận hơn, chấp hành tốt hơn.

Ngoài ra, giúp cơ quan Nhà nước quản lý được người lái xe trong suốt quá trình từ khi đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép cho đến quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe.

Để đảm bảo khi Luật thông qua được triển khai có hiệu quả, đại biểu Vân đề nghị Chính phủ ban hành các quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện trừ điểm và trừ bao nhiêu điểm cụ thể đối với từng lỗi vi phạm.

Đối thoại - Trừ điểm bằng lái xe sẽ ngăn tình trạng tài xế đối phó (Hình 2).

Đại biểu Trần Thị Vân, đoàn Bắc Ninh (Ảnh: Quochoi.vn).

Cần ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hệ thống dữ liệu khi làm thủ tục trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe để đảm bảo đơn giản, phù hợp, tránh thiệt hại cho người dân; đồng thời tránh phát sinh tiêu cực do không có sự tiếp xúc giữa người có thẩm quyền xử phạt và người vi phạm.

“Trừ điểm bằng lái là giải pháp quản lý công khai, minh bạch, hiện đại, quản lý được cả quá trình chấp hành pháp luật của lái xe thay vì quản lý từng hành vi đơn lẻ và hướng tới xây dựng thói quen, văn hóa tham gia giao thông thay vì tình trạng chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông còn có sự đối phó như hiện nay”, bà Vân nhìn nhận.

Góp ý thêm về quy định trừ điểm giấy phép lái xe, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu) cho rằng cần quy định chặt chẽ và có tính răn đe cao hơn đối với những người vi phạm liên tục cùng một lỗi, tránh trường hợp giấy phép lái xe đã bị trừ hết điểm và kiểm tra lại được tham gia giao thông.

Do đó, đại biểu Khánh đề nghị quy định thêm vào khoản 3 Điều 5 tình tiết tăng nặng, vi phạm 2 năm liên tục có thể tạm thời tước giấy phép lái xe.

Bị trừ hết điểm, giấy phép lái xe có còn hiệu lực?

Cũng quan tâm nội dung trừ điểm giấy phép lái xe, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) đề nghị cần làm rõ đây là biện pháp xử phạt hành chính hay biện pháp bổ sung xử phạt hành chính.

Đối thoại - Trừ điểm bằng lái xe sẽ ngăn tình trạng tài xế đối phó (Hình 3).

Đại biểu Tô Văn Tám, đoàn Kon Tum (Ảnh: Quochoi.vn).

Cá nhân đại biểu cho rằng đây là biện pháp bổ sung xử phạt hành chính. Nếu như vậy thì cần bổ sung vào khoản 2 theo hướng người có hành vi vi phạm giao thông vừa phải chịu xử phạt hành chính kèm theo bị trừ điểm giấy phép lái xe.

Đối với trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, theo quy định tại dự thảo Luật thì phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật và khi có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ điểm.

"Vậy trong thời gian chờ kiểm tra hoặc kiểm tra không đạt yêu cầu thì giấy phép lái xe này có còn hiệu lực hay không? Cần quy định rõ theo hướng nếu bị trừ hết điểm thì giấy phép lái xe đó hết hiệu lực và khi được phục hồi đủ hai điểm thì sẽ có hiệu lực trở lại", đại biểu Tô Văn Tám đề xuất.

Nguyễn Thu Huyền/ Người Đưa Tin