Bác bỏ luận điệu xuyên tạc
Cách đây 49 năm, ngày 30/04/1975, lá cờ Cách mạng tung bay trên dinh Độc Lập, Thành phố Sài Gòn được giải phóng, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, qua đó kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Đây là một chiến thắng có ý nghĩa và tầm vóc thời đại của dân tộc trong thế kỷ XX, một bản anh hùng ca bất hủ của người dân Việt Nam.
Ngày 30/04/1975 luôn được nhớ đến là một ngày đầy ý nghĩa trong dòng chảy lịch sử. Đây không chỉ là cột mốc chấm dứt chiến tranh, mang lại hòa bình cho đất nước mà còn là biểu tượng của ý chí, khát vọng tự do và độc lập của dân tộc.
Thế nhưng, trong thời đại thông tin mở, mạng xã hội lên ngôi, sự xuất hiện đầy rẫy của những luận điệu xuyên tạc đã làm méo mó hình ảnh và ý nghĩa của dấu mốc lịch sử này, gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức của công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Trao đổi với Tạp chí Đời sống và Pháp luật, Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa XIV đã có những chia sẻ về tác động của mạng xã hội đối với thông tin lưu truyền trong cộng đồng: “Trong thời đại số, mạng xã hội như Facebook, Tiktok… đã trở thành những kênh thông tin mạnh mẽ với khả năng lan truyền nhanh chóng và rộng rãi, đôi lúc vượt xa các phương tiện truyền thông truyền thống. Trước một số vấn đề nhạy cảm như phòng chống tham nhũng, sức khỏe của các nhân sự… hay những sự kiện lịch sử quan trọng như ngày 30/4, chúng ta thường thấy xuất hiện những tin đồn, bình luận và thông tin sai lệch được phát tán, gây nhiễu loạn và ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng”.
Thật vậy, các luận điệu xuyên tạc đã xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, từ các bài báo, bài viết trên mạng xã hội, đến những bình luận mang tính chất xuyên tạc.
Hay như việc sử dụng các thuật ngữ “Bắc kỳ - Nam kỳ” không chỉ làm sống lại những mối căng thẳng lịch sử, mà còn gây mất đoàn kết giữa các vùng miền trong cùng một quốc gia. Những luận điểm sai lệch này được các cá nhân hay tổ chức phản động sử dụng như một công cụ để kích động lòng thù hận, gây chia rẽ trong nội bộ dân tộc. Chúng tạo ra những câu chuyện sai lệch, những bức tranh méo mó về một ngày đánh dấu sự thay đổi của đất nước ta
Vậy ai là người đã tạo nên những luận điệu xuyên tạc này?
Là một công dân yêu nước, tích cực đấu tranh chống lại luận điệu xuyên tạc, đặc biệt trên không gian mạng, anh Nguyễn Minh Tiến, chủ kênh Tiktok “Thăng Long TV” không ngần ngại bày tỏ quan điểm với phóng viên: “Những đối tượng này mang trong mình tàn dư của quá khứ và hận thù lâu năm. Vì vậy, họ không muốn chấp nhận sự thật về ngày 30/04 - ngày đất nước ta đã đoàn kết và thống nhất”.
Đồng thời, anh Tiến chỉ ra rằng: “Thực tế, trong 16 triệu người dân thời bấy giờ, chỉ có một phần nhỏ rời đi, còn đa số đã ở lại và đóng góp vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước. Họ đã hòa nhập và thấm nhuần tư tưởng của chế độ mới, bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc rằng họ bị trả thù hay đối xử bất công.
Niềm tin bất diệt
Chúng ta đều biết rằng, những “bóng tối” xuyên tạc này không thể chiến thắng ánh sáng của sự thật. Ngày 30/04/1975 đã mang lại ánh sáng đó trên khắp mọi miền đất nước, đem theo niềm hy vọng và tự hào cho mỗi người dân Việt Nam. Đó là ngày nhân dân ta chứng minh cho thế giới thấy rằng, dù khó khăn đến đâu, dân tộc ta luôn đứng lên, đoàn kết và chiến thắng.
Để đấu tranh chống lại luận điệu xuyên tạc, ngoài việc cần giữ vững lập trường, chúng ta phải có một chiến lược rõ ràng và kiên quyết. Đó là việc kiên trì khẳng định sự thật lịch sử, dùng sức mạnh của kiến thức để phản bác mọi quan điểm lệch lạc, sai trái. Đồng thời, chúng ta cần tằng cường giáo dục lịch sử cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, trang bị cho họ những “công cụ” cần thiết để có thể hiểu rõ quá khứ, tự hào về truyền thống dân tộc và có đủ kiến thức để bảo vệ sự thật trước những luận điệu lệch lạc, sai trái.
Trong cuộc chiến này, Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa và anh Nguyễn Minh Tiến đã đưa ra những quan điểm mạnh mẽ và đầy tâm huyết. Với niềm tin sâu sắc vào sức mạnh của truyền thông và giáo dục, anh Tiến nhấn mạnh: “Chúng ta cần sử dụng kiến thức và đam mê để truyền tải, lan tỏa đến người dân, đến các nền tảng mạng xã hội, qua đó xây dựng một nền tảng thông tin vững chắc, gắn liền với pháp luật. Vì tương lai con cháu, anh em của mình, chúng ta phải cố hết sức! Tôi tin chúng ta sẽ làm được!”.
Từ góc độ của một người đã từng đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa đồng tình với quan điểm trên: “Theo tôi, những cơ quan ngôn luận cần luôn có thông tin kịp thời, minh bạch, làm cơ sở cho người dân định hình thông tin một cách chính xác trước những luận điệu sai lệch. Đặc biệt là vai trò của Bộ Công an trong việc phát hiện và xử lý các vụ việc liên quan đến an ninh mạng.
Đồng thời, chúng ta phải áp dụng những chế tài về kinh tế, pháp luật để hạn chế những luận điệu xuyên tạc”, Thiếu tướng Nghĩa khẳng định.
Ngày 30/04/1975 không chỉ là ngày giải phóng, thống nhất đất nước, mà còn là lời nhắc nhở về sức mạnh của sự thật, về tinh thần đoàn kết và ý chí tự cường của dân tộc Việt Nam. Chúng ta, những người con của đất nước Việt Nam, đều có trách nhiệm gìn giữ và bảo vệ sự thật lịch sử này. Chúng ta sẽ tiếp tục đấu tranh chống lại mọi luận điệu xuyên tạc để ánh sáng sự thật mãi được sáng tỏ, niềm tin vào tương lai đất nước đời đời bền vững.