Đề xuất lập chính phủ lâm thời
Phát biểu trong chuyến thăm cảng Murmansk ở phía bắc nước Nga vào ngày 26/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất đưa Ukraine vào một hình thức quản lý tạm thời để tổ chức các cuộc bầu cử mới và ký các thỏa thuận quan trọng nhằm đạt được giải pháp cho cuộc chiến đã kéo dài 3 năm.
Tuyên bố của ông Putin được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang nỗ lực tìm cách giải quyết cuộc xung đột bằng cách tái lập quan hệ với Nga và tham gia các cuộc đàm phán riêng rẽ với cả Nga và Ukraine.
Lãnh đạo Điện Kremlin đã bị Ukraine và các nhà lãnh đạo châu Âu cáo buộc cố gắng kéo dài các cuộc đàm phán ngừng bắn mà không có ý định nghiêm túc nào nhằm chấm dứt giao tranh.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất Ukraine có thể được đặt dưới một hình thức chính quyền tạm thời để tổ chức các cuộc bầu cử mới và ký các thỏa thuận quan trọng (Ảnh: Reuters)
Đề xuất thành lập chính quyền tạm thời của Tổng thống Nga Putin dường như nhằm giải quyết khiếu nại lâu nay của ông rằng chính quyền Ukraine không phải là đối tác đàm phán hợp pháp vì Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy vẫn nắm quyền sau khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào tháng 5/2024.
"Về nguyên tắc, tất nhiên, một chính quyền tạm thời có thể được thành lập tại Ukraine dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, Mỹ, các nước châu Âu và các đối tác của chúng tôi", ông Putin phát biểu trong cuộc đàm phán với các thủy thủ trong chuyến thăm cảng Murmansk.
"Điều này nhằm mục đích tổ chức các cuộc bầu cử dân chủ và đưa một chính phủ có năng lực, được người dân tin tưởng lên nắm quyền, sau đó bắt đầu đàm phán với họ về một hiệp ước hòa bình”, ông Putin nhấn mạnh thêm.
Ông cho biết những nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm tiến hành các cuộc đàm phán trực tiếp với Nga cho thấy vị tổng thống mới của nước Mỹ mong muốn hòa bình.
Khi được hỏi về phát biểu của ông Putin về chính quyền tạm thời, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng cho biết việc quản lý ở Ukraine được quyết định bởi hiến pháp và người dân nước này.
Ông Trump đã nói rằng ông muốn làm trung gian chấm dứt chiến sự nhanh chóng nhưng một loạt các cuộc đàm phán vẫn chưa mang lại thay đổi đáng kể nào trong tình hình thù địch leo thang.
Mỹ đầu tuần qua cho biết họ đã ký các thỏa thuận riêng với Moscow và Kyiv về lệnh ngừng bắn ở Biển Đen, nhưng sau đó Nga cho biết rằng hiệp ước này sẽ chỉ có hiệu lực khi các điều kiện tiếp theo được đáp ứng, bao gồm việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với một ngân hàng nhà nước. Moscow trước đó đã bác bỏ đề xuất của Mỹ về lệnh ngừng bắn rộng hơn trong 30 ngày.
Tổng thống Putin cũng cho biết Nga sẵn sàng hợp tác với nhiều nước, bao gồm cả Bắc Triều Tiên, để giúp chấm dứt chiến sự ở Ukraine. Các nguồn tin phương Tây và Ukraine cho biết hơn 11.000 quân Bắc Triều Tiên đã được gửi đến để tăng cường quân đội Nga ở khu vực Kursk phía tây Moscow, mặc dù Moscow chưa xác nhận điều này.
Châu Âu cam kết hỗ trợ Ukraine
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã tiếp tục nỗ lực của riêng mình, cam kết sau cuộc họp tại Paris (Pháp) vào ngày 27/3 rằng sẽ tăng cường hỗ trợ quân đội Ukraine để đảm bảo lực lượng này là nền tảng cho an ninh tương lai của Ukraine.
Pháp và Anh đã cố gắng mở rộng sự hỗ trợ cho một "lực lượng trấn an" nước ngoài trong trường hợp ngừng bắn với Nga, mặc dù Moscow phản đối mọi sự hiện diện của quân đội nước ngoài ở Ukraine.
Tổng thống Ukraine Zelenskiy đã bác bỏ mọi ý kiến nghi ngờ tính hợp pháp của ông, nói rằng Ukraine bị luật pháp cấm tổ chức bầu cử trong điều kiện thiết quân luật và việc tổ chức bỏ phiếu trong điều kiện thời chiến trong mọi trường hợp đều là điều không thể.
Trong những ngày gần đây, ông Zelenskiy đã nhiều lần cáo buộc Tổng thống Nga Putin muốn tiếp tục cuộc xung đột.
Theo 3 người nắm rõ các cuộc đàm phán đang diễn ra và bản tóm tắt dự thảo đề xuất mà Reuters có được, chính quyền ông Trump đã đề xuất một thỏa thuận khoáng sản mới, mở rộng hơn với Ukraine.
Tổng thống Trump cho biết thỏa thuận khoáng sản sẽ giúp đảm bảo một thỏa thuận hòa bình bằng cách trao cho Mỹ quyền lợi tài chính trong tương lai của Ukraine.