Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

3 mẫu chiến đấu cơ Mỹ “tung hoành ngang dọc” toàn cầu, bao gồm F-16

Mỹ không phải là quốc gia duy nhất sở hữu những mẫu chiến đấu cơ hiện đại, đắt tiền như F-16 hay F-35 vì chúng đã được mang ra ngoài “xứ cờ hoa” đi khắp thế giới.

Với nền công nghiệp quốc phòng hùng mạnh, việc vũ khí Mỹ có mặt ở mọi “ngõ ngách” trên thế giới là không có gì phải bàn cãi.

Trong tất cả các nền tảng vũ khí, máy bay chiến đấu là loại tiên tiến nhất, mạnh mẽ nhất và có công nghệ phức tạp nhất, và do đó cũng rất đắt tiền, và không phải quốc gia nào cũng có thể chế tạo.

Chiến đấu cơ cũng là sản phẩm “toàn cầu” nhất của ngành quốc phòng Mỹ, với vô số chủng loại và phiên bản. Trong một số trường hợp, máy bay chiến đấu là cỗ máy tiên tiến đến mức phải có quy định về việc vận hành chúng.

Ví dụ, Thổ Nhĩ Kỳ từng là một phần của chương trình F-35 nhưng nhanh chóng bị loại ngay sau khi Ankara mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga mà Mỹ tin rằng sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 này.

Một số quốc gia đồng minh của Washington nhận được máy bay chiến đấu mới hơn, tiên tiến hơn như F-35, trong khi những quốc gia khác chỉ có thể tiếp cận các máy bay phản lực thế hệ thứ 4 cũ hơn như F-16.

Tuy nhiên, điều đó không làm cho những chú “chim sắt” trở nên lỗi thời. Thông thường, khi một quốc gia mua một máy bay phản lực cũ của Mỹ, họ sẽ được bán kèm theo thiết bị cập nhật công nghệ hiện đại hơn.

“Chim Cắt” F-16 Fighting Falcon

Ngày nay Không quân Mỹ không còn vận hành bất kỳ chiếc F-16 nào thuộc mọi phiên bản, nhưng gã khổng lồ Lockheed Martin vẫn sản xuất những chiếc máy bay chiến đấu phản lực đa nhiệm này để xuất khẩu.

Dù được đưa vào sử dụng từ nửa cuối những năm 1970, “ông lão” F-16 không gặp vấn đề gì trong việc theo kịp hầu hết các chiến đấu cơ cùng thế hệ của các nhà sản xuất khác ngoài Mỹ.

Hiện vẫn được sử dụng rộng rãi trong lực lượng không quân của khoảng 25 quốc gia, “Chim Cắt” F-16 Fighting Falcon đã tham chiến nhiều hơn hầu hết các máy bay chiến đấu hiện nay và được chứng thực là một lực lượng hùng mạnh trên không.

Công nghệ - 3 mẫu chiến đấu cơ Mỹ “tung hoành ngang dọc” toàn cầu, bao gồm F-16

Một chiếc F-16D Block 70 của Không quân Hoàng gia Bahrain. Ảnh: TWZ

Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê chuẩn một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ, trao cho đồng minh NATO này 40 chiếc F-16 mới và một số thiết bị khác với giá 23 tỷ USD. Các thiết bị có trong thỏa thuận bao gồm 79 bộ công cụ hiện đại hóa sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ cập nhật những chiếc F-16 cũ hơn.

Thổ Nhĩ Kỳ không phải là quốc gia duy nhất nhận được một số máy bay F-16 hoàn toàn mới. Vào tháng 8 năm ngoái, Mỹ chấp thuận cung cấp cho Ukraine một số máy bay F-16 từ Đan Mạch để cải thiện khả năng phòng không của quốc gia Đông Âu trong cuộc xung đột với Nga.

F-16 là một trong 10 mẫu máy bay đắt tiền nhất thế giới vào năm 2024, với phiên bản Lockheed Martin F-16 Block 70/72 hiện đại nhất có giá 63 triệu USD/chiếc.

“Tia chớp” F-35 Lighting II

Trong khi chiến đấu cơ “Chim ăn thịt” F-22 Raptor chưa bao giờ được xuất khẩu nhằm bảo vệ bí mật công nghệ, “Tia chớp” F-35 Lighting II của Lockheed Martin đã trở nên nổi tiếng toàn cầu với các quốc gia mới ký kết thỏa thuận mua sắm hàng năm và các thành viên cũ hơn trong chương trình tiếp tục mua thêm.

Với hơn 20 khách hàng, từ Na Uy đến Hàn Quốc, việc xuất khẩu F-35 đã thành công rực rỡ. Theo ông Richard Aboulafia, giám đốc điều hành của công ty tư vấn hàng không vũ trụ Aerodynamic Advisory, nhu cầu quốc tế về F-35, ít nhất trong khoảng một thập kỷ từ những năm 2020 tới những năm 2030, chắc chắn vẫn rất mạnh mẽ.

Ông Aboulafia chỉ ra rằng nhu cầu về F-35 ở Trung Đông khó có thể nắm bắt, trong khi nhu cầu ở Đông Âu mới bắt đầu phát triển, và rất nhiều khách hàng châu Á như Singapore chỉ mới bắt đầu đặt hàng.

