Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Những điều cần biết về nợ xấu trên CIC

CIC là viết tắt của Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia, trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Nơi đây đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý hoạt động tín dụng, hỗ trợ ngân hàng truy xuất khi quyết định có cho khách hàng vay vốn hay không, đặc biệt đối với các thông tin nợ xấu.

Trung tâm CIC có chức năng chính là thu thập, lưu trữ, phân tích dự báo thông tin tín dụng cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam.

CIC thu thập những thông tin sau đây: Số tiền đã vay, đang vay, đã từng vay; mục đích sử dụng khoản tiền khi vay, hợp đồng tín dụng ký kết với những ngân hàng nào; thời gian trả nợ, lịch sử thanh toán khoản vay; tình trạng hiện tại của những khoản nợ; tài sản thế chấp ngân hàng khi vay (nếu có).

Cụ thể hơn, thạc sĩ luật Nguyễn Thị Hưng (Công ty luật Châu Á) giải thích: “Điều 8 Thông tư 15/2023/TT-NHNN có quy định về những nguồn thông tin mà CIC được phép thu thập, bao gồm: Thông tin tín dụng do tổ chức tín dụng, tổ chức tự nguyện cung cấp theo quy định tại Thông tư này; thông tin từ các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và các quy định liên quan khác của pháp luật; thông tin từ các cơ quan quản lý nhà nước, các nguồn thông tin hợp pháp khác theo quy định của pháp luật”.

img-20240823-215437-1724425959.jpg
Thạc sĩ luật Nguyễn Thị Hưng (Công ty luật Châu Á)

Về nợ xấu, thạc sĩ luật Nguyễn Thị Hưng cho hay: “Nợ xấu được hiểu là các khoản nợ khó đòi khi người vay không thể trả nợ khi đến hạn phải thanh toán như đã cam kết trong hợp đồng tín dụng”.

Thạc sĩ Hưng dẫn giải: tại Điều 10 Thông tư 11/2021/TT-NHNN quy định thì nợ được phân thành 05 nhóm, bao gồm:

- Nhóm 1 (Nợ đủ tiêu chuẩn)

- Nhóm 2 (Nợ cần chú ý)

- Nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn)

- Nhóm 4 (Nợ nghi ngờ)

- Nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn)

Căn cứ vào những thông tin tài liệu thu thập, CIC tiến hành phân loại nợ xấu thành từng nhóm để giúp ngân hàng và tổ chức tín dụng có thể tra cứu lịch sử tín dụng của mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.

“Tại khoản 8 Điều 3 Thông tư 11/2021/TT-NHNN quy định thì nợ xấu (NPL) là nợ xấu nội bảng, gồm nợ thuộc các nhóm 3, 4 và 5. Theo đó, có thể hiểu chỉ khi thuộc nợ nhóm 3, 4, 5 thì mới bị phân vào nhóm nợ xấu” - thạc sĩ luật Nguyễn Thị Hưng nói.

Về thời gian lưu trữ thông tin nợ xấu trên CIC, đại diện Công ty luật Châu Á cho biết: tại khoản 1 Điều 11 Thông tư 03/2013/TT-NHNN quy định về thời gian lưu trữ và cung cấp lịch sử nợ xấu trên CIC, thông tin tiêu cực về khách hàng vay chỉ được sử dụng để tạo lập sản phẩm thông tin tín dụng trong thời gian tối đa 05 năm, kể từ ngày kết thúc thông tin tiêu cực đó. 

“Như vậy, thông tin lịch sử nợ xấu trên CIC sẽ được xóa sau 05 năm kể từ khi khách hàng thanh toán khoản nợ. Nếu khách hàng không tất toán thì lịch sử nợ xấu trên CIC sẽ vẫn còn” - thạc sĩ Hưng khẳng định.