Tối 20/4, tại The Coffee House (số 1 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội), một tấm kính lớn từ tầng 2 của tòa nhà bất ngờ đổ sập xuống trong cơn mưa lớn cùng gió giật mạnh. Sự việc khiến 7 người bị thương trong đó có 3 khách hàng và 4 nhân viên. Chị Hoàng Minh L. (29 tuổi, đang công tác tại Bệnh viện K, cơ sở Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) là nặng nhất, cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Trên VietNamNet, bố của nạn nhân cho biết, gia đình đã nhận được văn bản đề nghị mức hỗ trợ 117 triệu đồng từ The Coffee House (TCH) nhưng chưa phản hồi lại. Thông tin này cũng được đại diện truyền thông của The Coffee House xác nhận và khẳng định đây là hỗ trợ ban đầu.
“The Coffee House sẵn sàng thảo luận về các khoản gia đình đang yêu cầu và đáp ứng thỏa đáng”- vị đại diện này nói.
Liên quan đến vấn đề bồi thường cho các nạn nhân, trong đó có nữ bác sĩ Hoàng Minh L., dư luận vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Thậm chí, một số quan điểm thẳng thắn cho rằng, The Coffee House đang chối bỏ, đùn đẩy trách nhiệm.
Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Công Tín – Công ty Luật AMI, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng phân tích dưới góc nhìn pháp lý: “Đặt trong điều kiện bình thường, mặt bằng The Coffee House được thiết kế, xây dựng, bảo trì, bảo đảm chất lượng theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam về xây dựng, thì khi xảy ra tình huống trên, chế định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được áp dụng để xem xét giải quyết”.
Cụ thể, luật sư chỉ ra Khoản 3 Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này”.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự, trách nhiệm bồi thường của chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản được loại trừ trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Và theo hướng dẫn tại Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP của HĐTP Tòa án nhân dân tối cao thì “những cơn lốc xoáy bất chợt, không được dự báo trước” được xem là sự kiện bất khả kháng.
“Như vậy, sẽ phát sinh 02 trường hợp:
Trường hợp 1: Nếu xác định kính rơi là do sự kiện bất khả kháng gây ra thì cả The Coffee House, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Hòa Bình đều không phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Trường hợp 2: Nếu xác định kính rơi không phải do sự kiện bất khả kháng thì Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Hòa Bình (với tư cách là chủ sở hữu) và The Coffee House (với tư cách bên chiếm hữu) phải cùng có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại.
Vì vậy, các cơ quan chức năng, các bên có liên quan cần xác minh, làm rõ nguyên nhân kính rơi vỡ để làm căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường theo 02 trường hợp trên”, luật sư nói.
Cũng theo luật sư Tín: “Các giả định nêu trên được đặt trong hoàn cảnh bình thường, nhưng nếu qua điều tra xác định được rằng, kính rơi là do lỗi của con người (bao gồm cả việc thiết kế, xây dựng, bảo trì không đúng quy định, sử dụng vật liệu không bảo đảm chất lượng…) thì người có lỗi phải chịu trách nhiệm bồi thường; thậm chí còn thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 298 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 nếu gây hậu quả nghiêm trọng (làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên).
Liên quan đến tình hình sức khỏe của nữ bác sĩ Hoàng Minh L, trả lời báo chí, bác sĩ Trần Quang Trung, người điều trị trực tiếp cho bệnh nhân, cho hay, sau 2 lần phẫu thuật, hiện bác sĩ L. đang bình phục dần. Tuy nhiên, do tổn thương ở cột sống ngực nên L. không còn khả năng đi lại, phải ngồi xe lăn, đại tiểu tiện không tự chủ.
Chi phí điều trị đến nay khoảng 500-600 triệu đồng. Bệnh nhân có thể ra viện sau 2-3 tuần tới nếu không có diễn tiến bất thường.