Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Vụ bạo hành trẻ em ở mái ấm Hoa Hồng: “Cần có sự thay đổi về hệ thống quản lý, chăm sóc trẻ em cơ nhỡ”

Liên quan đến vụ bạo hành trẻ em mới bị phát giác tại cơ sở mái ấm Hoa Hồng (L52 Tô Ký, P.Trung Mỹ Tây, Q.12, TP.HCM), ý kiến của luật sư đề nghị “Cần có sự thay đổi về hệ thống quản lý, chăm sóc trẻ em cơ nhỡ”.

Đánh giá về vụ việc bạo hành trẻ em ở mái ấm Hoa Hồng (L52 Tô Ký, P.Trung Mỹ Tây, Q.12, TP.HCM), Luật sư Phùng Huyền - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH A+, thẳng thắn nhìn nhận: “Sự việc quá nghiêm trọng, những tiếng khóc thất thanh và cả ánh mắt đau đớn của đứa trẻ không thể nào che giấu được. Rất khó chấp nhận việc cấp quản lý của cơ sở này lại không thể phát hiện ra sự việc để can thiệp kịp thời. Nếu không có sự phát giác của người dân thì nỗi đau cho các bé kéo dài tới mức nào, cho tới khi nào?”.

Từ đó, Luật sư Huyền cho rằng, cần có sự thay đổi về hệ thống quản lý, chăm sóc những trẻ em cơ nhỡ. “Vì những đối tượng này rất dễ bị đem ra lợi dụng, thậm chí chỉ là lợi dụng tranh giành việc ai góp nhiều hơn ai, ai quyên góp được nhiều hơn… Tóm lại, lòng tốt cũng mang ra so sánh, so đo, tranh giành, sau đó chính nó sẽ kéo theo những vụ lợi” – đại diện Công ty Luật TNHH A+ cho biết. 

Dưới góc độ pháp lý, bà Phùng Huyền nhấn mạnh: “Cơ quan chức năng cần điều tra làm rõ hành vi của chủ cơ sở cũng như từng người bảo mẫu có những sai phạm; liệu có hay không hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản do sử dụng sai mục đích tiền quyên góp của Mái ấm Hoa Hồng?”. 

ls-phung-huyen-1725612864.jpg
Luật sư Phùng Huyền - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH A+.

Bà Huyền phân tích: điểm khác nhau giữa tội danh này và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là ý định thực hiện hành vi chiếm đoạt. Nếu Mái ấm Hoa Hồng ngay từ đầu khi nhận tiền từ thiện đã có ý định sử dụng riêng tiền này không vì mục đích chăm sóc trẻ em thì có căn cứ để cơ quan chức năng truy cứu các đối tượng liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Việc này có thể được chứng minh qua thông tin lịch sử các giao dịch nhận và sử dụng tiền. Nếu số tiền được sử dụng vì mục đích chăm sóc trẻ (bao gồm cả lương của nhân viên chăm sóc) có chênh lệch với số tiền nhận từ thiện thì cơ quan chức năng cần xác minh và làm rõ có hay không xuất hiện tội danh liên quan đến việc chiếm đoạt tài sản của người khác.

Về phía các bảo mẫu có liên quan, theo Luật sư Huyền, cần khởi tố vụ án để điều tra làm rõ hành vi có dấu hiệu của tội Hành hạ người khác (Điều 140 BLHS), tội Giết người (Điều 123 BLHS), tội Cố ý gây thương tích (134 BLHS), tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 BLHS). “Các hành vi đánh đập, xúc phạm trẻ em của bảo mẫu là biểu hiện rõ ràng về hành vi đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc họ” – bà Huyền nhận định.

Cũng theo bà Huyền, đối với tội Hành hạ người khác, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 140 Bộ luật Hình sự, tội Hành hạ người khác áp dụng để truy cứu cho người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc trường hợp của tội Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình theo Điều 185 Bộ luật Hình sự. Mức hình phạt cao nhất cho tội danh này là 03 năm tù theo khoản 2 Điều 140 Bộ luật Hình sự. 

Ngoài ra, Luật sư Huyền cũng chỉ ra các hành vi đánh đập trẻ em của bảo mẫu có khả năng sẽ phạm vào loại tội danh “Giết người” nếu mức độ thương tích gây ra hoặc gây chấn thương tại các vùng trọng yếu của cơ thể như đầu, cổ, gáy, … hoặc dùng công cụ, phương tiện để đánh trẻ nhỏ. Cơ quan điều tra có thể cần thiết tiến hành giám định thương tích trên cơ thể của trẻ để xác định được mức độ thương tích và công cụ, phương tiện dùng để đánh trẻ.

“Đối với tội Giết người, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự, mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình”. 

mnhh-1725612980.jpg
Các bảo mẫu bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng có thể phải đối mặt với nhiều tội danh. Ảnh: Thanh niên

Ở mức độ thấp hơn, các bảo mẫu trong vụ việc này có thế  phải đối mặt với tội danh “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”.

Luật sư Huyền cho rằng, hành vi của các bảo mẫu ở Mái ấm Hoa Hồng cũng có thể phạm vào tội danh này do sựi tàn nhẫn mà họ gây ra. Tuy nhiên, giống như tội Giết người, cơ quan điều tra cần thiết phải tiến hành giám định mức độ thương tích và tìm ra công cụ, phương tiện mà các bảo mẫu dùng để đánh các cháu nhỏ. Mức hình phạt cao nhất đối với tội danh này là 20 năm hoặc tù chung thân. 

“Đặc biệt, đối với các tội danh nêu trên, ngoài những bảo mẫu trực tiếp thực hiện hành vi ra, nếu những người khác tuy không trực tiếp thực hiện hành vi đánh đập nhưng ra lệnh và/hoặc để cho những bảo mẫu này thực hiện hành vi sai trái thì cũng bị xem xét trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm” - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH A+ nhấn mạnh.

Trần Giang