Vợ ở nhà ăn bám, không làm ra tiền, chỉ việc cơm nước, nhà cửa và dạy dỗ con cái mà cũng không nên hồn. Tôi chửi vài câu thì dỗi bỏ về ngoại.
Ảnh minh họa
Tôi và vợ quen nhau trong một lần đi sinh nhật một người bạn chung. Gia đình vợ kinh tế thì bình thường, bố mẹ vợ đều là giáo viên đã nghỉ hưu nên tôi cũng chẳng trông mong gì nhưng được cái, vợ tôi rất xinh. Tôi nghe đâu hồi cấp 3, đại học vợ còn là hoa khôi của trường.
Ban đầu tôi cũng chỉ định vui chơi qua đường vì biết kiểu gì mẹ tôi cũng không thích. Nói qua về nhà tôi thì có nền tảng kinh tế vững, bố mẹ tôi có một công ty nhỏ nhưng nhiều chi nhánh ở các tỉnh thành, bất động sản và tài sản giá trị khác cũng không ít. Vì vậy mẹ tôi luôn muốn tôi lấy người phải môn đăng hộ đối.
Vậy nhưng người tính không bằng trời tính, vợ tôi có bầu trước nên mẹ tôi buộc phải đồng ý. Ngay đến cả tôi thôi cũng chép miệng, lấy vợ xinh cũng mát mặt, gia cảnh nghèo tí thì thôi mình không cần quan tâm là được.
Sau khi lấy nhau, khỏi phải nói, vợ tôi sướng như bà hoàng, còn bố mẹ em chắc cũng nở mày nở mặt lắm vì con gái vớ được gia đình giàu có, quyền thế như nhà tôi. Tôi nhớ hôm đám cưới, bên bố vợ tôi còn mở tiệc gần cả trăm mâm cỗ, nhận của hồi môn của nhà tôi mà cười típ hết cả mắt.
Sau khi cưới, tôi bắt vợ ở nhà không đi làm mà chỉ tập trung vào chăm sóc gia đình và con cái. Vậy nên chúng tôi cho hai người giúp việc nghỉ để tiết kiệm tiền vì giờ đã có vợ gánh vác hết rồi.
Công việc mỗi ngày của em chỉ là dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn cho 6 người lớn (bao gồm bố mẹ, em gái tôi và bà nội tôi) và chăm sóc con cái. Bao nhiêu năm mọi việc vẫn ổn thỏa như thế chẳng hiểu sao, tháng trước vợ đòi đi làm lại sau sinh 2 con.
Cô ấy nói con trai lớn đã học lớp 3, con nhỏ cũng đã 5 tuổi cần phải đi mẫu giáo. Nghe thấy vậy, tôi và mẹ lập tức không đồng ý vì nếu vợ đi làm thì lấy ai chăm lo việc nhà và lũ trẻ. Như thế lại phải mất tiền thuê người giúp việc. Tôi giao kèo:
- Nếu em muốn đi làm cũng được thôi nhưng phải đảm bảo đầy đù tất cả các công việc nhà như trước và chăm sóc con cái thì mới được đi làm. Còn nếu không thì không đi đâu cả. Em đi làm cả tháng không bằng tiền anh uống cà phê 1 ngày. Đi làm làm gì cho tốn công, rồi con cái nheo nhóc, ai trông, ai chăm, bà nội già rồi cần người dìu lên dìu xuống, ai giữ.
Tôi nói có vậy thôi mà cô ấy chạy vào phòng khóc lóc. Sau hôm đấy chắc chừa cũng không thấy dám đòi đi làm nữa.
Ảnh minh họa
Bực bội đó chưa xong thì lại tới việc mới xảy ra gần đây. Con trai tôi được nghỉ hè nhưng không biết chơi với lũ trẻ trong xóm làm sao mà lại bị gãy tay.
Hàng xóm lại còn sang nhà tôi chửi bới là không biết dạy con khiến con họ bị nặng hơn. Họ đòi chúng tôi bồi thường không thì sẽ đem ra tòa kiện.
Tôi vội vàng rút tiền ra đưa cho người ta, sau đó lôi vợ về nhà mắng cho một trận:
- Cô chỉ có việc ở nhà ăn mà cũng không biết đường giữ con, dạy con. Sao cô để cho nó sang nhà hàng xóm đánh người ta đến mức người ta sang đây ăn vạ vậy?
- Sao anh lại trách em, một mình em ở nhà bao nhiêu việc. Đứa bé đi chơi thì làm sao em trông nổi.
- Không trách cô thì trách ai, cô có biết làm như vậy tôi vừa tốn tiền lại vừa mất mặt không?
