Dự án do Ban QLDA sử dụng vốn vay nước ngoài (ODA) tỉnh Vĩnh Phúc (VPMO) làm chủ đầu tư, được thực hiện trên địa bàn 7 huyện, thành phố của Vĩnh Phúc gồm các huyện Tam Đảo, Tam Dương, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên, TP Phúc Yên, và TP Vĩnh Yên.
Được biết, tổng số vốn khoảng 220 triệu USD của dự án bao gồm vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) 150 triệu USD và nguồn đối ứng của tỉnh Vĩnh Phúc 70 triệu USD.
Dự án sau khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ góp phần tăng cường khả năng chống lũ, chống ngập, giảm thiểu tác động của thiên tai; kiểm soát nguy cơ lũ lụt, cắt giảm điều tiết lũ cho lưu vực sông Phan, sông Cà Lồ.
Đồng thời cải tạo môi trường sinh thái và hình thành các hồ điều hòa cho tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo ghi nhận của VietnamFinance vào ngày 20/8, sau đợt vận hành thử nghiệm nhiều vị trí thuộc dự án có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng… ảnh hưởng đến chất lượng của “siêu dự án”.
Tình trạng xuống cấp xuất hiện tại các trạm bơm Nguyệt Đức (huyện Yên Lạc), Kim Xá (huyện Tam Dương) và một số vị trí khác.
Một lãnh đạo Ban Quản lý ODA tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, nguyên nhân là do mưa lớn trong thời gian vừa qua. Hiện nay, dự án đang trong quá trình chạy thử nghiệm và chưa bàn giao, nghiệm thu.
Được biết, dự án được khởi công năm 2018, tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án liên tục chậm tiến độ, mặc dù thời gian Hiệp định vay vốn Ngân hàng Thế giới đối với dự án đã kết thúc từ năm 2021 nhưng “siêu dự án” ODA ở Vĩnh Phúc vẫn chưa thể hoàn thành và bàn giao.
Theo dữ liệu của VietnamFinance, dự án được thực hiện bởi nhiều nhà thầu, liên danh nhà thầu lớn như: Công ty Cổ phần Xây dựng Minh Anh - Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bảo Quân, Công ty Cổ phần Xây dựng Minh Dũng, Liên danh PECOM (Công ty CP Bơm Châu Âu) - LILAMA (Tổng công ty Lắp máy Việt Nam), Liên danh SEEN - UDC, Liên danh Tổng công ty Xây dựng nông nghiệp Việt Nam - Công ty CP Xây dựng và Phát triển nông thôn 10 - Công ty TNHH Hòa Hiệp…