Công nghệ - 3 mẫu chiến đấu cơ Mỹ “tung hoành ngang dọc” toàn cầu, bao gồm F-16 (Hình 2).

Chiến đấu cơ F-35 Lighting II của Không quân Mỹ nhận nhiên liệu từ một chiếc KC-10 Extender ở California, ngày 13/7/2015. Ảnh: Airman

Mỹ đã ký một thỏa thuận trị giá 8,6 tỷ USD với Hy Lạp về chuyển giao 40 chiếc F-35 Lightning II. Mặc dù F-35 là máy bay chiến đấu gây tranh cãi vì sự chậm trễ trong việc giao hàng và mức giá “cắt cổ”, nhưng nó vẫn là máy bay phản lực rất tiên tiến với một số công nghệ tiên tiến nhất mà quân đội từng thấy.

Mặt khác, 8,6 tỷ USD là một khoản tiền lớn có thể giúp bù đắp chi phí phát triển máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 này.

Thỏa thuận với Hy Lạp diễn ra cùng lúc với thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng không có quy định nào đối với Hy Lạp. Việc tiếp nhận những chiếc F-35 này sẽ giúp quân đội Hy Lạp hiện đại hóa lực lượng, giúp nước này đóng góp tốt hơn cho các nhiệm vụ của NATO.

Israel cũng đã đưa F-35 Lightning II vào Lực lượng Không quân của mình, trở thành quốc gia đầu tiên bên ngoài Mỹ vận hành loại máy bay này. Mặc dù Israel phải đến năm 2016 mới nhận được chiếc F-35 đầu tiên nhưng thỏa thuận này đã được thực hiện với Mỹ vào năm 2010 thông qua quy trình Bán hàng Quân sự ra Nước ngoài (FMS) của Mỹ.

F-35 là một trong những chiến đấu cơ đắt đỏ nhất thế giới hiện nay, với mức giá dao động tùy thuộc vào biến thể. F-35A là biến thể tiêu chuẩn nguyên bản và có giá khoảng 110 triệu USD/chiếc. Biến thể F-35B với hệ thống cất cánh ngắn và hạ cánh thẳng đứng có giá cao hơn và đắt đỏ nhất, khoảng 136 triệu USD/chiếc. Biến thể F-35C được thiết kế để phóng từ tàu sân bay và có giá khoảng 117 triệu USD/chiếc.

“Đại bàng” F-15 Eagle

Những chú “Đại bàng” F-15 được phát triển đầu tiên bởi McDonnell Douglas vào cuối những năm 1960 và bắt đầu tung cánh bay trên bầu trời vào giữa những năm 1970. Đây là máy bay chiến đấu chiến thuật, cực kỳ cơ động, hoạt động trong mọi thời tiết, được thiết kế để cho phép chủ nhân giành được và duy trì ưu thế trên không trên chiến trường.

“Đại bàng” từng là “huyền thoại” của bầu trời với ưu thế trên không đạt được thông qua sự kết hợp giữa khả năng cơ động và khả năng tăng tốc chưa từng có, tầm bắn, vũ khí và hệ thống điện tử hàng không. Nó có thể xuyên thủng hàng phòng ngự của đối phương và vượt trội hơn bất kỳ máy bay địch nào tương tự.

F-15 có hệ thống điện tử và vũ khí để phát hiện, thu thập, theo dõi và tấn công máy bay địch khi hoạt động trong không phận của cả đồng minh và địch thủ. Hệ thống vũ khí và điều khiển chuyến bay được thiết kế để một người có thể thực hiện chiến đấu không đối không một cách an toàn và hiệu quả.

Công nghệ - 3 mẫu chiến đấu cơ Mỹ “tung hoành ngang dọc” toàn cầu, bao gồm F-16 (Hình 3).

Chiến đấu cơ F-15 của Không quân Israel. Ảnh: Simple Flying

Là một phần của một thỏa thuận an ninh, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt đầu gửi cho Israel 50 máy bay chiến đấu F-15 mới toanh từ tháng 1 năm nay. Thỏa thuận này sẽ tiêu tốn hơn 18 tỷ USD.

Israel sẽ không nhận máy bay chiến đấu đã qua sử dụng. Máy bay của họ sẽ được chế tạo từ đầu với động cơ, radar và hệ thống vũ khí hiện đại. Bao gồm trong thỏa thuận này là bản cập nhật giữa vòng đời cho phi đội F-15 hiện tại của Israel, vì “Đại bàng” đã hơn 50 tuổi. Có thể phải mất tới 5 năm trước khi những chiến đấu cơ mới được xuất xưởng.

Ngoài Mỹ và Israel, khách hàng hàng đầu của F-15 bao gồm Ả Rập Xê-út, Nhật Bản và Hàn Quốc, theo dữ liệu từ FlightGlobal.

Phiên bản mới nhất của máy bay phản lực, F-15 EX (Eagle II), do Boeing sản xuất dự kiến ​​sẽ hoạt động tốt hơn các biến thể ban đầu. Đây cũng là một mẫu máy bay đắt đỏ hiện nay, với giá cho biến thể F-15 EX là 117 triệu USD/chiếc.

 

Minh Đức/ Người Đưa Tin