Ngày càng nhiều triệu, tỷ phú USD
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể về số lượng tỷ phú USD và triệu phú USD, phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế tư nhân.
Ông Jacky Poh, Giám đốc khu vực Đông Nam Á tại Henley & Partners, cho biết Việt Nam đang trải qua một giai đoạn thịnh vượng đáng chú ý, với số lượng triệu phú của đất nước tăng trưởng ấn tượng 98% trong thập kỷ qua.
TP. HCM là trung tâm của sự bùng nổ của cải này, được thúc đẩy bởi môi trường kinh doanh năng động và sự phát triển kinh tế nhanh chóng. Ngày nay, Việt Nam là nơi sinh sống của 19.400 triệu phú, 58 triệu phú có khối tài sản trên 100 triệu USD và 6 tỷ phú USD - một minh chứng cho sự tiến bộ kinh tế của đất nước.
Năm 2013, ông Phạm Nhật Vượng - nhà sáng lập Tập đoàn Vingroup, là tỷ phú USD đầu tiên và duy nhất của Việt Nam được Forbes xếp hạng, với khối tài sản 1,5 tỷ USD.
Trong 3 năm liên tiếp sau đó, Việt Nam cũng chỉ có một mình tỷ phú Phạm Nhật Vượng có mặt trong danh sách những người giàu nhất hành tinh. Đến năm 2017, cùng với ông Phạm Nhật Vượng, có thêm nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO của hãng hàng không Vietjet, với tài sản trị giá 1,2 tỷ USD có mặt trong danh sách của Forbes.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Forbes, tính đến năm 2024, Việt Nam đã có 6 tỷ phú USD được xếp hạng trong danh sách. Bên cạnh những tên tuổi quen thuộc như ông Phạm Nhật Vượng hay bà Nguyễn Thị Phương Thảo, còn có Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và gia đình.
Sự gia tăng tài sản của các triệu phú và tỷ phú không chỉ là biểu tượng của thành công cá nhân mà còn là minh chứng cho sự chuyển mình mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, GDP của Việt Nam đã tăng trưởng bình quân 6% - 7% trong nhiều năm qua, một trong những mức cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Kinh tế tư nhân đang trở thành động lực chính cho sự phát triển này, chiếm khoảng 43% GDP và tạo ra hàng triệu việc làm.
Theo báo cáo Centi-millionaire 2024 (centi-millionaire là thuật ngữ chỉ những người có tài sản ròng từ 100 triệu USD – dưới 1 tỷ USD) do công ty tư vấn di cư về tài sản và đầu tư Henley & Partners công bố, hiện có 29.350 cá nhân trên toàn thế giới có tài sản đầu tư thanh khoản từ 100 triệu USD trở lên.
Hướng đến năm 2040, quỹ đạo tăng trưởng của dân số triệu phú USD dự kiến sẽ vẽ nên một bức tranh hấp dẫn về sự tích lũy của cải và di cư. Trong đó, TP. HCM của Việt Nam được dự đoán sẽ có mức tăng trưởng dân số centi-millionaire lên tới trên 150% trong tương lai. Đây hiện cũng là thành phố duy nhất của Việt Nam lọt vào danh sách theo dõi của Henley & Partners, với 24 người có khối tài sản trên 100 triệu USD.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng Việt Nam đang trong quá trình trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài, với lượng vốn FDI đăng ký tại Việt Nam tăng mạnh, đạt 36,61 tỷ USD trong năm 2023, tăng 32,1% so với năm 2022, trong khi vốn FDI toàn cầu chỉ tăng 3%, cho thấy sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam. Đây là yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân và tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân gia tăng tài sản.
Tương lai bùng nổ hơn
Sự gia tăng số lượng triệu phú, với hàng ngàn cá nhân sở hữu tài sản từ 10 triệu USD trở lên, cũng cho thấy sự phân bổ tài sản đang dần rộng rãi hơn trong xã hội. Theo báo cáo của Credit Suisse và Henley & Partners, số lượng triệu phú tại Việt Nam đã tăng lên gần 20.000 người. Dữ liệu này cho thấy sự gia tăng về số lượng và giá trị tài sản của những người giàu có, đi cùng với sự phát triển của nền kinh tế và sự gia tăng thu nhập của người dân.
Theo báo cáo của công ty nghiên cứu tài sản toàn cầu New World Wealth và Henley & Partners, Việt Nam sẽ chứng kiến mức tăng trưởng tài sản mạnh nhất trong thập kỷ tới khi củng cố vị thế là một trung tâm sản xuất toàn cầu.
Theo ông Andrew Amoils, nhà phân tích của New World Wealth, Việt Nam dự kiến sẽ chứng kiến sự gia tăng 125% về tài sản trong 10 năm tới. Theo phân tích của công ty, đây sẽ là sự gia tăng lớn nhất về tài sản của bất kỳ quốc gia nào xét về GDP bình quân đầu người và số lượng triệu phú.
“Việt Nam là một cơ sở sản xuất ngày càng phổ biến cho các công ty công nghệ, ô tô, điện tử, quần áo và dệt may đa quốc gia”, ông Amoils cho biết và nói thêm rằng Việt Nam được coi là một quốc gia tương đối an toàn so với các nước khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, điều này tạo thêm động lực cho các công ty thiết lập hoạt động sản xuất tại quốc gia này.
McKinsey cho biết trong một báo cáo rằng “vị trí chiến lược” của đất nước - có chung đường biên giới trên bộ với Trung Quốc và gần các tuyến thương mại hàng hải chính - chi phí lao động thấp cũng như cơ sở hạ tầng hỗ trợ xuất khẩu từ quốc gia này đã biến Việt Nam thành ”điểm đến hàng đầu” cho đầu tư quốc tế.