Sáng 15/7, Công an huyện Gia Lộc (Công an Hải Dương) cho biết trên Dân trí, cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) huyện này đã ra quyết định khởi tố vụ án Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, xảy ra tại cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Việc công an khởi tố vụ án để điều tra toàn diện vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vào sáng 11/7, làm 2 người chết, 10 người bị thương.
Luật sư Nguyễn Công Tín, Công ty Luật AMI, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng cho biết, theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 38 Luật Giao thông đường bộ, khi xảy ra tai nạn, người điều khiển phương tiện, người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn phải “giữ nguyên hiện trường” và “ở lại nơi xảy ra tai nạn” cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ một số trường hợp bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng. “Ở lại nơi xảy ra tai nạn” không có nghĩa là ở ngay tại hiện trường bất chấp nguy hiểm, nguy cơ đe dọa tính mạng để giữ hiện trường, mà phải chọn nơi bảo đảm an toàn cho chính mình, không gây trở ngại, cản trở giao thông bình thường của các phương tiện khác, bảo đảm kịp thời có mặt để cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn khi cơ quan chức năng đến hiện trường.
"Trong vụ việc xảy ra tại cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, tài xế xe bán tải BKS 38C-195.83 và xe ô tô 16 chỗ BKS 15F-006.78 có giữ nguyên hiện trường, nhưng thay vì di chuyển (người) đến nơi an toàn để báo tin cho cơ quan chức năng giải quyết, những người này lại đứng ngay trên cao tốc bất chấp nguy hiểm để tranh cãi, dẫn đến hậu quả đáng tiếc xảy ra như thông tin báo chí đưa tin. Trong vụ việc này, xét cho cùng thì những người đứng ra tranh cãi nói trên cũng có lỗi.
Về phía xe ô tô BKS 30K-757.00 (xe ô tô VF9 đâm vào xe 16 chỗ), theo Điểm a Khoản 2 Điều 11 Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT, trong điều kiện mặt đường khô ráo, khoảng cách an toàn ứng với tốc độ 100 < V ≤ 120 (km/h) là 100m. Tại Điều 5 Thông tư này cũng quy định rõ, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ để có thể dừng lại một cách an toàn trong trường hợp “có chướng ngại vật trên đường” hoặc qua khu vực có “hiện trường xảy ra tai nạn giao thông”. Trong vụ việc này, người điều khiển xe ô tô BKS 30K-757.00 có dấu hiệu thiếu quan sát, không kịp thời giảm tốc độ khi có chướng ngại vật trên đường, là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn.
Vụ việc sẽ tiếp tục được cơ quan chức năng điều ra, làm rõ. Tuy vậy, tài xế xe ô tô BKS 30K-757.00 khó tránh khỏi trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo Điều 260 Bộ luật Hình sự, với hậu quả làm chết 02 người, mức phạt có thể lên đến 10 năm tù", luật sư Tín phân tích.