- Anh buồn cười thật, con đi đánh nhau với con người ta, theo lẽ thường anh phải quan tâm, hỏi han sức khỏe của con, sau đó hỏi về vấn đề con cư xử không tốt với bạn bè. Sao giờ anh lại về trách vợ không biết dạy con?
Ảnh minh họa
- Tôi không biết, lâu nay tôi đi làm, cô đã ở nhà ăn bám lại còn không biết lối dạy con. Mọi lần tôi không nói nên cô tưởng là tôi cho qua à. Cô liệu liệu mà xem lại cách dạy con của mình cho tử tế đi. Làm mẹ mà cũng không xong còn đòi đi làm.
Nói xong tôi bỏ ra ngoài đi uống bia với đối tác để vợ ở lại nhà tự suy nghĩ và hối cải. Tới tối về không thấy vợ đâu, hỏi ra mới biết cô ấy về nhà bố mẹ đẻ. Tôi chắc mẩm, vợ đã nhận ra lỗi lầm của mình và về nhà bố mẹ đẻ cũng tốt để bố mẹ dạy lại cô ấy.
Suốt 1 tuần cô ấy không về nhà, tôi cũng không thèm gọi điện nhưng bất ngờ lại nhận được cuộc điện thoại của bố vợ. Ông nói làm vài mâm cơm mời ông bà thông gia và tôi sang để nói chuyện. Tôi cười thầm vì chắc bố vợ muốn xuống nước, lấy lòng con rể để xin tôi đón con gái ông về bên đó đây. Trước khi đi, mẹ còn nhắc tôi:
- Sang bên đó, con phải kể hết tội của nó cho bố mẹ nó biết. Dù ông ấy có xin con cũng chưa được đón nó về luôn nhé. Để cho nó phải quỳ xuống cầu xin.
Sang tới nơi, tôi thấy có đúng 5 mâm cỗ và nhiều quan khách họ hàng hơn. Mọi người vào mâm ăn như bình thường, cơm nước xong xuôi, bố vợ đứng lên cười tươi tuyên bố.
Ảnh minh họa
- Hôm nay nhà tôi có chuyện mừng nên làm mâm cơm thông báo tới tất cả mọi người, mong mọi người chung vui cho. Con gái tôi lấy chồng 10 năm nay đã vất vả làm vợ rồi làm mẹ. Giờ đây tôi tuyên bố cháu chính thức được giải thoát, chính thức sẽ ly hôn, vợ chồng tôi sẽ đón con gái và các cháu ngoại về đây ở để chăm sóc. Điều này cũng đã được sự đồng ý của cháu rồi. 10 năm qua gả con gái đi lấy chồng, tôi luôn nín nhịn thương cháu nhưng giờ đây đã có thể yên lòng, xin được làm tiếp nghĩa vụ của người bố người mẹ. Chuyện vui chuyện vui, xin mọi người chúc mừng cho tôi.
Nghe tới đây không chỉ bố mẹ tôi và tôi sốc mà tất cả quan khách đều ngỡ ngàng. Bố vợ tôi không ngại tường thuật lại tất cả những sự vụ quan trọng trong suốt 10 năm qua mà con gái ông chịu nhục sống ở gia đình tôi. Ai nấy đều quay sang nhìn gia đình tôi với anh mắt khinh bỉ khiến tôi ngượng chín mặt.
Chưa xong, bố vợ còn quay qua nói với tôi:
- Đơn ly hôn chúng tôi đã chuẩn bị sẵn, mời anh hợp tác ký để con gái tôi còn mang đi nộp, làm thủ tục cho sớm. Bữa cơm cũng đã kết thúc, mời ông bà bên nhà về được rồi.
Bố mẹ tôi vội vàng ra về vì sợ lời xì xào của mọi người còn tôi lúc này mới lo sợ vì sắp mất vợ mất con. Tôi vội quỳ xuống xin lỗi bố vợ nhưng ông bỏ lên phòng không tiếp.
Tâm sự từ độc giả truongphong...
Nuôi dạy con là trách nhiệm của cả cha và mẹ, không phải riêng người phụ nữ. Chính vì thế, khi phát hiện con xảy ra xô xát với bạn bè, bố mẹ nên:
Bố mẹ hãy lắng nghe để trẻ mở lòng chia sẻ
Nhiều vụ bắt nạt xảy ra trong thời gian dài là do trẻ ngại kể với bố mẹ, vì cảm thấy không an toàn và căng thẳng.
Trẻ không tin rằng bố mẹ có thể hiểu được cảm xúc của mình, thậm chí còn nghĩ rằng bố mẹ sẽ trách mắng.
