Yêu cầu Eximbank làm rõ vụ nợ thẻ tín dụng 8,8 tỷ đồng
Ngày 19/3, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã yêu cầu Chủ tịch, TGĐ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Eximbank bố trí lãnh đạo trực tiếp trả lời cơ quan báo chí và dư luận xã hội về trách nhiệm, quyền hạn cũng như phương hướng xử lý vụ việc nợ thẻ tín dụng từ 8,5 triệu thành 8,8 tỷ đồng của khách hàng gây xôn xao dư luận.
"Eximbank khẩn trương xác minh vụ việc, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của khách hàng và ngân hàng", theo văn bản của Ngân hàng Nhà nước được Vnexpress trích dẫn lại.
Ngay sau khi có chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, ngày 20/3, Eximbank cho biết "đã gặp khách hàng P.H.A tại Hà Nội và cùng trao đổi thẳng thắn trên tinh thần hợp tác, thấu hiểu và chia sẻ".
Theo đó, các bên cũng đã thống nhất phối hợp giải quyết vụ việc, đảm bảo quyền lợi hợp lý hợp tình cho cả hai bên trong thời gian sớm nhất.
Ngoài ra, phía Ngân hàng Eximbank cũng cho biết đã khẩn trương rà soát, đánh giá và điều chỉnh lại chính sách, quy trình hợp đồng, trong đó có phương pháp tính lãi, phí trong việc cho vay, cấp tín dụng qua thẻ.
Eximbank nói đã kiểm tra lại quy trình chăm sóc khách hàng để kịp thời hỗ trợ, đảm bảo lợi ích hài hòa cho cả ngân hàng và khách hàng.
Trước đó, dư luận không khỏi xôn xao trước thông tin một khách hàng ở Quảng Ninh, nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng và sau gần 11 năm, số tiền nợ đã bị tính lãi lên 8,8 tỷ đồng.
Theo tính toán của các chuyên gia, nếu vẫn với mức lãi suất lên đến 87%/năm thì chỉ tính trên khoản nợ gốc 8,5 triệu đồng, theo cách tính của các ngân hàng khác, tổng số tiền chỉ khoảng 60 triệu đến 90 triệu đồng. Do đó, nhiều khả năng Eximbank đã tính lãi kép.
VTV.vn dẫn lời ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính - Ngân hàng cho biết
Ngoài cách tính lãi suất vẫn còn khá mập mờ của Ngân hàng Eximbank, dư luận cũng vẫn quan tâm đến vấn đề nữa chính là tính hiệu lực của hợp đồng.
Xem thêm: Chủ tài khoản bị ngân hàng Eximbank đòi nợ 8,8 tỷ đồng thuê luật sư vào cuộc
Khách hàng mong làm rõ dấu hiệu lừa đảo của nhân viên ngân hàng
Trong khi phía Ngân hàng Eximbank khẳng định đã thông báo và làm việc trực tiếp với khách hàng P.H.A nhiều lần để thu hồi nợ thì khách hàng P.H.A lại khẳng định phía nhân viên ngân hàng nói mình không đủ điều kiện để mở thẻ.
Cụ thể, Tuổi Trẻ cho biết khi tiến hành trao đổi với báo chí, ông P.H.A cho biết vào thời điểm tháng 3/2013, ông nhờ một nhân viên tên Giang chi nhánh Eximbank ở TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) làm cho một thẻ tín dụng.
Sau 1-2 tuần ký hồ sơ, ông P.H.A đã được Giang gọi ra trụ sở chi nhánh để ký hồ sơ và nhận thẻ. Nhưng theo lời ông P.H.A, do lương của ông A. quá thấp, chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng nên không đủ điều kiện mở thẻ. Giang cho biết cần xin thêm ý kiến sếp và hẹn sẽ liên lạc lại. Người này sau đó không liên lạc nữa nên ông nghĩ mình không làm được.
Đến năm 2017, khi có nhu cầu vay vốn ngân hàng, ông P.H.A mới tá hỏa phát hiện mình đang có nợ xấu bên ngân hàng Eximbank nên đã chủ động sang ngân hàng này để xác minh. Lúc này, BGĐ chi nhánh ngân hàng cho rằng ông P.H.A đã ký nhận thẻ rồi nên phải chịu trách nhiệm.
"Tôi có hỏi tại sao khi phát sinh lãi và nợ lãi lại không thông báo ngay. Trong hồ sơ mở thẻ tại sao lại có thêm một số điện thoại không phải của tôi? Phía ngân hàng trả lời là có liên lạc theo số điện thoại (không phải của ông P.H.A. - PV) nhưng không liên lạc được. Tôi hỏi tại sao không liên lạc bằng số điện thoại còn lại mà tôi đang dùng, ngân hàng không trả lời được", Tuổi Trẻ dẫn lời ông P.H.A kể.
Đáng nói, khi yêu cầu sao kê, ông P.H.A đã phát hiện có người đóng lãi tháng đầu tiên nên đã đề nghị kiểm tra ai là người đã đóng và bằng hình thức nào, phía ngân hàng không trả lời được.
Cũng theo ông P.H.A, sau khi phát hiện bị nợ xấu tại ngân hàng Eximbank, ông cho biết đã làm đơn khiếu nại về việc ngân hàng gửi thông báo cho khách hàng. Phía ngân hàng đã có văn bản phúc đáp là đã gửi thông báo nhưng lại không chứng minh được đã gửi thông báo theo hình thức nào. Trong khi địa chỉ nhà ông không thay đổi, số điện thoại trong hồ sơ cũng không thay đổi.
Xem thêm: Thông tin mới nhất vụ nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu phải trả lãi 8,8 tỷ sau 11 năm: Khách hàng nói gì?
Tại các buổi làm việc trước đó, ông P.H.A đã đưa ra phương án khắc phục hậu quả bằng việc trả lại tiền gốc và nộp thêm 10 triệu đồng nữa gọi là phí phạt nhưng phía ngân hàng không đồng ý mà buộc ông phải thanh toán đầy đủ cả gốc lẫn lãi lên đến hơn 63 triệu đồng.
Phía ông P.H.A đã từ chối với lý do không tiêu tiền trong tài khoản thẻ và đồng thời khẳng định "Tôi cho rằng cơ quan chức năng cần làm rõ dấu hiệu lừa đảo của nhân viên tên Giang, bản thân tôi sẵn sàng theo đến cùng sự việc này", Tuổi Trẻ dẫn lời.
Vụ việc hiện vẫn đang nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận, phía ngân hàng Eximbank được yêu cầu phải báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kết quả xử lý vụ việc trước ngày 20/3.
* Theo VTV.vn, Tuổi Trẻ, Vnexpress
Hồng Hạnh (t/h)