Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Thêm đối tượng được rút BHXH 1 lần từ 01/7/2025

Theo Điều 70 và Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã bổ sung thêm 2 đối tượng được rút bảo hiểm xã hội 1 lần từ ngày 1/7/2025, gồm: Người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; Người khuyết tật đặc biệt nặng.

Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 70 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định một trong các trường hợp được rút BHXH 01 lần đối với người lao động tham gia BHXH bắt buộc là:

Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà cũng không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm;

Đồng thời tại điểm đ khoản 1 Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 cũng quy định một trong các trường hợp được rút BHXH 01 lần đối với người lao động tham gia BHXH tự nguyện là:

Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội.

Như vậy, người lao động tham gia BHXH từ thời điểm 01/7/2025 trở đi thì không được rút BHXH một lần nếu không thuộc các trường hợp được rút BHXH 1 lần theo quy định.

Thêm đối tượng được rút BHXH 1 lần từ 01/7/2025

Theo Điều 70 và Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã bổ sung thêm 2 đối tượng được rút bảo hiểm xã hội 1 lần từ ngày 1/7/2025, gồm:

- Người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

- Người khuyết tật đặc biệt nặng.

bao-hiem-xa-hoi
Người lao động không được rút BHXH 1 lần nếu không thuộc trường hợp này, ai cũng cần biết. Ảnh internet

Mức hưởng BHXH 1 lần từ 01/7/2025

Đối với người tham gia BHXH bắt buộc

Mức hưởng BHXH 1 lần được tính theo số năm đã đóng và căn cứ đóng BHXH nhưng không bao gồm số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện, cứ mỗi năm được tính như sau:

- Bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH đối với năm đóng trước năm 2014.

Trường hợp có thời gian đóng BHXH trước và sau năm 2014 mà thời gian đóng trước năm 2014 có tháng lẻ thì những tháng lẻ đó được chuyển sang giai đoạn đóng BHXH từ năm 2014 trở đi để tính BHXH 1 lần;

- Bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH đối với năm đóng từ năm 2014 trở đi;

- Trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm thì mức hưởng bằng số tiền đã đóng nhưng không quá 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Riêng đối với các trường hợp sau thì mức hưởng BHXH 1 lần được tính theo số năm đã đóng và căn cứ đóng BHXH bao gồm số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện; việc tính mức hưởng mỗi năm thực hiện theo quy định trên:

- Người đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS.

- Người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; người khuyết tật đặc biệt nặng.

(Khoản 3, 4 Điều 70 Luật Bảo hiểm xã hội 2024)

Đối với người tham gia BHXH tự nguyện

Mức hưởng BHXH 1 lần được tính theo số năm đã đóng và căn cứ đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau:

- Bằng 1,5 lần của mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH đối với năm đóng trước năm 2014.

Trường hợp thời gian đóng BHXH có cả trước và sau năm 2014 mà thời gian đóng trước năm 2014 có tháng lẻ thì những tháng lẻ đó được chuyển sang giai đoạn đóng BHXH từ năm 2014 trở đi để tính mức hưởng BHXH 1 lần;

- Bằng 02 lần của mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH đối với năm đóng từ năm 2014 trở đi;

- Trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm thì mức hưởng bằng số tiền đã đóng nhưng không quá 02 lần của mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng BHXH.

Mức hưởng BHXH 1 lần của đối tượng được Nhà nước hỗ trợ thực hiện theo quy định trên không bao gồm số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện, trừ trường hợp:

- Người đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS.

- Người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; người khuyết tật đặc biệt nặng.

(Khoản 2, 3 Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội 2024)

Minh Khuê (t/h)