Nhiều gia đình Việt có thói quen giữ thực phẩm càng lâu càng tốt, ngại vứt đồ ăn dù đã để quá hạn hoặc tái sử dụng nhiều lần. Tuy nhiên, chính sự "tiếc của" này có thể âm thầm gây hại cho sức khỏe, đặc biệt với người già và trẻ nhỏ – những đối tượng có hệ miễn dịch yếu.
Dưới đây là 5 loại thực phẩm thường được bảo quản sai cách, dù nhìn bề ngoài vẫn "tươi rói" nhưng thực chất là ổ vi khuẩn khổng lồ.
1. Dưa hấu để qua đêm – mát nhưng không an toàn
Dưa hấu là loại trái cây giải nhiệt được yêu thích vào mùa hè. Nhưng khi đã cắt ra, dù được bọc kín và để tủ lạnh, phần thịt dưa tiếp xúc với không khí vẫn là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi.

Vi khuẩn như Listeria monocytogenes có thể phát triển ở nhiệt độ thấp, khiến miếng dưa tưởng sạch lại tiềm ẩn nguy cơ rối loạn tiêu hóa, thậm chí ngộ độc nếu để qua đêm.
Dưa đã bổ nên ăn hết trong ngày. Nếu còn thừa, tuyệt đối không để quá 12 tiếng dù bảo quản lạnh.
2. Trứng lòng đào để qua đêm – coi chừng vi khuẩn Salmonella
Trứng ốp la chảy lòng hay trứng luộc lòng đào tuy ngon nhưng chứa nhiều rủi ro nếu để qua đêm. Khi trứng chưa được nấu chín kỹ, vi khuẩn Salmonella vẫn có thể tồn tại và phát triển trong môi trường tủ lạnh.

Dù trông không khác gì ban đầu, trứng lòng đào để lâu có thể gây tiêu chảy, đau bụng, sốt và thậm chí ngộ độc nặng.
Trứng nửa chín chỉ nên dùng ngay sau khi chế biến. Không bảo quản qua đêm, kể cả trong ngăn mát.
3. Mộc nhĩ, nấm khô ngâm quá 24 giờ – độc tố sinh ra âm thầm
Thói quen ngâm mộc nhĩ hay nấm từ tối hôm trước để sáng hôm sau nấu là điều phổ biến. Tuy nhiên, nếu ngâm quá 24 tiếng, kể cả trong tủ lạnh, các loại nấm này có thể phát sinh độc tố do vi khuẩn Bacillus cereus, gây buồn nôn, tiêu chảy, thậm chí tử vong nếu ngộ độc nặng.

Ngâm mộc nhĩ chỉ nên trong vòng 1–2 giờ là đủ. Nếu đã ngâm lâu, nên bỏ đi để tránh rủi ro sức khỏe.
4. Rau xanh để tủ lạnh quá 3 ngày – “ổ” nấm mốc gây ung thư
Nhiều người nghĩ rau bảo quản lạnh là an toàn. Nhưng thực tế, rau lá xanh sau 72 giờ trong tủ lạnh bắt đầu bị phân hủy từ gốc, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm mốc sinh trưởng. Một số loại nấm còn có khả năng tiết aflatoxin – chất độc đã được Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo là có thể gây ung thư gan.
Rau nên ăn trong vòng 2 ngày kể từ khi mua về. Không nên tích trữ quá nhiều, nhất là vào mùa nóng.
5. Thịt rã đông nhiều lần – “nuôi” vi khuẩn mỗi lần hâm lại
Việc lấy thịt ra rã đông rồi lại cất ngăn đá nếu không dùng hết là hành vi rất phổ biến. Nhưng ít người biết rằng mỗi lần rã đông là mỗi lần tạo cơ hội cho vi khuẩn sinh sôi. Khi cấp đông lại, vi khuẩn không chết mà chỉ “ngủ đông”, đến khi rã tiếp sẽ phát triển mạnh mẽ hơn.

Nên chia nhỏ thịt khi cấp đông để dùng tới đâu rã tới đó. Tuyệt đối không cấp đông – rã đông nhiều lần. Thịt để đông quá 1 năm cũng nên bỏ, đừng cố tiếc.
Vi khuẩn không phải lúc nào cũng làm thay đổi màu, mùi hay vị thực phẩm. Do đó, đừng trông vào cảm quan mà đánh giá thức ăn còn tốt. Hãy thay đổi thói quen bảo quản thực phẩm kém an toàn để tránh "rước bệnh vào người".