Điều này thực sự xảy ra ở một số gia đình. Nếu trẻ bị bắt nạt ở bên ngoài, bố mẹ sẽ cho rằng trẻ vô dụng, thay vì an ủi. Càng bị mắng, trẻ càng kém tự tin và tự nhiên không dám chống lại sự bắt nạt của người khác.
Cách tiếp cận đúng là: Cha mẹ học cách lắng nghe và thấu hiểu khi con bị bắt nạt
Thông thường, trẻ sẵn sàng kể lại những gì đã xảy ra nếu ngôi nhà là một môi trường an toàn, không căng thẳng. Vì vậy, bố mẹ nên hết lòng lắng nghe cảm xúc, không ngắt lời hay phủ nhận trải nghiệm của con.
Phản ứng đầu tiên của nhiều bậc bố mẹ khi con bị bắt nạt là tỏ ra rất tức giận nhưng giận dữ, nhưng thực tế việc tức giận không thể giải quyết được vấn đề.
Cảm xúc của chúng ta rất quan trọng đối với con cái. Bố mẹ nên giữ tâm trạng bình tĩnh, bày tỏ sự quan tâm và hỗ trợ, cho con biết rằng sẽ đứng cùng một phía.
Khi trẻ cảm thấy rằng việc bị bắt nạt không phải lỗi của mình, không nên cảm thấy xấu hổ hay đổ lỗi cho bản thân về điều đó, trẻ sẽ tự nhiên sẵn sàng nói với bố mẹ.
Dạy trẻ cách tự bảo vệ bản thân
Khi trẻ bị bắt nạt, bố mẹ hãy dặn trẻ giữ bình tĩnh và không đáp lại sự khiêu khích hoặc xúc phạm bên kia.
Hãy dạy trẻ yêu cầu giúp đỡ, chẳng hạn như nhờ giáo viên, bố mẹ hoặc những người lớn đáng tin cậy.
Phía bố mẹ cũng nen cách tìm kiếm các biện pháp thích hợp từ nhà trường, chẳng hạn như tăng cường giáo dục, giám sát, có hình phạt đối với kẻ bắt nạt. Đồng thời, việc nuôi dưỡng kỹ năng giao tiếp, nâng cao sức khỏe thế chất cho con ngay từ khi còn nhỏ là rất quan trọng.
Nhà tâm lý học Li Meijin từng nói: Khi con bà bị đánh, bà dạy cháu cách giữ tai người khác khi bị đánh, người kia sẽ buông ra vì cảm thấy đau.
Nâng cao nhận thức và khả năng tự bảo vệ của trẻ không chỉ đơn giản chỉ là nói chuyện. Bố mẹ nên dạy con một số kỹ năng tự bảo vệ cơ bản như tránh ở một mình với người lạ, không dễ dàng tiết lộ thông tin cá nhân...
Tạo mối quan hệ gia đình tốt đẹp, nuôi dưỡng trẻ có tính cách lạc quan, vui vẻ
Nếu trẻ bị bắt nạt trong thời gian dài, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần. Ví dụ, tính cách của trẻ dễ trở nên nhút nhát, cô lập, lo lắng,... Vì vậy, bố mẹ cần tiếp tục chú ý đến những thay đổi về cảm xúc và hành vi của con, đồng thời đưa ra những hỗ trợ, giúp đỡ cần thiết.
Nhìn chung, những đứa trẻ có tính cách sôi nổi, vui vẻ sẽ ít bị bắt nạt ở trường hơn.
Bố mẹ nên tạo thêm cảm giác an toàn, nơi thành viên hình thành mối quan hệ hiểu biết, hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau đối mặt với những khó khăn, thử thách, đây là tiền đề quan trọng giúp trẻ trở nên mạnh mẽ hơn.
Hãy tạo một môi trường gia đình ổn định và hỗ trợ về mặt tinh thần ngay từ khi còn nhỏ. Đây cũng là sự bảo vệ tốt nhất cho sự phát triển lành mạnh về thể chất, tinh thần và tính cách vui vẻ, sôi nổi của con.
Bố mẹ có thể khuyến khích con tham gia một số khóa huấn luyện thể chất và tự vệ để nâng cao thể lực và khả năng ứng phó, đồng thời rèn luyện ý chí, phẩm chất kiên cường.
Tóm lại, khi trẻ bị bắt nạt, bố mẹ cần có những biện pháp chủ động hỗ trợ và bảo vệ con phù hợp.
Thông qua việc lắng nghe, thấu hiểu, giao tiếp, giáo dục và hỗ trợ, sẽ giúp trẻ thoát khỏi những tình huống khó khăn và phát triển sự tự tin, cũng như kỹ năng ứng phó.