Mới đây, một phụ nữ trung niên tại Trung Quốc đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch sau khi ăn một bát canh bầu. Sự việc thu hút sự chú ý khi bác sĩ cảnh báo rằng loại rau quả tưởng như lành tính này có thể chứa độc tố nguy hiểm nếu chuyển sang vị đắng.
Bệnh nhân là bà Vương Huệ, sống tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Theo lời kể, bà đã ăn một bát canh bầu vào bữa tối và nhận thấy rõ vị đắng bất thường. Tuy nhiên, bà cho rằng vị đắng có thể giúp thanh nhiệt tương tự như mướp đắng nên vẫn cố ăn hết.
Chỉ hai giờ sau bữa ăn, bà bắt đầu xuất hiện các triệu chứng bất thường như đau bụng dữ dội, buồn nôn và nôn mửa liên tục. Bà còn bị tiêu chảy hơn 20 lần, thậm chí đi ngoài ra máu. Thấy tình trạng ngày càng nghiêm trọng, người thân lập tức đưa bà đến Bệnh viện Nhân dân Bắc Luân.
Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bà bị ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng dẫn đến sốc, tụt huyết áp và suy thận cấp – một tình trạng đe dọa tính mạng. Bệnh nhân nhanh chóng được đặt nội khí quản, hỗ trợ thở máy, truyền dịch và sử dụng thuốc co mạch để ổn định huyết áp và cân bằng điện giải.

Rất may, sau khi được điều trị tích cực, bà Vương đã vượt qua cơn nguy kịch và được chuyển về phòng bệnh thường để tiếp tục theo dõi.
Theo BS Chiêm Lăng Phong, Phó Trưởng khoa Cấp cứu của bệnh viện, nguyên nhân dẫn đến ngộ độc là do quả bầu có vị đắng – dấu hiệu của việc tích tụ một loại độc tố có tên cucurbitacin.
“Thông thường, bầu có vị ngọt nhẹ. Nếu chuyển sang vị đắng, rất có thể đã phát sinh cucurbitacin – chất độc tự nhiên không bị phân hủy ngay cả khi nấu chín,” bác sĩ Chiêm giải thích. Loại độc tố này có thể gây ra các phản ứng nghiêm trọng cho cơ thể, bao gồm đau bụng, tiêu chảy dữ dội, suy tuần hoàn, suy đa cơ quan, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Bác sĩ cũng nhấn mạnh một số loại rau củ khi bị biến đổi bất thường có thể trở nên độc hại, đặc biệt là các loại quả thuộc họ bầu bí. Quan niệm ăn rau đắng để thanh nhiệt không áp dụng với tất cả thực phẩm, nhất là khi rau quả có dấu hiệu bất thường về mùi vị.
“Khi ăn bầu mà thấy vị đắng, cần ngừng ngay. Nếu sau đó xuất hiện triệu chứng nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng – đặc biệt từ 2 lần trở lên – thì phải nhanh chóng đến cơ sở y tế. Việc giữ lại mẫu thực phẩm đã ăn cũng rất quan trọng để hỗ trợ chẩn đoán và điều trị kịp thời,” bác sĩ Chiêm khuyến cáo.
Lưu ý cho người tiêu dùng:
Không ăn bầu có vị đắng, kể cả đã nấu chín.
Tuyệt đối không chủ quan khi cơ thể có biểu hiện ngộ độc sau bữa ăn.
Luôn kiểm tra mùi vị thực phẩm trước khi sử dụng, nhất là với rau củ.