Căn cứ quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và các quy định pháp luật khác hướng dẫn liên quan thì NLĐ có yêu cầu thì được hưởng BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Người lao động đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định, mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH. Lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia BHXH đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định, mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện.
- Người lao động ra nước ngoài để định cư.
- Người lao động đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng (ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế).
- Người lao động công tác tại các đơn vị quân sự sau khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu. Trường hợp này gồm 2 nhóm đối tượng:
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật Công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân.
Hạ sĩ quan, chiến sĩ Quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí.
Người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau một năm nghỉ việc, mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH, khi có yêu cầu, thì được nhận BHXH một lần.
Tuy nhiên, theo BHXH Việt Nam, việc rút BHXH một lần ảnh hưởng đến những lợi ích lâu dài, bền vững của người lao động, tác động tiêu cực đến hệ thống an sinh xã hội, cho nên, người lao động nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định.
Chi tiết cách tính lương hưu năm 2024 khi đóng đủ 25 năm BHXH
Theo đó, tại Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, từ ngày 1/1/2018, mức lương hưu hàng tháng của người lao động đủ điều kiện được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:
a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;
b) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.
Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75% tiền lương tháng đóng BHXH.
Theo quy định tại Điều 56 và Điều 74 Luật BHXH năm 2014, lương hưu của người lao động được xác định theo công thức chung sau đây:
Lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ hưởng x Mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH
Trong đó, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH (đối với người tham gia BHXH bắt buộc) hoặc thu nhập tháng đóng BHXH (đối với người tham gia BHXH tự nguyện) sẽ phụ thuộc vào tiền lương, hoặc thu nhập đóng hằng tháng của người lao động và có nhân với hệ số trượt giá tương ứng.
Điểm b,c khoản 2 Điều 7 Nghị định 115/2015/NĐ-CP và điểm b,c khoản 2 Điều 3 Nghị định 134/2015/NĐ-CP đều hướng dẫn về cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu của người lao động.
Theo đó, đối với lao động nữ nghỉ hưu từ 1/1/2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Như vậy, lao động nữ nghỉ hưu năm 2024, nếu đóng đủ 25 năm BHXH sẽ nhận được lương hưu với tỷ lệ 65% tiền lương tháng đóng BHXH.
Còn đối với lao động nam, từ năm 2022, tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 20 năm đóng BHXH. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Như vậy, lao động nam nghỉ hưu năm 2024, nếu đóng đủ 25 năm BHXH sẽ nhận được lương hưu với tỷ lệ 55% tiền lương tháng đóng BHXH.
Xem thêm: Sử dụng biển số xe giả tham gia giao thông có bị phạt tù không?
Minh Khuê (t/h)