Ngày 29/6, Bộ Công an ban hành Thông tư 28/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 32 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT và Thông tư số 24 quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới.
Thông tư 28/2024 có hiệu lực từ ngày 1/7.
Một trong những điểm đáng chú ý tại Thông tư 28/2024 là sửa đổi, bổ sung về việc kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện giao thông.
Cụ thể, các loại giấy tờ gồm: giấy phép lái xe; chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, bằng, chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng; giấy đăng ký xe hoặc bản sao chứng thực giấy đăng ký xe kèm bản gốc giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực; giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, giấy xác nhận thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định; giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới..., khi được tích hợp vào VNeID, cảnh sát giao thông thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát thông tin qua VNeID.
"Việc kiểm tra thông tin của giấy tờ trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên VNeID, cơ sở dữ liệu có giá trị như kiểm tra trực tiếp giấy tờ đó", theo thông tư của Bộ Công an.
Thông tư 28/2024 của Bộ Công an cũng quy định đối với phương tiện giao thông chở người từ 10 chỗ trở lên, phương tiện giao thông chở người có kích thước tương đương với phương tiện giao thông chở người từ 10 chỗ trở lên thì CSGT phải trực tiếp lên khoang chở người để thực hiện kiểm soát và thông báo kết quả kiểm soát.
Từ 1/7 hiển thị căn cước điện tử trên VNeID
Để liên kết tài khoản cổng dịch vụ công quốc gia và tài khoản VNeID thì người dân cần kiểm tra tài khoản cổng dịch vụ công quốc gia đã được cập nhật số căn cước với cơ sở dữ liệu về dân cư hay chưa. Nếu chưa, người dân sẽ cập nhật số căn cước theo hướng dẫn sau khi đăng nhập. Cuối cùng, người dùng chỉ cần đăng nhập vào VNeID để hệ thống liên kết tài khoản.
Tài khoản VNeID của người dân sẽ chia thành hai mức độ 1 và 2. Mức độ 1 được dùng để truy cập sử dụng thông tin về danh tính điện tử và một số tính năng cơ bản. Mức độ 2 được sử dụng để khai thác, sử dụng căn cước điện tử, thông tin khác ngoài thông tin đã tích hợp vào căn cước điện tử được chia sẻ, tích hợp từ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và toàn bộ tiện ích trên ứng dụng.
Người dân có thể tự đăng ký cấp tài khoản định danh mức độ 1 và không quá 1 ngày sẽ được phản hồi. Với mức độ 2, người dân phải ra trụ sở công an xã, phường để đăng ký và thời hạn được cấp tài khoản không quá 3 ngày làm việc.
VNeID là ứng dụng phát triển bởi Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (thuộc C06 Bộ Công An) trên nền tảng cơ sở dữ liệu về định danh, dân cư cũng như xác thực điện tử. Ứng dụng ra đời nhằm thay thế những giấy tờ truyền thống sau khi đã được tích hợp như căn cước công dân, hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng, bằng lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm...
Bộ Công an đã triển khai 12 tiện ích trên VneID với hơn 1,5 triệu lượt truy cập, sử dụng các tiện ích hàng ngày. Trên ứng dụng này, Hà Nội đã triển khai cấp Phiếu lý lịch tư pháp từ ngày 22/4 để người dân thao tác bằng điện thoại, không cần đến trụ sở các cơ quan công quyền.